Từ vụ nhãn được mùa

Ngọc Anh 07/08/2018 09:30

Câu nói của lãnh đạo tỉnh Hưng Yên trong buổi làm việc với Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn mới đây, rằng từ Chủ tịch tỉnh cũng sẽ đi bán nhãn giúp nông dân lại một lần nữa gợi nhiều suy nghĩ về vấn đề tiêu thụ nông sản. Một mặt đã thấy sự vào cuộc chủ động và tích cực của các cấp chính quyền để người nông dân không còn đơn độc. Mặt khác, câu chuyện được mùa nông sản thì canh cánh nỗi lo tiêu thụ lại dường như vẫn còn nguyên đấy.

Từ vụ nhãn được mùa

“Tới đây, UBND tỉnh Hưng Yên yêu cầu lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, chủ tịch các huyện trở xuống mỗi ngày dành ra 1-2 tiếng đồng hồ để đi “bán” nhãn cho nông dân”- đây là câu nói của Chủ tịch UBND tỉnh Hưng Yên trong buổi làm việc với Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc chuẩn bị cho vụ thu hoạch nhãn - một vụ thu hoạch đang được dự báo là cực kỳ được mùa của cả tỉnh Hưng Yên. Dự kiến mùa nhãn này sản lượng ở đây tăng tới 30%, có khả năng đạt tới 42.000 tấn, nhiều hơn năm 2017 trên 10.000 tấn…

Nhớ lại những năm tháng đất nước còn nghèo, chúng ta đã mơ tới những mùa vàng. Sau đổi mới, bằng đổi mới phương thức sản xuất và sự tiến bộ của khoa học, nông nghiệp Việt Nam đã chạm tới những mùa vàng. Xuất khẩu lúa gạo và các loại nông sản khác đang ở mức cao. Chúng ta đã nhìn thấy những mùa vàng vải, nhãn, dưa hấu, thanh long… Nhưng niềm vui của người nông dân thì chưa trọn vẹn.

Sự lặp lại của điệp khúc “được mùa mất giá” đã khiến những mùa vàng lại bỗng chốc trở thành “thất bát”. Sau sự đơn độc và chênh chao của người nông dân trước những mùa vụ sản lượng nhiều mà tiền thu về ít, mấy năm gần đây, xã hội bắt đầu xuất hiện tâm lý “giải cứu”. Người ta kêu gọi nhau mua giúp nông dân thịt lợn, dưa hấu, củ cải, xu hào…Nghĩa là khi giá trị nông sản đã được quyết định bởi qui luật của kinh tế thị trường thì việc tiêu thụ đôi khi lại bằng “giải pháp tấm lòng” – một nền nông nghiệp vẫn còn trong tâm trạng trông chờ và phụ thuộc. Nguồn cung không ổn định, nguồn cầu càng không dự tính được.

Trở lại với câu chuyện lãnh đạo tỉnh Hưng Yên phân công cán bộ đi bán nhãn giúp nông dân. Tất nhiên, với nhãn Hưng Yên – một loại nông sản thuộc vào hàng đặc sản này thì chắc khó có thể dẫn tới tình trạng thừa ế, mất giá tới mức cần “giải cứu”. Nhưng sự vào cuộc từ sớm của các cấp chính quyền để giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm là một động thái tích cực và cần thiết, để nâng cao hơn giá trị của một mùa nhãn vốn đã bội thu, để tránh những sự thiệt thòi do bị tư thương ép giá khi mà mùa vụ thu hoạch tập trung trong một thời gian ngắn. Và việc lãnh đạo tỉnh, lãnh đạo các sở, lãnh đạo các huyện của Hưng Yên được phân công giúp nông dân “bán” nhãn chắc cũng không phải (và không nên) hiểu theo nghĩa đen của từ này. Chúng ta muốn nhìn thấy đằng sau câu nói ấy là một tinh thần khác, như là sự đứng cùng và đứng bên nông dân, như là những giải pháp tiêu thụ nông sản được đặt ra căn cơ và bền vững.

Đã có những kinh nghiệm tốt trong tiêu thụ nông sản. Đã có những bài học được rút ra sau nhiều năm chưa quen với sự điều tiết của thị trường. Mùa vải 2018 đã không còn vấp phải tình trạng bán đổ bán tháo nữa. Kinh nghiệm này được Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nhắc lại như một bài học cho Hưng Yên trong vụ nhãn này, để chuẩn bị các kịch bản cho việc tiêu thụ nhãn, trong đó đặc biệt là khâu phân phối, hàng hóa và thông tin truyền thông.

Trong thực tế đã không ít lần ở tỉnh này tỉnh khác trong những cuộc họp chính thức người ta đã đặt vấn đề kêu gọi cán bộ công chức mua giúp nông sản đang ế thừa giúp nông dân. Với nhãn Hưng Yên lần này đang là một câu chuyện không giống như vậy, khi mà sự vào cuộc là để tìm giải pháp, hướng đi chứ không phải để “giải cứu” nông sản bằng “giải pháp tấm lòng”.

Nhưng cũng lại thấy rằng, ngay cả với nhãn, nỗi lo tiêu thụ sản phẩm vẫn rất lớn. Khi mà trước vụ thu hoạch, sự lo ngại đang là có thật. Bởi thế mà mong rằng sự vào cuộc thật sự của các cấp chính quyền trong cả nước đối với vấn đề tiêu thụ nông sản nói chung hiện nay phải là tìm ra cơ chế thích hợp cho một cấu trúc nông nghiệp được vận hành theo cơ chế thị trường. Trong đó, quản lý nhà nước là tạo ra cơ chế để thị trường điều tiết mùa vụ chứ không phải chỉ là việc giúp nông dân “bán” nhãn hay “bán” vải. Càng không phải là việc nay bàn giải pháp tiêu thụ dưa hấu, mai là củ cải, ngày kia là su hào...

Chúng ta không còn phải mơ tới những mùa vàng bội thu. Nhưng để những mùa vàng thực sự thành vàng lại còn đang cần nhiều hơn nữa những cải cách nông nghiệp, nông thôn. Một vụ nhãn được mùa sẽ trở thành niềm vui trọn vẹn nếu làm tốt việc quảng bá và tiêu thụ trên thị trường. Người nông dân cần phải có được lợi thế trong việc phân chia lợi ích từ những nông sản cụ thể như quả nhãn, chứ không phải là khi được giá thì tư thương hưởng lợi mà mất giá thì họ lại chịu rủi ro.

Đảm bảo tiêu thụ nhãn giúp người dân không phải chỉ là chuyện của Hưng Yên mà là câu chuyện chung của nông sản Việt Nam. Đôi khi chỉ cần được bắt đầu bằng ý thức thường trực từ các cấp lãnh đạo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Từ vụ nhãn được mùa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO