Tuyển sinh đại học 2022: Cần chọn trường phù hợp

Lâm An 11/05/2022 07:31

Khi các trường đại học (ĐH), đặc biệt là các trường top trên, giảm tỷ lệ chỉ tiêu xét tuyển dựa theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, nhiều ý kiến lo ngại những thí sinh ở khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa sẽ bị giảm cơ hội. Bởi phần lớn các em vẫn ôn tập theo các phương thức xét tuyển truyền thống.

Thí sinh có thể chọn đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 ngành của nhiều trường khác nhau với một hoặc nhiều phương thức xét tuyển. Ảnh: Quang Vinh

Gia tăng áp lực với học sinh nông thôn, vùng núi

Theo ông Nguyễn Thành Long - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc Nội trú (Ba Vì, Hà Nội), đến thời điểm này chưa có thống kê về số lượng học sinh có nguyện vọng đăng ký xét tuyển vào ĐH, cao đẳng nhưng từ số liệu những năm trước, có thể thấy, khoảng hơn 50% học sinh của nhà trường đỗ các trường ĐH, CĐ theo hình thức xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, xét tuyển bằng học bạ… Ngay từ đầu năm nhà trường đã tổ chức tư vấn, hướng nghiệp cho học sinh và theo sát việc chọn ngành, chọn trường của các em.

Trong đó, với việc xuất hiện thêm nhiều phương thức xét tuyển vào ĐH, CĐ bên cạnh các phương thức truyền thống, nhà trường cũng khuyến khích học sinh tham gia thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội tổ chức, kỳ thi riêng của Trường ĐH Bách khoa Hà Nội… để tìm kiếm thêm cơ hội vào ĐH.

Nguyễn Thế Hưng, cựu học sinh lớp 12 Trường THPT Nghĩa Đàn, Nghệ An cho biết, năm ngoái em đăng ký thi vào ĐH Ngoại thương, nhưng thiếu 1 điểm. Em đã lựa chọn học 1 trường khác nhưng vẫn muốn thi lại để chinh phục giấc mơ vào trường mình thích.

“Mặc dù có thêm thời gian so với các bạn học sinh lớp 12 năm nay nhưng em không có điều kiện để ôn thi lấy chứng chỉ ngoại ngữ. Em cũng cân nhắc thi thêm kỳ thi đánh giá năng lực nhưng phải ôn thi nhiều lĩnh vực trong khi vẫn phải đảm bảo bài vở ở trường đang theo học nên em từ bỏ, chỉ tập trung vào 3 môn thi để lấy điểm xét tuyển vào ĐH dù biết mức độ cạnh tranh của phương thức này rất khốc liệt” - Hưng bày tỏ.

Vài năm gần đây, những thí sinh chưa tốt nghiệp THPT đã “đỗ ĐH” nhờ sở hữu chứng chỉ ngoại ngữ không còn là chuyện hiếm. Nhưng với học sinh ở nông thôn hầu như không dám đăng ký xét tuyển có sử dụng chứng chỉ ngoại ngữ như IELTS, TOEFL, TOEIC, chứng chỉ SAT… Trong đó, nhiều em học tốt, ý thức tốt, có tình yêu với ngoại ngữ và cũng có năng khiếu nhưng chương trình học trong sách giáo khoa không thể đáp ứng đủ cho các kỳ thi này.

Bà Nguyễn Thanh Diệu - giáo viên dạy tiếng Anh, Trường THPT Xuân Mai, huyện Chương Mỹ (Hà Nội) cho biết: Ngay từ lớp 10, tôi đã khuyên học sinh của mình tập trung luyện thi IELTS để tăng cơ hội vào ĐH nhưng các em nói gia đình không có điều kiện. Các trung tâm IELTS ở nội thành, khoảng cách đi lại xa; hơn nữa chi phí học và thi khá lớn, vượt ngoài điều kiện của bố mẹ ở nông thôn chủ yếu mưu sinh bằng đồng ruộng. Mặt khác, bố mẹ ở quê cũng không biết IELTS là gì nên không khuyến khích, định hướng con…

Đây là thực tế không thể phủ nhận khi cơ hội vào ĐH rộng mở với nhiều học sinh thì đồng thời cũng gia tăng thêm áp lực với học sinh khác khi chỉ tiêu vào ĐH bằng các phương thức truyền thống của đa số các trường ĐH đều giảm đi.

90% thí sinh đỗ đại học theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT.

Sắp xếp nguyện vọng hợp lý

Trước lo lắng của các thí sinh, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH - Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Thu Thủy cho biết: Qua thống kê tổng chỉ tiêu mà các trường xác định cũng như con số nhập học thực tế trong năm 2021, 90% thí sinh nhập học theo 1 trong 2 phương thức là sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT hoặc kết quả học tập bậc THPT (học bạ).

Thí sinh trúng tuyển bằng phương thức khác chưa đến 10%.

Mùa tuyển sinh năm 2022 cũng không thay đổi quá nhiều so với năm 2021 nên thí sinh yên tâm để ôn thi đạt kết quả cao nhất.

Theo ông Nguyễn Thành Long - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Dân tộc nội trú (Ba Vì, Hà Nội): Việc các trường đại học giảm chỉ tiêu xét tuyển bằng kết thi thi tốt nghiệp THPT sẽ có ảnh hưởng đến cơ hội vào đại học, cao đẳng của học sinh ở vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn. Tuy nhiên, đây là xu hướng phát triển chung khi các trường đại học tự chủ tuyển sinh nên các cán bộ tư vấn tuyển sinh trong trường phổ thông cần sớm thông báo, định hướng cho học sinh để các em có được sự chuẩn bị tốt nhất, phù hợp nhất”.

Bên cạnh đó, cần quan tâm đến bài toán sắp xếp nguyện vọng sao cho hợp lý để tránh bỏ lỡ cơ hội vào trường, ngành mình yêu thích vì đã trúng tuyển vào ngành khác do sai lầm khi đăng ký.

Cụ thể, đại diện Bộ GDĐT cho biết, nguyên tắc cơ bản khi sắp xếp nguyện vọng là đặt nguyện vọng nào mình yêu thích nhất, mong muốn nhất lên trên, rồi đến các nguyện vọng tiếp theo cho đến hết. Thí sinh cần xác định trước ngành mình muốn học, tương ứng với lĩnh vực nghề nghiệp trong tương lai mà thí sinh yêu thích, sau đó mới xem ngành đó có những trường nào đào tạo, phương thức xét tuyển như thế nào.

Thí sinh có thể xếp ưu tiên các nguyện vọng vào ngành mình yêu thích trước và trong trường hợp muốn đăng ký nguyện vọng vào các ngành/trường sử dụng nhiều phương thức xét tuyển kết hợp thì thí sinh cần xác định sở trường của mình nằm ở đâu để chọn các phương thức có lợi thế khi xét tuyển.

“Theo quy định, Bộ GDĐT yêu cầu các cơ sở đào tạo và thí sinh phải nhập dữ liệu lên hệ thống chung để chạy "lọc ảo". Quá trình chạy "lọc ảo" sẽ chỉ cho phép mỗi thí sinh (theo mã định danh cá nhân) chỉ trúng tuyển 1 nguyện vọng được xếp ưu tiên cao nhất. Vì thế cho dù thí sinh đủ điều kiện trúng tuyển vào 5-10 ngành/trường thì cũng sẽ chỉ được trúng tuyển vào 1 nơi. Và để đảm bảo thí sinh trúng tuyển vào nguyện vọng mình yêu thích nhất, phù hợp nhất thì thí sinh cần cân nhắc đặt lên trước các nguyện vọng đó theo thứ tự từ 1 đến hết”- bà Thủy lưu ý thí sinh có thể đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 trường và nhiều trường, nhưng chỉ khi đăng ký trên hệ thống của Bộ GDĐT thì việc xếp ưu tiên các nguyện vọng mới có ý nghĩa.

PGS. TS Vũ Thị Hiền - Trưởng phòng Quản lý đào tạo - Trường ĐH Ngoại thương:

Các phương thức xét tuyển độc lập

Năm 2022, Trường ĐH Ngoại thương đưa ra 6 phương thức xét tuyển. Các phương thức xét tuyển đều đã được tính toán kỹ, đảm bảo thí sinh có năng lực học tập tốt đăng ký xét tuyển vào trường sẽ được đánh giá công bằng, chính xác và minh bạch các điều kiện với đầy đủ quyền lợi.

Với riêng phương án xét tuyển kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ chỉ là một trong những cơ sở để xét tuyển, không phải tiêu chí duy nhất. Nhà trường không xét tuyển hết những thí sinh có chứng chỉ ngoại ngữ rồi mới xét tới thí sinh sử dụng điểm thi tốt nghiệp THPT. Các phương thức này là độc lập, ngang hàng, đảm bảo quyền lợi của thí sinh và tạo ra khả năng tiếp cận bình đẳng.

Từ tháng 1/2022 hệ thống xét tuyển riêng của Trường ĐH Ngoại thương đã mở để thí sinh thực hiện việc xét tuyển thử. Thí sinh cứ đăng ký những gì mình đã có lên hệ thống này, vướng mắc gì thì nhà trường sẽ liên tục tư vấn xem các em chọn ngành gì, phương thức gì, chứng chỉ gì để xét cho có kết quả tốt nhất. Đến thời điểm nhận hồ sơ chính thức chỉ việc ấn nút.

Dự kiến từ 15/6-30/6 hệ thống xét tuyển riêng của các trường sẽ chính thức nhận hồ sơ. Hiện nhà trường vẫn đang đợi quy chế tuyển sinh của Bộ GDĐT ban hành thì mới công bố đề án chính thức.

PGS. TS Nguyễn Phong Điền - Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội:

Chọn ngành nghề rồi mới chọn trường

Khi chưa biết mình phù hợp, đam mê nghề gì thì cách lựa chọn nguyện vọng xét tuyển nên theo “nguyên tắc”: Lựa chọn lĩnh vực nghề nghiệp trước. Sau đó, học sinh có thể vào trang web của các cơ sở đào tạo để xem mô tả các ngành đào tạo trong lĩnh vực mình chọn, vị trí và cơ hội việc làm trong xã hội của ngành đó. Có thể tham vấn bố mẹ, người thân, những người làm việc trong lĩnh vực mình quan tâm.

Sau khi chọn ngành nghề cụ thể, lúc đó mới xem các trường nào đang đào tạo ngành này. Cùng một ngành nhưng mỗi trường có thể có chiến lược đào tạo và ưu điểm khác nhau. Bên cạnh đó, còn có những điểm cộng, điểm trừ liên quan tới môi trường đào tạo, dịch vụ cung ứng cho sinh viên, học bổng, học phí… Căn cứ vào đó, thí sinh có thể chọn trường mình muốn theo học.

Thí sinh có thể chọn đăng ký nhiều nguyện vọng vào 1 ngành của nhiều trường khác nhau với một hoặc nhiều phương thức xét tuyển. Cũng có thể đăng ký vào học nhiều ngành khác nhau của một trường, thay vì nhiều trường. Nhưng cần ghi nhớ xếp ngành/ trường nào mình thích nhất lên trước trong thứ tự nguyện vọng.

Lam Nhi(ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học 2022: Cần chọn trường phù hợp

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO