Tự xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà: Nên hay không?

Văn Minh 15/08/2021 13:20

Trong lúc dịch Covid-19 diễn biến phức tạp, một số địa phương, doanh nghiệp và cả người dân đã chủ động mua, sử dụng test nhanh kháng nguyên để tìm ca nhiễm trong cộng đồng. Các chuyên gia y tế đưa ra nhiều hướng dẫn, lời khuyên cho những người đang điều trị và cách ly y tế ở nhà.

Có thể tự làm tại nhà

Theo TS.BS Phạm Lê Duy, giảng viên Bộ môn Sinh lý bệnh và Miễn dịch, Đại học Y Dược TP HCM, trước khi lấy mẫu cần làm sạch bề mặt thực hiện xét nghiệm (như mặt bàn, khay đựng) với dung dịch sát khuẩn, ví dụ như dung dịch chứa ít nhất 70% cồn. Bộ xét nghiệm bao gồm khay test (nơi thực hiện và hiển thị kết quả); ống đựng dung dịch đệm; phễu có màng lọc; que tăm bông lấy mẫu.

Người lấy mẫu phải đeo khẩu trang, sử dụng găng tay và tấm chắn giọt bắn (nếu có). Người lấy mẫu phải rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi tiến hành lấy mẫu. Người được lấy mẫu cần ngồi yên trên ghế. Khi thực hiện, người lấy mẫu đứng bên trái, hoặc bên phải người được lấy, không đứng đối diện để tránh giọt bắn khi hắt hơi.

Để đảm bảo an toàn người được lấy mẫu kéo khẩu trang qua mũi nhưng vẫn che kín miệng, ngửa đầu ra sau khoảng 70 độ và thả lỏng. Người lấy mẫu lúc này nhẹ nhàng đưa tăm bông vào một bên khoang mũi, đi sát sàn mũi đến thành sau tỵ hầu. Xoay que lấy mẫu 3-4 lần để que thấm đủ dịch rồi nhẹ nhàng rút que ra.

Người lấy mẫu đưa đầu tăm bông của que lấy mẫu vào ống đựng dung dịch đệm, sao cho đầu tăm bông ngập trong dung dịch. Nhúng đầu tăm bông nhiều lần trong dung dịch đệm. Khi lấy que ra ngoài, nên bóp nhẹ thành ống để vắt hết nước trong đầu tăm bông. Sau đó đậy phễu có chứa màng lọc lên ống đựng dung dịch đệm.

BS Duy lưu ý khi thực hiện xét nghiệm: Nhỏ 3 giọt dung dịch đệm (hoặc theo số lượng như trong hướng dẫn sử dụng của bộ xét nghiệm) trong ống chứa dung dịch đệm vào ô bệnh phẩm trên khay lấy mẫu. Người lấy mẫu rửa lại tay bằng dung dịch sát khuẩn. Kết quả đọc sau 15-30 phút. Nếu khay test chỉ hiện một vạch ở vị trí có ghi chữ C là test nhanh âm tính với Covid-19. Nếu khay hiện hai vạch tại vị trí C và T là test nhanh dương tính với Covid-19. Nếu chỉ có một vạch hiện lên tại vị trí T, hoặc không có vạch nào xuất hiện thì test nhanh không đạt yêu cầu, kết quả không có giá trị.

Lưu ý, sau khi đọc kết quả, cho tất cả vật dụng đã sử dụng vào trong túi và dán kín lại. Không vứt những dụng cụ xét nghiệm này trực tiếp vào thùng rác sinh hoạt của gia đình. Bề mặt của túi đựng kit xét nghiệm đã dùng và mặt bàn vừa được sử dụng phải được khử khuẩn bằng dung dịch sát khuẩn. Rửa tay lại bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn một lần nữa sau khi hoàn tất quy trình xét nghiệm.

Riêng rác thải chứa bệnh phẩm có thể đựng chung với túi đựng khẩu trang, khăn giấy chứa dịch tiết. Cột kín miệng túi rác, sát khuẩn bên ngoài túi với chứa cồn 70 độ hoặc Cloramin B và để vào thùng rác có nắp đậy kín.

Bác sĩ Duy đặc biệt lưu ý, hiện việc tự lấy mẫu xét nghiệm chưa được Bộ Y tế khuyến cáo tự làm ở nhà. Do đó, quy trình lấy mẫu, test nhanh nên được thực hiện bởi nhân viên y tế hoặc người đã được tập huấn kỹ càng, tránh lây nhiễm chéo cũng như đảm bảo độ chính xác của xét nghiệm.

Ngoài ra, không thực hiện test nhanh cho người đã nhiễm (F0) hoặc nghi nhiễm Covid-19 khi chưa được trang bị phòng hộ cá nhân chống lây nhiễm. Mỗi bộ kit xét nghiệm nhanh sẽ có hướng dẫn sử dụng khác nhau tùy thuộc vào nhà sản xuất. Người thực hiện cần đọc kỹ hướng dẫn sử dụng trước khi lấy mẫu.

Thêm nữa, test nhanh có thể cho kết quả sai do tình trạng dương tính giả hoặc âm tính giả. Nếu xét nghiệm có kết quả âm tính, người dân cũng không được chủ quan; nếu xét nghiệm dương tính, người dân phải bình tĩnh báo ngay cho cơ sở y tế gần nhất.

Chỉ nên thực hiện ở nơi có nguy cơ cao

Dù việc tự test nhanh Covid-19 tại nhà không quá phức tạp nhưng theo PGS.TS Trần Đắc Phu, nguyên Cục trưởng Y tế dự phòng (Bộ Y tế), cố vấn Trung tâm Đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam: Test kháng nguyên nhanh là sinh phẩm phải được Bộ Y tế thẩm định cấp phép lưu hành.

Tuy vậy hiện nay trên thị trường cũng rao bán rất nhiều test kháng nguyên nhanh. Những loại sản phẩm đó có thể giả hoàn toàn hoặc kém chất lượng, nếu người dân mua phải thì sẽ cho kết quả sai và như vậy sẽ rất nguy hiểm.

Đặc biệt khi xét nghiệm cho kết quả âm tính sẽ dẫn tới chủ quan, không áp dụng các biện pháp phòng bệnh như 5K chẳng hạn để phòng bệnh cho mình cũng như phòng bệnh cho cộng đồng (nếu xét nghiệm bị âm tính giả), khi đó rất nguy hiểm. Với các lý do ở trên, nên khi áp dụng test kháng nguyên nhanh phải xét nghiệm liên tục (xét nghiệm đi, xét nghiệm lại nhiều lần, tốt nhất là 2 ngày một lần như vậy rất tốn kém).

Vì thế, theo ông Phu, mọi người không nên lạm dụng test nhanh kháng nguyên, việc này chỉ nên thực hiện tại khu vực nguy cơ cao, số ca nhiễm nhiều; bệnh nhân đang có triệu chứng tiến triển như sốt, ho... Việc sử dụng cần theo chỉ định dịch tễ.

Hiện tại, với biến thể Delta có khả năng lây nhanh, những người nhiễm biến thể này có nồng độ virus cao ở thời gian đầu nhiễm bệnh (ngày thứ 2 đến ngày thứ 7), khi đó dùng test nhanh kháng nguyên có khả năng phát hiện chính xác hơn.

Còn sau ngày thứ 7 đến ngày thứ 14 hoặc sau ngày thứ 14 đối với cá biệt người nhiễm có thời gian ủ bệnh trên 14 ngày, nồng độ virus giảm nên độ chính xác không còn cao, thậm chí không phát hiện được và như vậy bỏ sót người nhiễm bệnh tại cộng đồng.

Ông Phu cũng nhấn mạnh: Tại khu vực nguy cơ rất cao như khu phong tỏa có số ca nhiễm nhiều, cần thực hiện test kháng nguyên nhanh, vì kết quả có ngay sau 15-30 phút, không cần phải trang thiết bị và phòng xét nghiệm phức tạp và cũng có thể xét nghiệm tại nhà. Đặc biệt nhanh chóng phát hiện được các trường hợp F0. Tuy vậy, nếu kết quả test nhanh dương tính, cần khẳng định lại bằng xét nghiệm RT-PCR.

Đồng thời, kết hợp hài hòa giữa sử dụng test kháng nguyên nhanh và xét nghiệm RT-PCR trong cùng một ổ dịch tùy theo đánh giá của cán bộ dịch tễ và cán bộ xét nghiệm. Một nghiên cứu cho kết quả xét nghiệm nhanh kháng nguyên có thể xác định trung bình 72% ở người có triệu chứng bệnh, nhưng ở những người không có triệu chứng chỉ là 58%.

Hiệu quả sàng lọc của các sinh phẩm xét nghiệm kháng nguyên nhanh phụ thuộc vào tình huống sử dụng và hướng dẫn của nhà sản xuất. Các sinh phẩm này thường sử dụng tốt nhất khi tải lượng virus cao nhất (từ 5-7 ngày sau khi khởi phát triệu chứng), hoặc những người không triệu chứng nhưng tiếp xúc với ca nhiễm Covid-19 ở mức cao.

PGS.TS Trần Đắc Phu khẳng định, xét nghiệm là một trong những biện pháp cần thiết nhưng phải áp dụng đúng thời điểm, đúng tính chất của dịch, và đúng đối tượng. Không áp dụng một cách tùy tiện bởi sẽ làm sai cách chống dịch, không chẩn đoán đúng nguy cơ gây tốn kém thậm chí làm chủ quan trong việc phòng dịch bệnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tự xét nghiệm nhanh Covid-19 tại nhà: Nên hay không?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO