Tuổi nào sẽ được nhận lương hưu?

Thúy Hằng (ghi) 12/05/2023 07:50

Đề xuất người lao động được về hưu sớm theo nguyện vọng (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) khi đã tham gia bảo hiểm xã hội đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng bảo hiểm xã hội đang nhận được sự quan tâm, với nhiều ý kiến khác nhau. Trong đó, nhiều ý kiến đóng góp về thời gian đóng bảo hiểm xã hội và tuổi nghỉ hưu.

Nhiều người lao động mong muốn, nếu đã đóng bảo hiểm đủ năm thì sẽ nhận lương hưu sớm. Ảnh: Quang Vinh.

Kể về trường hợp của mình, bà Nguyễn Thị Mùi (SN 1970, trú Long Biên, Hà Nội) cho biết, trước đây bà làm công nhân dệt đã đóng bảo hiểm xã hội (BHXH) được 10 năm, sau đó vì lý do cá nhân bà nghỉ làm và tiếp tục tham gia đóng nối BHXH qua một công ty của người thân. Đến thời điểm cuối năm 2022 bà chốt sổ bảo hiểm, đã hoàn thành xong 20 năm đóng.

Công nhân mong được nhận lương sớm

“Đầu năm 2023, ra BHXH quận Long Biên để hỏi thủ tục nhận lương hưu thì được biết phải chờ thêm 2 năm nữa, đến khi tôi 55 tuổi. Tôi cho là, một khi người lao động (NLĐ) đã đóng bảo hiểm đủ năm thì cứ để họ nhận lương hưu sớm, đó mới là cách động viên tốt nhất cho NLĐ vì họ không mặc cảm mình là gánh nặng của gia đình, xã hội và cũng để NLĐ thấy được những lợi ích của lương hưu mà không rút BHXH một lần” - bà Mùi nói.

Vẫn theo bà Mùi, trường hợp của bà nếu muốn được nhận lương hưu sớm thì phải có chứng nhận thương tật trên 64%. “Bây giờ đang lành lặn, làm gì có ai chứng nhận khống đâu. Nên tôi đành phải nhận tiền của con cái chi tiêu hàng tháng trong khi chờ lương hưu” - bà Mùi nói.

Không chỉ có bà Mùi, anh Trần Anh Tuấn (Phù Cừ, Hưng Yên) từng là công nhân may nói rằng, ở các ngành nghề khác như thế nào không rõ, nhưng làm trong các công ty may thường xuyên phải đứng máy nên tai bị ù, mắt bị mờ. Bản thân anh và nhiều người khác chẳng ai muốn làm việc đến 55 - 60 tuổi cả. Chưa kể, không phải ai cũng có điều kiện để đóng được bảo hiểm 15 năm, 18 năm, hay 20 năm.

“Tôi thấy rằng chỉ cần đóng đủ thời gian bảo hiểm là có thể cho NLĐ nhận lương nếu không thiệt thòi cho NLĐ lắm” - anh Tuấn nói.

Mới đây, khi góp ý Dự thảo Luật BHXH (sửa đổi) đang được lấy ý kiến, 8 hiệp hội, ngành hàng (bao gồm ngành hàng Dệt may, Da giày - Túi xách, Gỗ và Lâm sản, Nhựa, Chế biến và Xuất khẩu thủy sản, Điện tử, Thực phẩm minh bạch và Mỹ nghệ - Chế biến gỗ TPHCM) đã đề xuất: NLĐ được về hưu sớm theo nguyện vọng (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) khi đã tham gia BHXH đủ 15 năm, mức hưởng lương hưu sẽ theo tỷ lệ đóng BHXH.

8 hiệp hội kể trên giải thích, trên thực tế, lao động Việt Nam chủ yếu là làm việc tay chân, có nhiều trường hợp tham gia từ rất sớm, thời gian và mức đóng BHXH cao. Khi họ 55 - 60 tuổi thì sức khỏe giảm sút không đảm bảo yêu cầu, có nguy cơ mất việc. Nếu NLĐ phải chờ đợi đến tuổi nghỉ hưu thì sẽ gặp khó khăn trong việc đảm bảo chi tiêu cuộc sống. Ngoài ra, việc cho phép NLĐ được lựa chọn thời gian nghỉ hưu sớm cũng để trao cơ hội việc làm cho lao động trẻ. NLĐ cũng giảm số năm bị trừ 2% cho mỗi năm về hưu trước tuổi.

Rất nhiều người khi được nghe về đề xuất của các hiệp hội đã lên tiếng ủng hộ. Không những vậy nhiều NLĐ trực tiếp trong các khu công nghiệp, khu chế xuất đồng tình với đề xuất này, bởi khi bước sang độ tuổi gần 50 thì nhiều người đã rơi vào tình trạng mắt mờ, chân tay chậm, hầu như rất khó đáp ứng công việc nên sản lượng không bằng những lao động mới vào công ty 3 năm, mà lương lại cao gấp đôi. Chỉ những người làm quản lý, người có chuyên môn và một số ít công nhân vệ sinh mới làm đến 55 - 60 tuổi.

Sản xuất khó khăn, nhiều người mất việc làm thủ tục bảo hiểm thất nghiệp. Ảnh: Quang Vinh.

Tìm cách hóa giải

Mặc dù nhiều ý kiến ủng hộ để NLĐ được nghỉ hưu sớm, nhưng giới quản lý lại có góc nhìn khác. Nguyên Viện trưởng Viện Khoa học Lao động và Xã hội Nguyễn Lan Hương không đồng tình với việc 8 hiệp hội đề xuất giảm tuổi nghỉ hưu. Theo bà Hương, mục tiêu của việc tham gia BHXH đến khi nghỉ hưu là hưởng mức tối đa 75%. Tuổi nghỉ hưu của một đời người được xác định bởi tuổi thọ và khả năng kinh tế đủ để sinh sống khi hết tuổi lao động. Khi tuổi thọ kéo dài thì phải tăng tuổi nghỉ hưu.

Một điều tra về mức sống dân cư có tới 80% những người trên tuổi nghỉ hưu vẫn đang làm việc. Điều đó cho thấy, sau khi nghỉ hưu, nhiều người vẫn có nhu cầu làm việc để có thêm thu nhập trang trải cuộc sống.

Nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội Phạm Minh Huân cho rằng, khi xã hội phát triển, có nhiều dịch vụ thì NLĐ tuổi cao có thể chuyển sang làm nghề khác. Trung tâm dịch vụ việc làm ở các tỉnh, thành phố có thể giới thiệu NLĐ tuổi cao sang làm những công việc dịch vụ phù hợp để có thêm thu nhập và tham gia BHXH, khi về hưu có mức lương đủ sống.

Tuy nhiên, trên thực tế những trường hợp thừa năm đóng BHXH song thiếu tuổi nghỉ hưu rất nhiều. Nhiều NLĐ cho rằng chính sách lương hưu cần phải linh hoạt, vì họ đã có thời gian dài cống hiến rồi thì cần được thoả mãn yêu cầu nhận lương khi nghỉ hưu sớm.

Bà Đặng Thị Kim Chung - Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Quảng Ninh nhìn nhận, số năm đóng BHXH thừa nhưng tuổi nghỉ hưu tăng lên theo Bộ luật Lao động 2019, dẫn đến nhiều người dù đủ năm đóng nhưng chưa đến tuổi hưu, muốn nghỉ hưu sớm rất thiệt thòi. Bởi theo quy định của Luật BHXH, khi nghỉ hưu trước tuổi, người lao động sẽ bị trừ tỷ lệ hưởng lương hưu với mức 2% cho mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi.

Chia sẻ với báo giới, ông Lê Đình Quảng - Phó trưởng Ban Chính sách - Pháp luật (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) thừa nhận, nhiều trường hợp lao động nữ có thời gian tham gia BHXH 30 năm, nam 35 năm được hưởng lương hưu 75%, song lại bị trừ phần trăm lương hưu vì tuổi đời chưa đủ để nghỉ hưu.

Theo ông Quảng, trước đây vấn đề này chưa được đề cập trong các chính sách, nhưng qua thực tiễn lấy ý kiến của NLĐ đã thể hiện có những bất cập. “Trong thời gian tới sẽ phải đưa ra xem xét, đánh giá bởi đó là nguyện vọng chính đáng của NLĐ, để đảm bảo quyền lợi cho họ” - ông Quảng nói.

Giới chuyên gia cho rằng để hài hoà lợi ích giữa các bên, cần tăng tính hấp dẫn của chính sách lương hưu, quản lý và tổ chức thực hiện tốt quy định về tiền lương để đảm bảo tiền lương đóng phải tiếp cận dần tới mức lương và thu nhập thực tế của NLĐ. Từ đó góp phần cải thiện mức lương hưu, thu hẹp khoảng cách về tiền lương hưu với tiền lương khi còn đang làm việc. Thực hiện sửa đổi công thức tính lương hưu bên cạnh nguyên tắc đóng - hưởng cần có tính chia sẻ.

Thay vì giảm số năm đóng BHXH thì nên giảm tuổi nghỉ hưu

Trong chương trình đối thoại tháng 5 với chủ đề "BHXH với doanh nghiệp và công nhân'' do Công đoàn Viên chức TP Hồ Chí Minh tổ chức mới đây, nhiều ý kiến cho rằng hiện ở các doanh nghiệp ngoài nhà nước đa số là lao động trực tiếp sản xuất, đến độ tuổi 45 - 47, doanh nghiệp đã có xu hướng cắt giảm để tuyển lao động trẻ. Vậy, ai sẽ thuê họ làm việc tiếp cho tới tuổi nghỉ hưu? Ông Lưu Kim Hồng - Chủ tịch Công đoàn Công ty Nidec Việt Nam, cho rằng vừa giảm thời gian đóng BHXH vừa tăng tuổi nghỉ hưu thì sẽ có nhiều NLĐ rút BHXH 1 lần. Theo ông Hồng, nên quy định số năm đóng BHXH tối thiểu là 20 năm với điều kiện tuổi tối thiểu theo tính chất lao động, ít nhất là 55 tuổi đối với lao động nặng nhọc… để được hưởng lương hưu, đóng càng cao thì mức hưởng càng lớn và không trừ % so với tuổi nghỉ hưu quy định trong Bộ luật Lao động. NLĐ không cần giảm số năm đóng BHXH, mà họ cần giảm tuổi nghỉ hưu.

Hãy để người lao động lựa chọn tuổi nghỉ hưu

Theo thống kê của Bộ LĐTBXH, giai đoạn 2016-2020, bình quân mỗi năm gần 750.000 lao động hưởng BHXH một lần. Khoảng 10% người lao động rút một lần có thời gian đóng BHXH từ đủ 10 năm trở lên. Trong Dự thảo BHXH sửa đổi đang được lấy ý kiến rộng rãi, Bộ LĐTBXH đề xuất giảm số năm đóng BHXH để hưởng lương hưu. Theo đó, quy định giảm số năm đóng để được hưởng lương hưu nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc những người không tham gia liên tục dẫn đến khi tới tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng BHXH cũng được hưởng lương hưu. Tuy nhiên, nhiều ý kiến cho rằng hãy để NLĐ tự chọn tuổi nghỉ hưu, như vậy sẽ giảm số lao động rút BHXH một lần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuổi nào sẽ được nhận lương hưu?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO