Ngày 21/4, UBND Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản về việc điều chỉnh giảm hệ số tăng thu nhập đối với cán bộ, công chức, viên chức của thành phố. Cụ thể, về hệ số điều chỉnh tăng thu nhập, đối với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương trên 3.00 sẽ áp dụng điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,6 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.
Với cán bộ, công chức, viên chức có hệ số lương từ 3.00 trở xuống sẽ điều chỉnh hệ số tăng thu nhập tối đa từ 1,2 lần giảm còn 0,8 lần so với tiền lương theo ngạch bậc, chức vụ của năm 2020.
Nhiều người lao động rất cần được hỗ trợ trong giai đoạn khó khăn do dịch Covid-19 gây ra. Ảnh: Quang Vinh.
Thời gian áp dụng mức giảm này để tính thu nhập tăng thêm kể từ ngày 1/1/2020.
Đây là động thái tích cực, tiết kiệm để hỗ trợ cho những người lao động nghèo trên địa bàn TP HCM bị ảnh hưởng tiêu cực từ dịch Covid-19. Đây cũng là hành động “nêu gương” của cán bộ, công chức, viên chức thành phố, cùng chia ngọt sẻ bùi trên tinh thần tương thân tương ái rất đáng trân trọng.
Trước đó, Ban Thường vụ Thành ủy TP HCM đã thảo luận và thống nhất giảm khoảng 50% thu nhập tăng thêm của toàn bộ cán bộ, công chức trên địa bàn TP trong năm 2020, để hỗ trợ những người lao động mất thu nhập do dịch bệnh Covid-19. Cùng đó, tại kỳ họp bất thường HĐND TP HCM khóa IX đã thông qua chính sách hỗ trợ 1 triệu đồng/người/tháng cho khoảng 600.000 người lao động bị mất việc do tác động của dịch Covid-19, bao gồm cả giáo viên, nhân viên các cơ sở giáo dục mầm non ngoài công lập và nhóm trẻ. Đây là những người không đủ điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp theo quy định. Thời gian hỗ trợ tính theo số ngày thực tế mà người lao động mất việc, tối đa không quá 3 tháng (từ tháng 4 đến tháng 6/2020).
Được biết, việc giảm nửa thu nhập tăng thêm của toàn bộ cán bộ, công chức, viên chức trên địa bàn TP HCM sẽ đủ để hỗ trợ 600.000 lao động này.
Trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19, suốt thời gian qua nhiều nghĩa cử được xã hội hoan nghênh, cảm kích. Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cũng đã có nhiều chủ trương, chính sách và hành động cụ thể để giúp đỡ doanh nghiệp, người lao động, người nghèo trong hoàn cảnh khó khăn. Chính phủ đã quyết định chi những gói hỗ trợ rất lớn cho doanh nghiệp, cho người lao động, người nghèo. Trong đó, 7 đối tượng được thụ hưởng gói hỗ trợ 62.000 tỷ đồng. Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng đã ra Lời kêu gọi ủng hộ phòng, chống dịch Covid-19 và đã nhận được sự ủng hộ tích cực của xã hội. Những hỗ trợ đó sẽ nhanh chóng được chuyển tới những địa chỉ trên tuyến đầu chống dịch.
Cũng trong tinh thần đó, nhiều tổ chức, doanh nghiệp đã chủ động giảm chi phí, giảm các chế độ thưởng thường xuyên để dành tiền chống dịch, cũng có nghĩa là chia sẻ gánh nặng của đất nước; san sẻ khó khăn với người lao động nghèo. Trên thực tế, dịch Covid-19 đã lấy đi của hàng triệu lao động những khoản thu nhập thường xuyên, khi họ mất việc, giãn việc, giảm việc, phải ở nhà. Họ, những người lao động không có bảo hiểm xã hội, ăn lương hợp đồng thời vụ hoặc không có hợp đồng lúc này lập tức rơi vào khốn khó. Chưa hết, với lao động tự do cũng tới hàng chục triệu người, như những người bán vé số, chạy xe ôm, bốc vác… thì tình cảnh còn khó khăn hơn. Nguồn thu nhập họ có được từng ngày để lo cho cuộc sống bị ngắt đoạn. Khó khăn chồng lên khó khăn.
Những ngày qua, nhiều hình thức ủng hộ người nghèo đã lan tỏa trong phạm vi cả nước, thật đáng trân trọng. Mới đây, hình thức cây ATM gạo miễn phí cho người nghèo được toàn xã hội hoan nghênh. Tinh thần tự nguyện, thiện nguyện giúp người nghèo như vậy làm xã hội ấm áp hơn trong những ngày gian nan chống dịch.
Cũng như TP HCM, nhiều địa phương, nhiều bộ ngành, nhiều doanh nghiệp cũng vào cuộc chia sẻ khó khăn bằng cách giảm chi tiêu, hay là có những chủ trương “nhận thiệt về mình” để cùng lo cho xã hội, Trong số đó có thể kể đến hệ thống ngân hàng, khi mà chủ trương giảm lãi suất, đơn giản thủ tục cho vay, giãn nợ, khoanh nợ… đã nhanh chóng đưa ra và thực hiện.
Từ những hành động giàu ý nghĩa đó, lại nghĩ tới việc thời gian qua khá nhiều ngành nghề kêu khó, đề nghị được Chính phủ “cứu”, trong đó hầu hết là xin được “bơm” tiền. Tất nhiên, khó thật, và việc “kêu cứu” cũng có thể hiểu được. Tuy nhiên, đây chính là thời điểm cần triệt để tiết kiệm, phát huy nội lực cao độ với tinh thần “tự lực cánh sinh”. Bản lĩnh, năng lực vượt khó là điều hết sức quan trọng, đặc biệt là trong hoàn cảnh cả nước bị tác động xấu từ dịch Covid-19, chứ không chỉ riêng ai.
Tiếp sau chủ trương của TP HCM, của hệ thống ngân hàng… liệu còn những nơi nào có “của ăn của để” hành động theo đạo lý “nhường cơm sẻ áo” của dân tộc Việt Nam ta? Trong khó khăn, mình có của ăn của để trong khi người khác thiếu thốn cực khổ, sao đành.
Trong lúc này rất cần sự nêu gương, sự sẻ chia, cùng nhau vượt khó chứ không cần đến sự kêu than, hay là chỉ biết lo cho mình mà bỏ mặc sự khó nhọc của người khác.