Tu thân

Trần Hữu Thăng 06/06/2020 11:51

Những ai may mắn được học Cổ văn, Triết học cổ điển, Triết học hiện sinh đều giật mình suy nghĩ: “Hóa ra từ cách đây hàng ngàn năm, hàng trăm năm người ta đã dạy cách tu thân hay còn gọi là tự kiểm điểm bản thân hàng giờ, hàng ngày. Ai làm được việc này đều tránh được những hiểm họa do cuộc sống bất trắc và đầy cám dỗ mang lại. Ai không làm được việc này thì dù có thành công, dù có thành đạt nhất thời, nhưng về lâu về dài cũng rất mong manh, cũng rất bấp bênh, không có gì bền vững cả.

Tu thân

Nói về phép Tu thân, kỹ năng tự giác, tự nguyện, tự kiểm điểm bản thân thì có vẻ phức tạp, cao siêu nhưng thật ra từ cách đây 2.500 năm, nhà triết học cổ đại Tăng Tử (Năm 505 đến năm 437 trước Công nguyên) đã nói rất dễ hiểu: “Phải luôn coi như có 10 con mắt luôn nhìn vào ta, 10 cánh tay luôn chỉ thẳng vào ta, thật đáng sợ thay” (Thập mục sở thị, thập thủ sở chi, kỳ nghiêm hồ). Đúng thế thật, nếu cố rèn luyện tu tập đến mức độ luôn cảm thấy có 10 con mắt (tức là 5 người) và có 10 cánh tay (tức là 5 người) luôn nhìn vào mình, luôn để ý đến mình thì thử hỏi ai còn dám làm việc gì sai trái với đạo đức, với pháp luật nữa. Và như thế, về cơ bản là êm đẹp, chỉ còn tập trung vào chuyên môn nữa thì chắc chắn sẽ có một tương lai tốt đẹp.

Bên trời Tây, Jean de La Fontaine (1621 – 1695), ông tổ của các chuyện ngụ ngôn để đời của nhân loại cũng đã căn dặn kỹ con người: “Tự kiểm điểm về bản thân mình là việc đầu tiên trong các việc phải chú trọng đến”.

Phương Đông nói như thế, phương Tây cũng nói như vậy, ấy thế mà không phải ai cũng tiếp thu được, học tập được mà răn mình, mà tự rèn luyện. Tại sao lại khó thế? Đó là vì có sự giằng co, có sự đấu tranh giữa bản năng và bản lĩnh. Theo dân gian, Bản năng là: đói thì ăn, khát thì uống cho đã. Bản lĩnh là: “Ăn trông nồi, ngồi trông hướng”, là “Lời chào cao hơn mâm cỗ”, là “Liệu cơm gắp mắm”, là “Lành cho sạch, rách cho thơm”, là “Cọp chết để da, người ta chết để tiếng”, là “Miếng ăn là miếng nhục”.

Như vậy cái kỹ năng: Tự mình hiểu mình, tự mình đánh giá đúng mình, hay nói theo lối mới hiện đại là: Tự mình vượt lên chính mình, tự mình thắng được mình... là tuyệt đối khó và bắt buộc phải rèn luyện suốt đời.

Kể lại một câu chuyện cũ, khi nhà triết học cổ đại Diogène (Năm 413 – 323 trước Công nguyên) hỏi Thalès (không rõ thời gian) - thầy của Diogène, là: “Khi tôi hỏi thầy Thalès: cái gì là khó nhất đối với con người, ông đáp: Tự hiểu mình”.

Thì ra, từ cổ chí kim, từ Đông sang Tây, cái lỗi lầm tai hại nhất của con người là không biết cách để tự hiểu mình, không biết đánh giá đúng mình, không biết được cái dốt của mình nên đã gây ra bao rắc rối, bao bi hài kịch cho cuộc đời.

Một trong những phương pháp tập luyện để hình thành cái kỹ năng “tự biết mình” chính là ngày nào cũng phải giành thời gian để tự kiểm điểm lại mình, tự đánh giá lại mình. Đúng như thiên tài Pythagore (khoảng 500 năm trước Công nguyên) đã dạy: “Ta không được phép mặc cho đôi mắt chìm vào sự êm đềm của giấc ngủ trước khi kiểm điểm 3 lần những việc làm của ta trong ngày đó”.

Cách dạy bảo này của Pythagore chẳng khác gì cái nề nếp của một con người có giáo dục là phải biết rửa mặt, tắm gội sạch sẽ hàng ngày đối với cơ thể và đọc sách, trau dồi đạo đức hàng ngày đối với tâm hồn. Ngày nào cũng phải giành ra ít thời gian để tĩnh tâm, để thiền, để tự kiểm điểm việc đúng sai đã diễn ra trong ngày. Ngày nào cũng như ngày nào, đến khi tạm êm các việc mới được phép nghỉ ngơi, thư giãn.

Sách giáo khoa cổ đại phương Đông cũng nêu một nguyên tắc phải ghi nhớ suốt đời, đó là: “Tự mình không biết tự trọng thì sẽ mang lấy nhục, tự mình không biết kiêng sợ thì sẽ mang lấy họa” (Bất tự trọng, giả thủ nhục; bất tự úy, giả chiêu họa).

Chao ôi, lúc nào cũng canh cánh bên lòng một khát khao của đạo lý, của luật pháp thì thật khó quá! Nhưng cũng như việc rửa mặt, tắm rửa hàng ngày, nó buộc con người phải chấp hành, phải tập cho có nề nếp, có quy củ mới hy vọng phát triển được, tiến bộ được. Chính dựa vào cái nguyên lý “Tu thân” này mà nhiều chính trị gia nổi tiếng, nhiều tỷ phú tầm cỡ thế giới đã bắt buộc con cái họ phải đi học nghiêm túc, phải đi làm việc ở những nơi vất vả, khó nhọc, phải vào bộ đội để được rèn luyện gian khổ thì mới hy vọng có một tương lai tốt đẹp được. Trái lại, nếu ai chiều chuộng con, con muốn gì được nấy, thì làm sao học được kỹ năng làm người.

Cái phép Tu thân, tự kiểm điểm trước khi đi ngủ chính là cái vắc xin hiệu quả nhất, vững bền nhất cho thế hệ trẻ, tương lai của nhân loại trong thế kỷ XXI. Cái kỹ năng rèn luyện bản thân, biết đề cao lòng tự trọng của từng cá thể con người là phương thuốc thần kỳ giành cho những ai biết chịu đựng, biết giành hết sức lực của tuổi trẻ cho việc phấn đấu, rèn luyện.

Tác giả Marie Valyère đã viết: “Chính nhờ có lòng tự trọng mới làm cho chúng ta chịu đựng được sự gian khổ”.

Thấy khó khăn, thấy khó nhọc ai chả sợ, ai chả muốn tránh đi. Một bài hát nổi tiếng đã viết: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng/ Gian khổ biết giành phần ai?”. Những người biết giành lấy phần gian khổ ấy chính là những người lao động giỏi, những người làm cho đất nước ngày càng ấm no hạnh phúc. Đó là các y, bác sĩ, bộ đội, công an không sợ hiểm nguy, ngày đêm thầm lặng miệt mài chiến đấu nơi tuyến đầu chống dịch Covid-19 để đảm bảo cuộc sống an lành cho người dân, cho xã hội. Và còn biết bao người khác đã ngày ngày thầm lặng cống hiến cho đời. Họ vượt được mọi gian khổ chính là nhờ có lòng tự trọng cao, lòng tự tôn quê hương, tự tôn dân tộc. Những người có lòng tự trọng, tự tôn dân tộc thì dù đi đâu, phải rời bỏ quê hương đi học hoặc đi làm ăn xa cũng đều ao ước có ngày trở về mái nhà xưa, trở về nơi chôn rau cắt rốn.

Khi được trở về nhà, trở về quê hương, họ đều kính cẩn cúi đầu chào hỏi các ông già bà cả, các vị cựu chiến binh trong làng và tự hào với các bậc tiền bối là mình đã cố gắng phấn đấu để học tập, lao động tốt và không làm điều gì trái với pháp luật, trái với đạo đức làm người. Muốn được như thế đâu có phải dễ, họ phải cố gắng liên tục, cố gắng suốt đời, mới dám nhìn thẳng vào cái đình làng cổ, cây đa cổ thụ, con đê dài của quê hương mỗi khi về thăm làng cũ, thăm mồ mả ông bà nội ngoại.

Để khép lại bài viết về kỹ năng Tu thân, biết đề cao lòng tự trọng, không gì hơn là nhắc đến tổng kết sau đây của Boudier de Villemer: “Chính lòng tự trọng bù đắp cho ta những tài năng mà ta thiếu hụt, nó làm cho ta biết quý trọng những gì đã có hơn là những gì không có”. Câu này đáng trân trọng ở hai khía cạnh:

- Tài năng thì biết bao nhiêu là đủ, là vừa. Sao không đo tài năng bằng chính lòng tự trọng của từng cá nhân, nó vừa cụ thể, vừa thiết thực cho sự tự đánh giá mình, tự biết đủ, tự thấy đủ là được rồi.

- Phải biết quý trọng và phát huy những gì ta đang có hơn là hão huyền chờ đợi, mong ngóng một cái gì không có.
Vì thế chúng ta mãi mãi phải biết ơn Boudier de Villemer với lời dạy sâu sắc về lòng tự trọng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tu thân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO