Điều kiện nghỉ hưu và mức tính lương hưu trước tuổi năm 2020

Theo Báo Dân Việt 16/03/2020 15:35

Người lao động nghỉ hưu từ 1/1/2020 cách tính tiền lương: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 18 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.

Bạn đọc hỏi: Bố tôi 54 tuổi, là công chức Văn hóa - xã hội tại xã của Tỉnh Hà Tĩnh. Bố tôi có thời gian đóng BHXH là 25 năm 7 tháng. Bố tôi xin nghỉ hưu trước tuổi và hưởng chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 164/2019/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Hà Tĩnh và Nghị định 108/2014/NĐ-CP của Chính phủ về chính sách tinh giản biên chế (Gọi tắt là là Nghị định 108) vào tháng 12/2019.

Qua liên hệ với Cơ quan BHXH Huyện thì được thông báo chưa đủ tuổi hưởng chế độ hưu trí. Vậy cho tôi hỏi: Trường hợp của bố tôi đã đủ điều kiện để nghỉ hưu trước tuổi chưa? Nếu đủ điều kiện thì mức lương hưu được nhận sẽ là như thế nào?

Luật sư Nguyễn Thị Yến – Đoàn luật sư TP Hà Nội trả lời:

Điều kiện nghỉ hưu trước tuổi

Theo Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định, người lao động được hưởng lương hưu khi đủ 60 tuổi đối với nam, 55 tuổi đối với nữ và có đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội (BHXH).

Song, người lao động có thể nghỉ hưu sớm hơn so với quy định, nếu thuộc các trường hợp sau:

Nam từ đủ 55 tuổi đến đủ 60 tuổi, nữ từ đủ 50 tuổi đến đủ 55 tuổi và có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm hoặc đặc biệt nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (Điểm b Khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014);

Người bị nhiễm HIV/AIDS do tai nạn rủi ro nghề nghiệp (Điểm d Khoản 1 Điều 54 Luật bảo hiểm xã hội năm 2014).

Công chức thuộc diện tinh giản biên chế đủ 50 đến đủ 53 tuổi đối với nam, đủ 45 đến đủ 48 tuổi đối với nữ, có 20 năm đóng BHXH trở lên mà trong đó có đủ 15 năm làm nghề hoặc công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm thuộc danh mục do Bộ lao động Thương binh và Xã hội, Bộ Y tế ban hành hoặc có đủ 15 năm làm việc ở nơi có phụ cấp khu vực hệ số 0,7 trở lên (Khoản 1 Điều 8 Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế).

Công chức thuộc đối tượng tinh giản biên chế nếu đủ 55 tuổi đến đủ 58 tuổi đối với nam, đủ 50 tuổi đến đủ 53 tuổi đối với nữ, có thời gian đóng bảo hiểm xã hội đủ 20 năm trở lên (Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế).

Như vậy, đối với trường hợp của bố bạn, sinh năm 1966 (tính đến năm 2020 là 54 tuổi) chưa đủ điều kiện để được hưởng hưu trí theo quy định của pháp luật.

Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành, bố bạn phải chờ đến đủ 55 tuổi mới có thể được hưởng chế độ hưu trí theo quy định tại Khoản 7 Điều 1 Nghị định số 113/2018/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 108/2014/NĐ-CP về chính sách tinh giản biên chế.

Nghỉ hưu trước tuổi, lương hưu được tính như thế nào?

Theo Điều 56 Luật Bảo hiểm xã hội 2014, lương hưu của người lao động tham gia BHXH được tính theo công thức sau:

Lương hưu = Tỷ lệ hưởng lương hưu x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH.

Trong đó, đối với công chức nam:

Nghỉ hưu từ 1/1/2020: 45% mức bình quân lương tháng đóng BHXH tương ứng với 18 năm đóng BHXH. Sau đó cứ mỗi năm tính thêm 2%.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Điều kiện nghỉ hưu và mức tính lương hưu trước tuổi năm 2020

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO