Tượng Nữ thần tự do ‘phiên bản lỗi’ ở Sa Pa: Địa phương không thể vô can

Hạ Lan 23/04/2021 08:04

Nói như một lãnh đạo thị xã Sa Pa (tỉnh Lào Cai) thì sau khi nhận được phản ánh từ báo chí về việc điểm check-in AnSaPa xây dựng tượng Nữ thần Tự do thiếu thẩm mỹ, UBND thị xã đã thành lập Đội liên ngành kiểm tra các điểm check-in trên địa bàn thị xã.

Qua kiểm tra, điểm check-in AnSaPa thuộc Công ty TNHH AnSaPa là tự phát, nhiều hạng mục chưa hoàn thiện.

Đặc biệt, các mô hình kỹ thuật đã xây dựng trong khu check-in không đảm bảo quy định của pháp luật cũng như tiêu chuẩn về mỹ thuật. Nhưng không phải như thế là xong, mà vấn đề sẽ xử lý với “nữ thần” thế nào và trách nhiệm của chính quyền địa phương đến đâu, mới chính là điều đáng quan tâm.

“Phiên bản lỗi” tượng Nữ thần Tự do tại một điểm check-in ở Sa Pa.

Ủy ban nhân dân thị xã Sa Pa đã yêu cầu chủ cơ sở check-in AnSaPa tạm dừng việc xây dựng các hạng mục, không được đón khách tham quan, chụp ảnh cho đến khi nhận quyết định chính thức từ thị xã - một vị Phó Chủ tịch thị xã Sa Pa cho biết.

Những ngày này, dư luận”sôi nổi” về bức tượng bán thân được coi là “phiên bản lỗi” tượng Nữ thần Tự do bên Mỹ, được dựng trong khuôn viên một điểm check-in tại Sa Pa. Và, người ta còn ngạc nhiên hơn khi biết trong “điểm check-in” này còn có một số hạng mục mô phỏng một thắng cảnh nổi tiếng khác của thế giới, kể cả có cả hình của 4 vị Tổng thống nước Mỹ!

Kiểm tra của cơ quan chức năng thị xã Sa Pa cho rằng, điểm check-in có tượng Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi” còn đang xây dựng và chưa được cấp phép hoạt động, đón khách du lịch. Theo ông Vương Trinh Quốc, Chủ tịch UBND thị xã Sa Pa, tượng bán thân mô phỏng Nữ thần Tự do ở AnSaPa “không được đẹp lắm”, nhưng cái khó là theo quy định của Luật Du lịch và Luật Xây dựng thì không có quy định nào về tiêu chí xây dựng các điểm check-in.

“Theo báo cáo của đoàn thanh tra thì điểm check-in này chưa được cấp phép hoạt động. Tôi đã yêu cầu UBND thị xã Sa Pa họp, chỉ đạo và xử lý nghiêm”, ông Quốc nói và cho biết thêm, Sa Pa hiện có 20 điểm check-in do người dân xây dựng cho khách du lịch đến tham quan, chụp ảnh. Tới đây chính quyền sẽ rà soát các điểm này theo tiêu chí đảm bảo an toàn, an ninh, giá trị thẩm thẩm mỹ và quy hoạch du lịch Sa Pa.

Đó là cách nói của nhà quản lý địa phương, nhưng dư luận lại cho rằng chưa cần “vận dụng”, “áp” luật nào thì việc dựng lên một bức tượng “phiên bản lỗi” xấu xí thì “chết rồi Sa Pa ơi”. Sa Pa không chỉ của Sa Pa, cũng không chỉ của Lào Cai, mà còn là danh thắng của đất nước.

Đã từ lâu Sa Pa là điểm đến của người trong Nam ngoài Bắc, kể cả du khách nước ngoài, nhất là người đến từ châu Âu và Trung Đông. Danh tiếng Sa Pa đã vượt khỏi biên giới đất nước,chỉ vì đây là vùng núi non vô cùng đẹp đẽ, là một “tiểu vùng văn hóa” đặc sắc.

Tới Sa Pa là để được ngắm nhìn núi non hùng vĩ, với những buổi sáng buổi chiều sương giăng; được ngắm nhìn những thửa ruộng bậc thang kì vĩ; được tham dự chợ tình vào một đêm cuối tuần bên những hàng sa mộc cao vút và tiếng khèn như vọng về từ quá khứ.

Về kiến trúc, Sa Pa tự hào hệ thống biệt thự theo phong cách châu Âu cuối thế kỉ 18, nửa đầu thế kỉ 19 và còn rất đẹp với những bản làng lô xô ở Tả Van, Cát Cát, Tà Phìn… Những tưởng, thêm bất cứ một kiến trúc nào vào đây cũng đều phải cân nhắc thật thấu đáo. Nếu không, sẽ làm hỏng Sa Pa.

Chính vì thế, không thể đơn giản với việc “tìm hiểu thêm về quy định pháp luật” đối với bức tượng “phiên bản lỗi” Nữ thần Tự do được dựng lên như một điểm check-in. Dù đó là một khu đất của tư nhân thì cũng phải tuân thủ quy định, không phải muốn làm gì thì làm và càng không được “coppy” một cách vụng về biểu tượng đẹp từ nước ngoài về làm của mình.

Cách đây chưa lâu, dư luận đã sôi sục về tòa nhà “Panorama” trên đèo Mã Pì Lèng (Hà Giang). Khách quan mà nói, ngôi nhà có kiến trúc không tệ nhưng người ta vẫn có lý khi cho rằng giữa khung cảnh thiên nhiên hùng vĩ thì không thể mọc lên một kiến trúc tân thời. Nó làm hỏng cảnh quan, cho dù có đem lại lợi ích kinh tế đi chăng nữa.

Tới nay, thật đáng buồn và cũng thật đáng lo ngại khi nhiều địa phương không ý thức được cái đẹp hoặc không đẹp trong không gian chung. Vì thế, nhiều công trình xây dựng vô tư mọc lên, trong đó có cả những tượng đài “không ra tượng đài”.

Người xưa đã răn, dựng tượng thì dễ nhưng hạ bệ thì khó. Tất nhiên đó là nghĩa bóng. Nhưng trong trường hợp này tượng bán thân Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi” không chút sáng tạo nào, “bê” từ bên ngoài vào mà tệ hơn lại còn làm hỏng nó, thì không thể chấp nhận được. Một bức tượng khổng lồ với chiều cao khoảng 30 mét mọc lên, cho dù còn dang dở thì cũng không thể nói chính quyền địa phương không biết, ngành văn hóa địa phương không biết.

Họ biết, nhưng có lẽ do nhận thức không tới, coi là chuyện thường nên vẫn để nó sừng sững mọc lên như một thách thức: Thách thức về quy định dựng tượng, về bản quyền sở hữu trí tuệ, về thiếu thẩm mỹ dẫn đến mất mỹ quan.

Cũng cần nghĩ thêm về về cách phân trần của chủ điểm check-in này, khi ông ta cho rằng mình như ông bố nghèo khó mãi mới sinh được đứa con, cũng mong con ngoan con đẹp, đâu mong con là quỷ sứ. Nhưng khi ông này cho rằng tượng Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi” bị “ném đá” là do thói cạnh tranh không lành mạnh, thì thật khó chấp nhận.

Ông này còn cho biết, vợ chồng ông mang tất cả vốn liếng và đi vay thêm để thực hiện giấc mơ có được một điểm check-in kinh doanh dịch vụ du lịch riêng của mình, phục vụ nhu cầu “sống ảo” rất mạnh mẽ của người Việt Nam hiện nay.

Đó quả thật là điều đáng suy nghĩ. Chụp ảnh để “cho phây” ăn từng giờ, tung lên mạng xã hội đã như một lối khoe mẽ của không ít người, nó không dừng ở giới trẻ mà lan cả sang người già. Không ai cấm cản chuyện này, nhưng ào ào như thế thì quyết không phải chuyện hay.

“Sống ảo” - khái niệm đó lan rộng chỉ khiến người ta xa dời cuộc sống, phức tạp hơn khi trở thành trào lưu, được coi là thời thượng. Cũng vì trào lưu như vậy, nên các điểm check-in mọc lên như nấm, trong làng cũng có điểm check-in.

Trở lại với điểm check-in có “phiên bản lỗi” tượng Nữ thần Tự do, đáng ngại hơn trên nhiều phương diện khi ở khu này chủ nhân của nó còn mang cả tháp nghiêng Pisa (Ý), tháp Eiffel (Pháp), đường hoa Nhật Bản, khu phố cổ Nhật Bản, đường trúc Trung Hoa, làng cổ Việt Nam, đường phong lá đỏ… và cả tượng bốn vị Tổng thống Mỹ (Phiên bản núi Rushmore) về Sa Pa.

Cơ quan chức năng Sa Pa đã tạm cấm điểm du lịch có tượng Nữ thần Tự do “phiên bản lỗi” đón khách cho đến khi có quyết định chính thức của UBND thị xã; đồng thời chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tiến hành đối chiếu, rà soát, xử lý điểm check in AnSaPa đúng theo quy định của pháp luật. Nhưng, dư luận cho rằng, như thế là không đủ. Mà cần phải loại bỏ những bức tượng “lỗi” về nhiều mặt lẽ ra không bao giờ được có ở Sa Pa - một vùng danh thắng của đất nước.

Điều đó cần sự quyết tâm của chính quyền thị xã Sa Pa và tỉnh Lào Cai.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tượng Nữ thần tự do ‘phiên bản lỗi’ ở Sa Pa: Địa phương không thể vô can

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO