Tương quan bảng G, và lựa chọn của Việt Nam

Theo Vnexpress 18/11/2019 15:07

Thái Lan không khiếp nhược nhưng phải đặt mình ở cửa dưới, còn Việt Nam có toàn quyền lựa chọn trước trận derby Đông Nam Á ở vòng loại World Cup 2022.

Tương quan bảng G, và lựa chọn của Việt Nam

Tiến Linh (số 22) mừng bàn thắng vào lưới UAE ở vòng loại World Cup 2022 tối 14/11 ở Mỹ Đình. Ảnh: Phạm Đương.

Thái Lan bỏ ra khoảng một triệu USD mỗi năm thuê Akira Nishino chắc chắn không phải để... vô địch AFF Cup 2020, cũng chẳng phải vòng loại World Cup 2026 hay Asian Cup 2023 do còn quá xa. Vì vậy, việc truyền thông Thái Lan đưa tin Nishino có khả năng bay ghế nếu không giành quyền vào vòng loại cuối cùng World Cup 2022 khu vực châu Á là dễ hiểu.

Căn cứ vào những gì diễn ra ở giải đấu này cách đây bốn năm, để vào vòng loại cuối cùng, các đội không được thua quá hai trận và phải đạt tối thiểu 16 điểm. Tại bảng G, UAE và Malaysia đã phạm vào điều kiện đầu tiên. Muốn đi tiếp, họ phải toàn thắng bốn trận còn lại để đạt tổng điểm sau cùng là 18. Với khả năng này, chỉ UAE là cơ hội cao, do còn đến ba trận sân nhà lần lượt trước Malaysia, Thái Lan và Việt Nam. Trong khi đó, Malaysia có đến hai trận sân khách trước UAE và Thái Lan.

Đội tuyển của Nishino mới thua một trận, nhưng chỉ có bảy điểm. Về lý thuyết họ được quyền thua thêm một trận, nhưng khi đó, điểm số tối đa có thể đạt được chỉ là 16. Đó là điểm số tối thiểu để có một trong hai vị trí đầu bảng, nhưng sẽ vô cùng bất lợi nếu phải rơi vào cuộc cạnh tranh với các đội nhì bảng khác do bảng G không có đội quá yếu để tích lũy hiệu số.

Bất kỳ HLV nào ở trong tình thế của Nishino cũng chỉ có một cách tính ưu tiên: Không được thua Việt Nam ngày 19/11. Thắng thì quá hoàn hảo, nhưng nếu chỉ có một điểm tại Mỹ Đình cũng không thất vọng. Khi đó, Thái Lan có tám điểm và vẫn được phép tính toán sẽ thắng ba trận còn lại để đạt 17 điểm - số điểm có thể đứng đầu bảng hoặc nằm trong nhóm bốn đội nhì bảng tốt nhất. Đây chính là lý do mà Thái Lan một mặt phải thừa nhận Việt Nam đang ở "cửa trên", mặt khác họ nhắc lại những kết quả tốt của đội nhà trước Việt Nam để củng cố tinh thần cho cầu thủ. Họ đang chuẩn bị tâm lý cho một trận đấu không cần phải quá tốt trước Việt Nam, miễn là đừng thất bại.

Nhưng tại sao Thái Lan không "chơi tất tay" trước Việt Nam? Hãy nhớ lại cách Nishino và đội tuyển Nhật Bản giành vé vào vòng 1/8 World Cup 2018. Khi đó, Nishino đã mạo hiểm đặt toàn bộ hy vọng vào "cửa" thấp nhất, nguy hiểm nhất để vượt qua Senegal... chỉ nhờ ít hơn số thẻ vàng. Một người như vậy nhiều khả năng sẽ chọn cách an toàn nhất đó là cầu hòa trong một trận đấu mà ông ta không nắm quá 49% cơ hội. Nishino biết quá rõ điểm yếu về phòng thủ của Thái Lan sau trận thua Malaysia dù dẫn bàn trước. Đó là trận đấu mà Thái Lan còn "quyền được thua" nên mới có cách tiếp cận khác lạ. Nhưng trước Việt Nam, đội mới thủng lưới một bàn sau bốn trận, thì khác. Hơn nữa, Nishino biết rằng có chơi tất tay và thắng Việt Nam thì nhiệm vụ ở ba trận cuối cũng chẳng khác hơn là bao nhiêu. Ngược lại, nếu thua, mọi thứ sẽ tuột khỏi tầm tay ông, bao gồm cả chiếc ghế HLV. Hơn nữa, phải đến cuối tháng 3/2020 Thái Lan mới đá lượt trận thứ năm, nên một điểm tại Mỹ Đình sẽ cho ông thêm thời gian để nâng cấp "Voi chiến". Và một điểm cũng khiến Việt Nam không bỏ xa đội bóng của ông.

Nếu cách tính của Nishino hay các HLV bên phía Malaysia và UAE đều công khai, dễ đoán do không còn nhiều lựa chọn, sự thú vị của bảng G nằm ở những phép tính của HLV Park Hang-seo và ưu thế không thể chối cãi của Việt Nam.

Với 10 điểm sau lượt đi, Việt Nam đứng thứ năm trong số các đội đạt điểm số tốt nhất khu vực châu Á. Nếu xét tính chất "tử thần" như bảng G, 10 điểm có thể nói là không thể tốt hơn. Trong tay ông Park và các học trò, không chỉ có "quyền được thua" ít nhất một trận, mà còn vì tình thế khó khăn của các đối thủ cạnh tranh.

Về lý thuyết, thắng Thái Lan là kết quả tối ưu, khi đó ngôi đầu bảng gần như nằm trong tay Việt Nam. Khoảng cách khá lớn mà Việt Nam tạo ra sẽ đẩy các đội còn lại, vốn không còn được phép thua thêm, vào thế loại trừ nhau trong các cuộc đối đầu trực tiếp. Theo kịch bản này, thậm chí thầy trò ông Park còn có vé đi tiếp trước hai lượt đấu.

Nhưng nếu hòa, chẳng có gì để thất vọng cả. Việt Nam vẫn có ngôi đầu, có khoảng cách an toàn và có một... cái hố để những đối thủ còn lại tự nhảy vào. Đội bóng được đánh giá là mạnh nhất UAE còn ba trận sân nhà, và họ phải gặp Malaysia rồi Thái Lan trước khi Việt Nam đến làm khách ở lượt cuối cùng. Như vậy, Thái Lan và Malaysia sẽ đến UAE trong tâm trạng không còn đường lùi. Các cuộc quyết chiến đó sẽ đem về lợi thế cho Việt Nam kể cả khi không ra sân.

Một bậc thầy về chuẩn bị trận đấu như HLV Park Hang-seo không thể không tính đến chuyện Thái Lan chỉ cần một điểm tại Mỹ Đình. Thái Lan đặt Việt Nam vào thế cửa trên, có lợi thế sân nhà, sức ép từ khán giả để... tấn công họ. Tuy nhiên chủ động đánh phủ đầu chưa bao giờ là lợi thế trong cách chơi của đội tuyển hiện nay, kể cả khi đá với đội yếu nhất bảng Indonesia. Thái Lan càng muốn Việt Nam tấn công, thì có khi HLV Park lại làm ngược lại. Thay vào đó, nghệ thuật phá lối chơi đối phương của ông sẽ được triển khai thông qua sự xuất hiện từ đầu của Công Phượng, Văn Toàn chẳng hạn. Trong một trận đấu tương đồng năng lực, không bên nào vội nghĩ đến chuyện ghi bàn, thì những tấm thẻ, những quả đá phạt hay những miếng đánh phá sức đối phương... sẽ được sử dụng nhiều hơn. Việc chuẩn bị tâm lý, sự kiên nhẫn sẽ được chú trọng hơn các bài bản trong tấn công. Một kết quả như ở lượt đi, diễn biến thậm chí còn buồn tẻ hơn, có thể được lặp lại. Một biến cố kiểu như chiếc thẻ đỏ của UAE, sẽ quyết định kết quả.

Nói cách khác, nếu Nishino chỉ cần một điểm thì Park Hang-seo cũng chưa chắc đã muốn nhiều hơn. Đã đến lúc này, cầm giữ mọi lợi thế trong tay, vấn đề của Việt Nam không còn phải thắng bằng mọi giá. Thay vì đó, HLV Park có thể nương theo ý đồ của đối phương để khiến họ phải tự làm một việc: rơi vào cái bẫy do chính họ tạo ra.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tương quan bảng G, và lựa chọn của Việt Nam

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO