Từ ‘văn hóa’ chụp màn hình đến quyền riêng tư cá nhân

Hoàng Chiến - Quang Thành 13/09/2021 06:30

Sau sự việc một tài khoản cá nhân tung hàng loạt tin nhắn tình cảm của Huỳnh Lập - Hồng Tú, có thể thấy việc chụp màn hình giờ đây đã không còn đơn giản là một tính năng trên thiết bị công nghệ…

Nguồn cơn của những vụ tấn công mạng

Chiều tối 8/9, cộng đồng mạng một phen “dậy sóng” bởi ồn ào chuyện tình cảm liên quan đến “cặp bài trùng” của nam diễn viên nổi tiếng Huỳnh Lập và quản lý của mình, đạo diễn Hồng Tú. Theo đó, một tài khoản có tên P.D.N. đã tung loạt tin nhắn chụp màn hình giữa mình với hai nghệ sĩ, “tố” Huỳnh Lập - Hồng Tú dùng những từ ngữ và hình ảnh nhạy cảm để “gạ tình”, lôi kéo người này vào một mối quan hệ “mở”. Sau khi đăng tải, bài viết nhanh chóng thu hút sự quan tâm của cộng đồng mạng, đến nỗi ngay trong tối 8/9, từ khóa liên quan đến Huỳnh Lập - Hồng Tú đã leo top tìm kiếm thịnh hành của Google Trends chỉ sau vài giờ.

Sau vụ việc bị lộ tin nhắn gạ gẫm nhạy cảm, Huỳnh Lập đã có động thái khóa toàn bộ facebook cá nhân cùng trang fanpage, đồng thời tắt phần hiển thị cũng như khóa tính năng bình luận cho một loạt MV parody đình đám của mình trên kênh Youtube. Phía Hồng Tú cũng đã khóa tài khoản facebook cá nhân của mình. Đến thời điểm hiện tại, cả hai vẫn chưa chính thức lên tiếng về vụ việc.

Có thể thấy, sự việc trên không chỉ gây tranh cãi về đạo đức cùng quan niệm về các mối quan hệ hiện đại mà còn đặt ra nhiều câu hỏi về một văn hóa mới trong giới trẻ - “văn hóa chụp màn hình”. Nếu như trước đây, việc chụp màn hình phổ biến nhất nhằm lưu lại các thông tin quan trọng trên web, thông báo lỗi, lưu giữ những khoảnh khắc đặc biệt khác… nhất là trong các trò chơi điện tử khi người chơi muốn khoe các “chiến tích” với bạn bè, người thân trên mạng xã hội. Thì giờ đây, việc chụp màn hình có thể “đi xa” hơn rất nhiều.

Theo một số chuyên gia văn hóa, hành động chụp màn hình giờ đây không chỉ đơn thuần là một tính năng thông thường trên các thiết bị công nghệ, mà nó hoàn toàn có thể trở thành một công cụ tấn công trực diện vào quyền riêng tư cá nhân của người dùng.

Trên các phương tiện truyền thông, đặc biệt là mạng xã hội, việc chụp màn hình xảy ra rất phổ biến. Dễ dàng có thể bắt gặp các đoạn tin nhắn chụp màn hình riêng tư được tung lên nhằm đấu tố, “bóc phốt” nhau. Đây cũng được coi là nguồn cơn của những ồn ào, thị phi trên mạng xã hội. Thậm chí, các hình ảnh chụp màn hình còn trở thành “chứng cứ” để làm tăng sức thuyết phục cho câu chuyện. Trong nhiều sự việc, các hình ảnh chụp màn hình này là yếu tố “thêm dầu vào lửa”, làm cho câu chuyện đi xa hơn, quá đà hơn. Những người trong cuộc buộc phải lên tiếng hoặc thừa nhận sự riêng tư của mình cho cả xã hội biết.

Không những vậy, việc truyền tay nhau chia sẻ các thông tin chụp màn hình của cá nhân còn được xếp vào hành vi tấn công trực tuyến, gây ảnh hưởng trực tiếp đến danh dự và nhân phẩm của đối tượng bị chia sẻ.

Huỳnh Lập - Hồng Tú vướng vào lùm xùm chuyện tình cảm khi bị “bóc phốt” bởi những tin nhắn chụp màn hình. Ảnh: Facebook diễn viên Huỳnh Lập.

Cần làm gì để không trở thành nạn nhân?

Trao đổi về vấn đề này, luật sư Trần Xuân Tiền, Trưởng văn phòng luật sư Đồng Đội, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho hay: “Về mặt pháp lý, ảnh chụp màn hình được gọi là dữ liệu điện tử. Đây được coi là một trong các nguồn chứng cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 94 và Khoản 3 Điều 95 Bộ luật Tố tụng dân sự 2015. Tuy nhiên ảnh chụp màn hình có giá trị pháp lý thì phải đáp ứng một số các điều kiện nhất định”.

Cũng theo luật sư Tiền, chứng cứ thu thập được từ các hình ảnh chụp từ màn hình điện thoại có những lợi ích nhất định. Cụ thể như việc chụp màn hình nhanh chóng và đơn giản, giúp quá trình thu thập chứng cứ diễn ra suôn sẻ, nhanh chóng làm rõ được các sự kiện, tình tiết và đảm bảo tính đúng đắn của vụ án và đảm bảo được tính nguyên gốc và thực tế của chứng cứ.

Tuy nhiên, bên cạnh những lợi ích thì những nguy hại từ việc chụp màn hình có thể kể đến là nguy cơ lộ thông tin cá nhân, ảnh hưởng quyền bất khả xâm phạm về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân và bí mật gia đình. Những đoạn tin nhắn không thể hiện được toàn bộ vấn đề hay câu chuyện nên không phản ánh chính xác và khách quan sự việc dẫn đến hiểu sai, hiểu nhầm nội dung, thậm chí là xuyên tạc nội dung theo ý muốn của người đăng tải. Từ đó có thể gây ra những hậu quả không mong muốn cho người bị lộ thông tin và những người liên quan khác. Đồng thời, trong trường hợp không được người có thông tin đồng ý, việc chụp màn hình nhằm phát tán thông tin sẽ xâm phạm đến nhân phẩm và danh dự nhân phẩm của họ.

Luật sư Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Văn phòng luật sư Kết Nối, Đoàn luật sư thành phố Hà Nội cho biết thêm: “Hiện nay, pháp luật Việt Nam đã công nhận và bảo hộ quyền về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân. Cụ thể Điều 21 Hiến pháp năm 2013 và Điều 38 Bộ luật Dân sự có quy định rất chặt chẽ về vấn đề này. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý. Thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của cá nhân được bảo đảm an toàn và bí mật. Việc bóc mở, kiểm soát, thu giữ thư tín, điện thoại, điện tín, cơ sở dữ liệu điện tử và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác chỉ được thực hiện trong trường hợp luật quy định.

Nếu người nào phát tán các thông tin về đời tư cá nhân của người khác mà không được sự đồng ý của họ hoặc pháp luật không cho phép sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính theo Khoản 2 Điều 64 Nghị định 174/2013/NĐ-CP với mức phạt tiền từ 10 - 20 triệu đồng”.

Dù hiện tại, trên nền tảng của nhiều ứng dụng mạng xã hội, nhà phát triển đều thêm vào tính năng thông báo khi có người chụp màn hình hội thoại như Instagram, Viber… Tuy nhiên, hai luật sư đều đưa ra khuyến cáo, đối với người dùng mạng xã hội, nên hạn chế chia sẻ thông tin cá nhân của mình một cách công khai, hạn chế nhắn các thông tin bí mật, có ảnh hưởng đến đời tư thông qua các ứng dụng chat trên mạng Messenger, Zalo,... ví dụ như các thông tin về số điện thoại, số CMND, thẻ căn cước, mã OTP ngân hàng. Ngoài ra, phía người dùng cần lưu ý không lan truyền, phát tán thông tin cá nhân của người khác để tránh những rủi ro không đáng có. Ngoài ra, cần cân nhắc, lựa chọn sử dụng những trang mạng xã hội có tính bảo mật cao, an toàn.

Nhiều chuyên gia văn hóa chia sẻ: Trở thành một người dùng thông minh là chuyện không dễ dàng trong thời đại số, tuy nhiên mỗi người cũng cần nâng cao ý thức của chính mình trong việc lưu trữ và phát tán các thông tin liên quan đến việc chụp màn hình. Đã đến lúc, mọi người cần nhìn nhận và nâng cao trách nhiệm cá nhân trong việc chia sẻ thông tin chụp màn hình lên mạng xã hội, đặc biệt là những thông tin nhạy cảm…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ ‘văn hóa’ chụp màn hình đến quyền riêng tư cá nhân

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO