Từ hậu tuyến đến tiền phương

Sông Hồng 09/09/2021 08:04

Hơn một năm chống dịch Covid-19, với những diễn biến khác nhau của dịch bệnh, cũng là thời gian những biện pháp chống dịch của cộng đồng có nhiều thay đổi.

Nếu năm 2020, mô hình Tổ Covid-19 cộng đồng đã phát huy cao độ khả năng truy vết, bóc tách F0, thì năm 2021 này, khi dịch bệnh phức tạp hơn, khó kiểm soát hơn và những chốt kiểm soát ở “vùng đỏ” hay “vùng xanh”, lại là lá chắn hữu hiệu trước dịch bệnh. Chưa kể, nhiều địa phương còn có những mô hình sáng tạo, hiệu quả khác.

Tổ Covid-19 cộng đồng là ai? Những người giữ chốt “vùng xanh”, “vùng đỏ” là ai? Mỗi địa phương có một cơ cấu tổ chức khác nhau. Nhưng trong những Tổ Covid-19 cộng đồng, trong thành phần của những người giữ chốt, chưa bao giờ thiếu cán bộ Mặt trận.

Nhiều người vẫn nghĩ cán bộ Mặt trận là những người đi vận động đóng góp các quỹ, vận động người dân thực hiện các đường lối, chính sách... Nhưng bây giờ, người Mặt trận phải “ra trận”. Những ngày Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh... “đỏ lửa” theo nghĩa đen và nghĩa bóng, những chốt kiểm soát vẫn vững vàng đứng đó, từ sáng sớm, đến tận đêm khuya.

Nơi đầu sóng, ngọn gió như thế, nghĩa là đối mặt với nguy cơ. Đã có những cán bộ Mặt trận trở thành F0, F1. Nhưng họ không bất ngờ, họ không lo sợ. Hầu hết khi “ra trận”, dù phòng vệ kỹ càng, mọi người đều xác định tâm lý từ trước, có thể lúc nào đó, mình “thành F”. Khó khăn là lúc càng thấy rõ hơn vai trò của Mặt trận và các đoàn thể ở cơ sở.

Thử hình dung, ở đợt dịch lần thứ tư này, nếu không có sự giám sát chặt chẽ việc ra vào các khu dân cư, ngăn chặn những trường hợp đi lại không cần thiết từ những chốt kiểm soát ấy, thì những ngày cao điểm nhất, số ca mắc F0 sẽ tăng như thế nào?

Hết phiên gác chốt, không phải là lúc người Mặt trận được nghỉ ngơi. Hàng chục tỉnh, thành phố thực hiện giãn cách xã hội. Biết bao vấn đề an sinh xảy ra. Hộ gia đình kinh tế khá giả còn rơi vào cảnh thiếu lương thực, huống chi những hộ nghèo, cận nghèo, gia đình có người đau ốm, hay những người lao động tự do, nhiều người còn không có chỗ nương thân...

Khó có thể kể hết những đầu việc mà cán bộ Mặt trận phải làm. Vừa tuyên truyền nhân dân thực hiện giãn cách phòng dịch, vừa rà soát các hộ gia đình gặp khó khăn, vừa vận động bà con thực hiện tinh thần tương thân, tương ái giúp nhau trong hoạn nạn. Khi tiếp nhận ủng hộ rồi lại cùng cán bộ Tổ dân phố, cán bộ thôn làng cân đối việc phân phối sao cho phù hợp. Nếu không, vừa mang tiếng cho mình, lại vừa khiến hàng hoá không tìm được đúng người đang cần.

Có những cán bộ Mặt trận từ sáng tới chiều tay xách nách mang vận chuyển lương thực, hàng hoá để tiếp tế cho nhân dân. Có những người, bản thân còn không kịp lo miếng ăn cho mình, vì công việc chăm lo đời sống nhân dân khu cách ly nhiều quá, không kịp dừng lại...

Dịch bệnh còn diễn biến phức tạp. Nhưng rồi, sớm muộn dịch bệnh cũng sẽ qua. Nhưng có những điều sẽ còn đọng lại đến mãi sau này. Từ hậu tuyến đến tiền phương, sự có mặt của người Mặt trận trong lúc khó khăn đã mang lại sự ấm áp, tin yêu. Đó vừa là bản lĩnh, vừa là bài học để những người làm Mặt trận giữ vững vị thế là trung tâm của khối kết đoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ hậu tuyến đến tiền phương

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO