Tuyển sinh đại học 2022: Mở rộng thi đánh giá năng lực

Minh Quang 30/10/2021 08:30

Trong xu thế đa dạng hóa các phương thức tuyển sinh vào đại học (ĐH), kỳ thi đánh giá năng lực (ĐGNL) của các trường năm 2022 tới đây đã và đang nhận được sự quan tâm của học sinh, phụ huynh.

Tạo thuận lợi, phục vụ tuyển sinh diện rộng

Sau 4 năm thực hiện, kỳ thi ĐGNL của ĐH Quốc gia TP HCM đã tạo được sự tin tưởng từ thí sinh và các trường ĐH, cao đẳng (CĐ) trên cả nước. Quy mô kỳ thi được mở rộng, số trường sử dụng kết quả kỳ thi để tuyển sinh cũng tăng nhanh.

Liên quan tới phương án tuyển sinh năm 2022, TS Nguyễn Quốc Chính, Giám đốc Trung tâm Khảo thí và đánh giá chất lượng đào tạo, ĐH Quốc gia TP HCM vừa cho hay: Định hướng của ĐH Quốc gia TP HCM là kỳ thi sẽ được giữ ổn định nên năm tới cơ bản ít có thay đổi. Trước mắt, trường vẫn sẽ tổ chức 2 đợt thi, còn tuỳ trong bối cảnh sẽ quyết định có tổ chức thêm đợt thi hay không. Năm 2022, nhà trường sẽ tiếp tục phối hợp với nhiều đơn vị trong và ngoài ĐH Quốc gia TP HCM để tổ chức thi, cân nhắc mở rộng phạm vi, tạo điều kiện tốt hơn cho thí sinh. Trước đó, năm 2021, kỳ thi đã mở rộng ra tới các tỉnh Tây Nguyên. Theo kế hoạch, năm 2022 trường sẽ trao đổi với ĐH Quốc gia Hà Nội, có khả năng 2 bên sẽ cùng tổ chức một số điểm thi ở các tỉnh phía Bắc. Cụ thể sẽ được thông báo sau. Mục tiêu là làm sao để đem kỳ thi đến thí sinh thuận lợi nhất, tránh việc thí sinh phải di chuyển xa.

Về mốc thời gian thi, ông Chính thông tin, thời điểm thi đợt đầu tiên sẽ vào cuối tháng 3/2022, khi đó, học sinh cơ bản hoàn thành chương trình lớp 12 và sẵn sàng cho các kỳ thi. Đợt 2 thường tổ chức sau kỳ thi tốt nghiệp THPT vào cuối tháng 7. Mốc này có thể có điều chỉnh tuỳ thuộc vào tình hình thực tế.

Còn tại ĐH Quốc gia Hà Nội, theo kế hoạch năm 2022 kỳ thi ĐGNL sẽ được tổ chức làm nhiều đợt. Cụ thể, kỳ thi ĐGNL sẽ diễn ra từ tháng 2 đến tháng 8/2022. Các trường ĐH có thể sử dụng kết quả để xét tuyển.

GS. TS Nguyễn Tiến Thảo, Giám đốc Trung tâm khảo thí, ĐH Quốc gia Hà Nội cho biết, kỳ thi đánh giá năng lực năm 2021 của trường đạt được mục tiêu về chất lượng, quy trình, kết quả, sự tương đồng, cân bằng độ khó - dễ theo khoa học đo lường - khảo thí hiện đại. Bài thi có tính phân loại cao, đánh giá năng lực học sinh theo các nhóm năng lực chuẩn đầu ra của chương trình giáo dục phổ thông; có tương quan với kết quả thi tốt nghiệp nhưng độ khó, tính phân loại cao hơn ở góc độ kiểm tra đánh giá.

Với kết quả như vậy, năm 2022, Trung tâm Khảo thí ĐH Quốc gia Hà Nội dự kiến tiếp tục tổ chức kỳ thi này tương tự năm ngoái với 7-8 đợt trong năm cho khoảng 30.000 thí sinh, phục vụ tuyển sinh diện rộng.

Nắm vững kiến thức trung học phổ thông

Trước băn khoăn của thí sinh và phụ huynh về nội dung thi cũng như việc có cần thiết đi luyện thi ĐGNL hay không, TS Nguyễn Quốc Chính chia sẻ: Ngay từ khi thiết kế và cả quá trình triển khai, nhà trường đã khẳng định rất rõ ràng, đối với kỳ thi này thí sinh chỉ cần học tập tốt trong trường phổ thông, học về suy luận, logic, đọc hiểu và ứng dụng nhiều chứ không phải nhớ nhiều. Học sinh không cần tham gia các khoá luyện thi mà vẫn có khả năng tiếp cận và làm bài tốt kỳ thi này. Thực tế chứng minh các học sinh tham gia kỳ thi trước đều cảm thấy nhẹ nhàng, thoải mái. ĐH Quốc gia TP HCM cũng hoàn toàn không tổ chức luyện thi, không khuyến khích học sinh đi học luyện thi.

Vậy đối với một số ngành học cần một số đặc thù nhất định như y khoa, nghệ thuật, việc ôn luyện có gì khác biệt không? Theo ông Chính, đối với các kỳ thi tuyển sinh ĐH bây giờ chúng ta đang đánh giá năng lực tổng quát để học ĐH, đây là điều quan trọng nhất. Thông qua việc đối sánh với kết quả học tập thì kỳ thi ĐGNL chứng minh được rằng đó là một thước đo tin cậy được để tuyển sinh vào ĐH, kể cả ngành Khoa học sức khoẻ, Kỹ thuật, Khoa học tự nhiên… Riêng một số những ngành đặc thù hơn như nghệ thuật, cần phải có năng khiếu thì đã bổ sung thêm một số ngành năng khiếu rồi nên nhà trường tin chắc kỳ thi đánh giá năng lực có thể tuyển được những ngành đặc thù đó.

Với ĐH Quốc gia Hà Nội, năm 2022 trường sẽ tiếp tục dựa trên ĐGNL và các công cụ khác để tuyển sinh các ngành tài năng, chất lượng cao hoặc xét học bổng. Phương thức này nhằm hướng tới việc chọn được học sinh có năng lực phù hợp với khung năng lực ngành nghề. Khi xét tuyển dựa vào ĐGNL, kết quả thi tốt nghiệp THPT sẽ chỉ là điều kiện đủ để thí sinh nhập học.

Ngoài ra, ĐH Quốc gia Hà Nội vẫn có đợt tuyển sinh chung quốc gia cho các ngành và chỉ tiêu còn lại nhưng theo định hướng tự chủ hoàn toàn về tuyển sinh và giảm phụ thuộc vào kỳ thi tốt nghiệp THPT, qua đó tạo đà đổi mới giáo dục phổ thông theo hướng phát triển năng lực.

Theo TS Nguyễn Quốc Chính, ngay từ khi xây dựng đề án kỳ thi đánh giá năng lực vào năm 2016, ĐH Quốc gia TP HCM đã xác định lộ trình phát triển của trung tâm khảo thí: Đầu tư có trọng điểm, xây dựng và phát triển đồng bộ về cơ sở hạ tầng, hệ thống CNTT, đội ngũ cán bộ chuyên gia, các quy trình, quy định... từng bước trở thành trung tâm khảo thí độc lập và chuyên nghiệp. Đến năm 2023 trung tâm sẽ trở thành đơn vị độc lập, tự chủ toàn phần.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh đại học 2022: Mở rộng thi đánh giá năng lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO