Từ những vụ bắt cóc trẻ em: Chuyên gia tội phạm học khuyến cáo gì?

Xuân Ngọc 24/08/2020 14:00

Xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc.

Đối tượng Nguyễn Thị Thu và Đặng Văn Bằng tại cơ quan Công an, trong vụ án bắt cóc bé 2 tuổi ở Bắc Ninh.

Thời gian qua, tình trạng bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em tại một số địa phương đang xảy ra theo chiều hướng gia tăng và diễn ra hết sức táo tợn, liều lĩnh với nhiều thủ đoạn tinh vi khiến dư luận không khỏi bàng hoàng.

Những vụ bắt cóc trẻ em gây xôn xao dư luận

Ngày 1/11/2011, tại Bệnh viện Phụ sản Trung ương (Hà Nội) xảy ra vụ bắt cóc nhằm chiếm đoạt trẻ em, nạn nhân là bé trai vừa tròn 3 ngày tuổi con của chị Trần Thị Thơm (huyện Yên Mỹ, tỉnh Hưng Yên). Đối tượng bắt cóc bé trai sơ sinh là Nguyễn Thị Lệ (SN 1982, quê Bắc Giang), Lệ đã lên kế hoạch, lẻn vào bệnh viện, giả vờ làm nhân viên y tế đến bảo chị Thơm đưa con để bế đi xét nghiệm. Sau đó Lệ rời khỏi bệnh viện và đưa cháu bé về nhà bố mẹ đẻ ở Bắc Giang.

Phòng Cảnh sát hình sự, Công an TP Hà Nội đã xác định và bắt giữ Nguyễn Thị Lệ sau đó không lâu. Ngày 9/4/2012, Tòa án Nhân dân TP Hà Nội mở phiên xét xử sơ thẩm, tuyên phạt Nguyễn Thị Lệ 4 năm tù về tội Chiếm đoạt trẻ em.

Ngày 8/1/2014, xảy ra vụ bắt cóc bé sơ sinh tại một bệnh viện ở Quận 7, TP HCM, đối tượng bắt cóc cũng là một phụ nữ.

Theo đó, chiều 8/1, sau khi sinh, hai mẹ con chị Nguyễn Thị Minh Tâm được chuyển đến phòng hậu sản số 4 ở tầng 1. Sau đó, một cô gái khảng 25 tuổi vào phòng, xin nằm nghỉ để chờ chị dâu sinh. Đến sáng 9/1, sau khi chồng về nhà, chị Tâm vào nhà vệ sinh, khi trở ra chị hoảng hốt không thấy con đâu. Cô gái lạ mặt ngủ cạnh suốt đêm qua cũng biến mất.

Ngày 13/1/2014, Công an Quận 7, TP HCM đã bắt được Nguyễn Thị Bích Trâm (25 tuổi), bé trai và nghi phạm được đưa về trụ sở điều tra của công an quận 7. Ngay sau đó, bé được trao trả cho gia đình. Tại cơ quan Công an, Trâm khai nhận bắt cóc bé trai với ý định đem bán. Cơ quan điều tra cũng đã lần ra manh mối đường dây mua bán trẻ em ở các bệnh viện.

Gần đây nhất, dư luận lại một lần nữa dậy sóng khi biết được vụ án một người phụ nữ bắt cóc bé trai 2 tuổi tại Bắc Ninh.

Trong lúc được bố đưa đi chơi ở khu công viên tại thành phố Bắc Ninh, bé Nguyễn Cao Gia Bảo (2 tuổi, trú tại TP Bắc Ninh) đã bị Nguyễn Thị Thu (32 tuổi, quê Cao Bằng) bắt cóc đưa về Tuyên Quang.

Ngày 22/8/2020, Phòng Trọng án, Cục Cảnh sát hình sự (Bộ Công an) phối hợp với Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Bắc Ninh và Phòng Cảnh sát hình sự, Công an tỉnh Tuyên Quang đã giải cứu an toàn cháu Gia Bảo.

Ngày 23/8/2020, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bắc Ninh ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Thị Thu về hành vi chiếm đoạt người dưới 16 tuổi.

Thủ đoạn bắt cóc của các đối tượng rất tinh vi

Chuyên gia tội phạm học, Trung tá Đào Trung Hiếu cho biết, thủ đoạn bắt cóc trẻ em hiện nay rất đa dạng.

Các đối tượng bắt cóc có thể sử dụng những “chiêu thức” như: phát hiện trẻ chơi một mình ngoài đường, hay đi cùng bố mẹ ra nơi công cộng (siêu thị, trường học, bệnh viện…) nhưng thoát ly người lớn (chạy lăng xăng), đối tượng tìm cách tiếp cận, rồi dùng những thứ hấp dẫn trẻ nhỏ như bánh kẹo, sách truyện, đồ chơi để câu nhử, dụ dỗ trẻ em đi theo chúng.

Các đối tượng cũng có thể giả danh người nhà của trẻ, hoặc là người được bố mẹ trẻ nhờ đón, để lừa giáo viên, lừa các cháu học sinh mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở… để đưa đi...

Đóng giả làm y tá, bác sĩ hoặc bệnh nhân, người nhà bệnh nhân để lân la làm quen với sản phụ tại các bệnh viện, rồi lợi dụng sơ hở để bắt cóc trẻ sơ sinh. Có trường hợp chúng giả danh thân nhân sản phụ, ngang nhiên đón trẻ sơ sinh từ tay y tá rồi bế đi.

Theo dõi những phụ nữ chở con nhỏ đi trên đường, không đeo đai an toàn, đối tượng chủ động va quệt xe vào họ gây tai nạn. Trong lúc bà mẹ đang nằm ra đường, đồng bọn của chúng vờ là người đi đường tốt bụng bế đứa trẻ lên rồi phóng đi.

Bắt cóc chính con, em, cháu ruột của mình để tống tiền người thân; Trẻ em bị lạc bố mẹ, lạc đường về nhà đứng khóc tại vỉa hè, đường sá, đối tượng đến dỗ dành, tỏ ra đáng tin cậy rồi lừa đưa các cháu đi. Lợi dụng tình trạng khó khăn của trẻ em đường phố (đi ăn xin, bán báo, đánh giày…) để dụ dỗ, lừa gạt hoặc dùng vũ lực bắt đi…

Mối nguy tiềm ẩn

Theo Trung tá Đào Trung Hiếu, hậu quả của tội phạm bắt cóc, chiếm đoạt trẻ em thường rất nặng nề. Bởi vì chúng trực tiếp xâm hại hoặc đe dọa, uy hiếp sự an toàn về tính mạng, sức khỏe của trẻ em bị bắt cóc, chiếm đoạt. Gây hoang mang, sợ hãi, đau khổ cho gia đình nạn nhân, gây ra những tổn hại nghiêm trọng về thể chất, tâm lý của trẻ.

Những di chứng này có thể kéo dài trong suốt cuộc đời nạn nhân, ảnh hưởng lớn đến sự phát triển bình thường về thể chất và tinh thần, tâm lý của trẻ em. Gây hoang mang dư luận xã hội. Tạo ra tâm lý bất an, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống sinh hoạt của người dân, cướp đi hạnh phúc của nhiều gia đình, tiềm ẩn những nguy cơ về an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội, xâm hại phong tục tập quán, đạo đức xã hội, pháp luật của nhà nước.

Làm gì để chủ động phòng ngừa loại tội phạm này

“Điều cốt lõi để bảo vệ trẻ em khỏi những "mẹ mìn", là việc giáo dục kỹ năng cho trẻ. Xây dựng các tình huống tốt - xấu giả định, từ đó dạy cách ứng xử và rèn luyện thường xuyên để trẻ hình thành những kỹ năng đối phó trước nguy cơ bị bắt cóc. Đây là việc làm vô cùng quan trọng và cần thiết", Trung tá Đào Trung Hiếu đưa ra lời khuyên dành cho các bậc phụ huynh.

Dạy cho trẻ biết "những người lạ có thể tin tưởng", gồm: thầy cô giáo, chú Công an, chú Bộ đội, bác bảo vệ cơ quan, nhà trường, nhân viên cửa hàng (đặc điểm chung là họ thường mặc quần áo đồng phục - cần giới thiệu với trẻ về những loại đồng phục phổ biến), hoặc những bà mẹ có mang theo con nhỏ trên đường.

Với những người này, khi gặp tình huống nguy hiểm trẻ có thể tin tưởng kể về tình hình của mình và đề nghị giúp đỡ liên lạc ngay với bố mẹ.

Dạy trẻ nhớ thuộc lòng họ tên, số máy điện thoại của bố mẹ, địa chỉ nhà của mình, nhưng phải giữ bí mật những thông tin này, chỉ nói với "những người lạ có thể tin tưởng".

Dạy trẻ không được nói chuyện, hay đi theo người lạ. Nếu có ai đó không quen biết mà lân la tiếp cận, tìm cách hỏi chuyện, cho quà, phải chạy trốn ngay lập tức và kể lại sự việc cho bố mẹ hoặc những "người lạ có thể tin tưởng" ở gần đó.

Dạy trẻ không được nhận bất cứ đồ vật (bánh kẹo, đồ chơi…) của người lạ mặt.

Dạy trẻ không được đăng công khai những thông tin cá nhân lên trên mạng, như họ tên đầy đủ, tên của những thành viên trong gia đình, số điện thoại, địa chỉ hoặc trường học của mình, anh em mình. Bởi vì bọn bắt cóc có thể lập nick giả, làm quen kết bạn rồi rủ rê đi chơi, thăm quan, du lịch, xem phim… rồi tận dụng thời cơ bắt cóc trẻ.

Tuyệt đối không nên đưa lên mạng xã hội (Facebook, Zalo…) những thông tin cá nhân của trẻ, địa chỉ cụ thể nơi con học, hay những hình ảnh có tính chất khoe khoang sự giàu có, khá giả của gia đình. Vì hiện nay tội phạm thường "tăm tia, săn mồi" ngay từ các trang Facebook.

Trong trường hợp trẻ bị bắt cóc, cha mẹ cần hợp tác chặt chẽ với Công an, không được tự ý làm bất cứ điều gì ngoài chỉ đạo, hướng dẫn của lực lượng phá án.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ những vụ bắt cóc trẻ em: Chuyên gia tội phạm học khuyến cáo gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO