Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

Ngô Sách Thực (Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam) 06/09/2018 09:05

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam có vai trò quan trọng trong công tác tham gia xây dựng pháp luật. Nhiệm vụ này xuất phát từ quy định của Hiến pháp năm 2013, Luật MTTQ Việt Nam, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản pháp luật liên quan.

Đồng thời, xuất phát từ đòi hỏi thực tế khách quan, để MTTQ Việt Nam thực hiện tốt chức năng đoàn kết, tăng cường đồng thuận xã hội, cốt lõi là phải phát huy dân chủ, bảo đảm hài hòa giữa các lợi ích; các cơ chế chính sách hiện nay đều được thể chế bằng pháp luật, vì vậy MTTQ Việt Nam phải tích cực tham gia xây dựng pháp luật.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

Hội thảo khoa học Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật. Ảnh: Quốc Anh.

Trong những năm qua, căn cứ vào quy định của pháp luật và chức năng, nhiệm vụ của mình, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia công tác xây dựng văn bản quy phạm pháp luật để điều chỉnh các quan hệ xã hội phát sinh trên một số lĩnh vực có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền và trách nhiệm của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên.

Công tác tham gia xây dựng pháp luật trong những năm qua được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam coi trọng, thực hiện tích cực, từ khâu góp ý văn bản, đến cử các cán bộ có chuyên môn tham gia các ban soạn thảo, tổ biên tập dự án luật, pháp lệnh đồng thời quan tâm, tạo mọi điều kiện để các Hội đồng Tư vấn hoạt động có hiệu quả, đóng góp nhiều nội dung chất lượng, được cơ quan soạn thảo tiếp thu; hàng năm đã góp ý kiến trên 30 văn bản Luật, Pháp lệnh, Nghị định, Thông tư; đã tổ chức 4 hội nghị phản biện dự thảo Luật, Nghị định, nhiều hội nghị góp ý; MTTQ nhiều địa phương cũng đã tích cực thực hiện nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật, góp phần hoàn thiện hệ thống pháp luật ở nước ta thời gian qua.

Tuy nhiên trên thực tế, hoạt động này của MTTQ Việt Nam còn hạn chế, đó là việc tham gia góp ý của MTTQ Việt Nam chỉ tiến hành khi được cơ quan Nhà nước đề nghị, khi có văn bản đề nghị góp ý, chưa có sự chủ động ngay từ đầu năm theo kế hoạch xây dựng pháp luật.

Ý kiến nhiều khi chỉ là của chuyên gia hoặc của cán bộ, bộ phận được giao trực tiếp làm văn bản góp ý; nhiều nội dung góp ý nặng về câu chữ, chưa đề cập sâu đến những vấn đề lớn mà nhân dân quan tâm. Việc phân công góp ý, tổng hợp, theo dõi việc tiếp thu các ý kiến góp ý kiến nghị chưa rõ ràng và khoa học.

Việc tổ chức lấy ý kiến, tạo cơ chế thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức trong hệ thống Mặt trận và đông đảo tầng lớp nhân dân tiếp cận dự thảo văn bản, tham gia góp ý kiến và biết được các ý kiến trao đổi chia sẻ đối với vấn đề góp ý mà xã hội đang quan tâm còn hạn chế. Một số nội dung ở một số dự thảo Luật được nhân dân, xã hội quan tâm nhưng chưa được cơ quan chủ trì soạn thảo thông tin, giải đáp kịp thời.

Những văn bản góp ý do Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và tổ chức thành viên gửi đến các cơ quan hữu quan, cơ quan chủ trì soạn thảo còn một chiều và nhiều khi mang tính hình thức, thiếu cơ chế về trách nhiệm tiếp thu và phản hồi. Thời gian gửi lấy ý kiến thường rất gấp không bảo đảm quy định; hồ sơ, tài liệu gửi lấy ý kiến nhiều dự án không đầy đủ, sơ sài, thiếu các thông tin cần thiết; một số dự án có quan điểm xây dựng, sửa đổi thiếu nhất quán...

Nguyên nhân của một số hạn chế trên là do nhận thức của các cơ quan lấy ý kiến và của cả Mặt trận và các đoàn thể về nhiệm vụ này chưa đầy đủ. Các cơ quan chưa thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành về lấy ý kiến và đánh giá tác động. Một số nội dung Mặt trận, đoàn thể cũng chưa đeo bám, ý kiến tới cùng.

Trên cơ sở kết quả, ưu điểm đạt được cũng như một số tồn tại, hạn chế trong công tác tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam, xin đưa ra một số giải pháp nhằm phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên tham gia xây dựng pháp luật như sau:

Một là, coi trọng việc tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của Ủy ban MTTQ Việt Nam, coi đây là một kênh quan trọng thể hiện ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Xây dựng cơ chế cụ thể để việc lấy ý kiến tham gia xây dựng chính sách, pháp luật của MTTQ Việt Nam thực sự có hiệu quả với những hình thức và phương pháp thực hiện khoa học; phạm vi và hình thức tham gia tương xứng và phù hợp với vai trò, chức năng, nhiệm vụ của MTTQ Việt Nam, các tổ chức thành viên và các tổ chức xã hội khác, với chủ trương thực hiện xã hội hóa hoạt động xây dựng chính sách, pháp luật, tránh tình trạng nhiều dự án, dự thảo chính sách, pháp luật sau khi được đưa ra các cơ quan nhà nước có thẩm quyền thảo luận thì mới nhận được phản ứng từ phía dư luận xã hội.

Hai là, quy trình về xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần phải được thực hiện một cách dân chủ, khoa học. Đặc biệt là phải công khai lấy ý kiến rộng rãi của nhiều đối tượng khác nhau trong xã hội, nhất là đối tượng liên quan trực tiếp, chịu tác động trực tiếp của văn bản, có như vậy, văn bản quy phạm pháp luật được ban hành mới có tính khả thi cao. Cần phải công bố công khai quá trình hoạch định chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước để nhân dân, các tổ chức có liên quan có điều kiện trao đổi, bàn bạc, tham gia ý kiến ngay từ đầu vào quá trình hoạch định các chủ trương, chính sách; xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật. Quy định các hình thức, thời gian công khai dự thảo luật trên cổng thông tin điện tử, trên phương tiện thông tin đại chúng. Cơ quan chủ trì dự thảo mở hộp thư góp ý điện tử để có thể tiếp nhận các ý kiến của tất cả công dân. Có trao đổi, phản hồi các ý kiến của công dân thông qua các kênh thông tin điện tử.

Ba là, Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật cần làm rõ được các hình thức lấy ý kiến nhân dân, các nhà khoa học, các chuyên gia về dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, cũng như giá trị pháp lý của mỗi loại; làm rõ thời điểm cần tiến hành lấy ý kiến, phạm vi lấy ý kiến, nội dung lấy ý kiến; bổ sung quy định về trách nhiệm giải trình, tiếp thu ý kiến đóng góp của MTTQ Việt Nam đối với các văn bản quy phạm pháp luật. Ngoài ra, quy định cụ thể về thời gian tổ chức lấy ý kiến hợp lý để bảo đảm chất lượng cho việc đóng góp ý kiến về các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật. Nội dung lấy ý kiến của MTTQ VN và các đoàn thể không trùng với lấy ý kiến của đối tượng chịu sự tác động của văn bản luật. Kiến nghị sửa đổi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật để tạo cơ chế thuận lợi hơn cho MTTQ Việt Nam tham gia xây dựng pháp luật, phản biện xã hội. Từng bước nghiên cứu để đề nghị xây dựng Luật Giám sát, phản biện xã hội. Trước mắt đề nghị Chính phủ, các cơ quan chủ trì soạn thảo văn bản pháp luật có hình thức, thời gian phù hợp công khai các dự thảo các văn bản luật trên cổng thông tin điện tử; mở hộp thư điện tử để tiếp nhận các ý kiến góp ý của công dân; có hình thức chia sẻ, trao đổi, phản hồi các ý kiến của công dân qua kênh thông tin điện tử; có biện pháp cụ thể khắc phục việc lấy ý kiến hình thức.

Bốn là, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tăng cường phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội với các cơ quan có thẩm quyền ban hành văn bản pháp luật. Đồng thời, cán bộ Mặt trận, các tổ chức chính trị - xã hội cần phải sâu sát hơn với các tầng lớp nhân dân, đoàn viên, hội viên để lắng nghe ý kiến phản ánh của nhân dân, của hội viên, đoàn viên đối với hoạt động của cơ quan nhà nước, đại biểu dân cử và cán bộ, công chức nhà nước để có góp ý theo các hình thức quy định kịp thời. Thông qua hoạt động của Mặt trận và các tổ chức thành viên, Mặt trận thường xuyên tổng hợp ý kiến, đề nghị, kiến nghị của cử tri và các tầng lớp nhân dân; có các hình thức phù hợp để kịp thời lắng nghe ý kiến của người có uy tín, tiêu biểu từ khu dân cư, ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật. Cần mở kênh thông tin điện tử của Trung ương MTTQVN trong việc lắng nghe ý kiến Nhân dân tham gia xây dựng pháp luật. Một số dự thảo luật cần có thông tin, lấy ý kiến trong Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.

Năm là, để thực hiện việc xây dựng pháp luật có hiệu quả, đồng thời với việc quan tâm xây dựng, củng cố bộ máy cơ quan chuyên trách, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội, cần phải huy động sự tham gia của các thành viên, các cá nhân tiêu biểu, các Hội đồng Tư vấn của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, lực lượng cộng tác viên và đoàn viên, hội viên là những chuyên gia trên các lĩnh vực. Đồng thời xây dựng, củng cố tổ chức bộ máy và nhân sự để bảo đảm cho Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các tổ chức chính trị - xã hội các cấp có đủ năng lực để tham gia xây dựng pháp luật.

Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam hằng năm cần hiệp thương phân công nhiệm vụ tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ và các tổ chức thành viên; xác định rõ nội dung MTTQ Việt Nam chủ trì và từng tổ chức thành viên chủ trì. Đồng thời, việc tham gia xây dựng pháp luật của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên nên có trọng tâm, trọng điểm, nêu rõ nội dung tổ chức hội nghị góp ý và phản biện xã hội một số dự thảo văn bản pháp luật trong Kế hoạch xây dựng pháp luật của Chính phủ và của Quốc hội hàng năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Mặt trận Tổ quốc Việt Nam với nhiệm vụ tham gia xây dựng chính sách, pháp luật

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO