Tuyển sinh ĐH 2020: Linh hoạt để không phụ thuộc vào thi THPT quốc gia

Lam Nhi 14/04/2020 08:00

Vấn đề thi hay không thi THPT quốc gia đang nhận được sự quan tâm của dư luận. Về phía các trường đại học (ĐH), nhiều đơn vị cho biết đã chủ động lên các phương án tuyển sinh khác nhau để tránh phụ thuộc vào kỳ thi.

Tuyển sinh ĐH 2020: Linh hoạt để không phụ thuộc vào thi THPT quốc gia

Nhiều trường đại học đã chủ động lên các phương án tuyển sinh khác nhau.

PGS TS Trần Xuân Nhĩ- nguyên Thứ trưởng Bộ GDĐT cho rằng, những năm gần đây các trường ĐH sử dụng kết quả của kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển vào ĐH là việc phổ biến, thậm chí đây có thể coi là phương thức tuyển sinh truyền thống và duy nhất của hầu hết các trường ĐH, đặc biệt là các trường ĐH khối công lập. Tuy nhiên, một vài năm gần đây, bên cạnh phương thức này, các trường còn sử dụng nhiều cách thức tuyển sinh mới như xét tuyển bằng học bạ, ưu tiên xét tuyển thí sinh học trường chuyên, thí sinh có chứng chỉ quốc tế, tổ chức kỳ thi riêng… Tất cả đều nhằm một mục tiêu duy nhất là tìm kiếm những sinh viên tài năng và phù hợp nhất với trường mình. Xét trong bối cảnh kỳ thi THPT quốc gia 2020 đang trong tình thế “bị động” vì dịch bệnh Covid-19 diễn biến phức tạp, khiến cho hầu hết học sinh trên cả nước vẫn chưa thể có ngày trở lại trường chính thức thì việc xây dựng phương án tuyển sinh ĐH của các trường cần phải có những kịch bản khác nhau.

Cụ thể, PGS.TS Đỗ Văn Dũng- Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TPHCM cho biết, kế hoạch tuyển sinh dự kiến của trường này là sử dụng kết quả kỳ thi THPT quốc gia 2020 để tuyển sinh với khoảng 80% chỉ tiêu, còn lại là các phương thức khác. Nguyên nhân là vì kỳ thi chung vẫn đảm bảo sự tiết kiệm và đánh giá người học trên một chuẩn chung. Đặc biệt, kỳ thi này phù hợp hơn cho các thí sinh ở những khu vực khó khăn. Tuy nhiên, trong trường hợp bỏ kỳ thi THPT quốc gia năm nay, việc tuyển sinh của nhà trường cũng không vì thế mà bị ảnh hưởng. Dự kiến, khi đó trường sẽ chuyển sang xét học bạ và xét tuyển thẳng học sinh các trường chuyên.

Tương tự, PSG.TS Trần Hoàng Hải- Phó Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TPHCM thông tin nhà trường cũng đang cân nhắc xem xét đến kết quả học tập trong học bạ và sẽ tập trung ở 5 kỳ học (không tính kỳ 2 lớp 12 do ảnh hưởng trực tiếp của dịch bệnh). Tuy nhiên, cũng theo ông Hải, việc xét học bạ là bất đắc dĩ, bởi lẽ kết quả ở kỳ thi THPT vẫn bảo đảm tính công bằng hơn cả và nếu chỉ xét học bạ, có thể ảnh hưởng đến chất lượng đầu vào ở mỗi nhà trường.

PGS.TS Bùi Đức Triệu- Trưởng phòng Quản lý đào tạo, Trường ĐH Kinh tế quốc dân phân tích, cách đây 5 năm khi bắt đầu bỏ kỳ thi tuyển ĐH bằng kỳ thi THPT quốc gia, đã có những hoài nghi về sự thành công. Nhưng thực tế đã chứng minh đó là một bước ngoặt đúng đắn. Hàng nghìn tỷ đồng đã tiết kiệm được khi cả triệu học sinh không phải lăn lộn, vất vả rời quê tới Hà Nội hay TP Hồ Chí Minh để tham gia các cuộc thi tuyển sinh. Vì vậy, PGS Triệu vẫn khẳng định muốn một kỳ thi THPT quốc gia, sẽ là đầy đủ, chính xác nhất, thể hiện tính ổn định trong 5 năm qua. Còn trường hợp bất khả kháng, mỗi trường sẽ có những phương án tuyển sinh riêng, có thể là tổng hòa của việc xét học bạ, kết hợp ưu tiên hoặc thi tuyển riêng miễn sao phù hợp với từng trường.

Với riêng Trường ĐH Kinh tế quốc dân, việc mở kỳ thi tuyển sinh riêng không khó. Ngay từ những năm 2013, nhà trường đã có đề án thi tuyển riêng và đến năm 2017, đề án này một lần nữa được nhắc đến. “Hiện tại, Phòng Quản lý đào tạo đã có các phương án sơ bộ để tổ chức tuyển sinh trong tình huống không thể tổ chức kỳ thi THPT quốc gia. Điều quan trọng nhất là quyền lợi thí sinh, lợi ích xã hội được đảm bảo. Chúng tôi không quan tâm nhiều tới tuyển đủ mà là tuyển đúng với những yêu cầu về chất lượng, phù hợp với tiêu chí của nhà trường cũng như mục đích đào tạo” – PGS. TS Bùi Đức Triệu khẳng định.

Trong khi đó, Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội đã chính thức thông tin tới xã hội về việc sẽ tổ chức một kỳ thi riêng để tuyển sinh ĐH. Theo thầy Hoàng Minh Sơn- Hiệu trưởng Trường ĐH Bách Khoa Hà Nội, việc trường tổ chức kỳ thi riêng với 2 mục đích chính. Thứ nhất, đây sẽ là bước đệm của ĐH Bách khoa trong việc chủ động trong công tác tuyển sinh, đào tạo theo Luật Giáo dục có hiệu lực từ 1/7. Thứ hai, để tránh phụ thuộc quá nhiều vào kỳ thi THPT quốc gia, trường đã chủ động phương án tuyển sinh theo tiêu chí riêng.

Riêng với khối ngành sư phạm, ngành y, đến nay vẫn chưa có đơn vị nào đưa ra phương án dự kiến. Tuy nhiên, từ phía Bộ GDĐT sẽ có hướng dẫn cụ thể quy định ngưỡng đầu vào nên dù các trường này quyết định phương án nào thì chất lượng của thí sinh tuyển chọn cũng sẽ không phải là vấn đề quá lo lắng.

Trao đổi với báo chí, thầy Tạ Thành Văn- Hiệu trưởng Trường ĐH Y Hà Nội cho rằng, với riêng ngành y, việc xét học bạ là rất khó vì ngành này cần những đòi hỏi khắt khe, đầy đủ hơn. Nhà trường sẽ chờ hướng dẫn, chỉ đạo từ Bộ GDĐT để xem xét, điều chỉnh tuyển sinh và sẽ thông tin sớm tới người học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh ĐH 2020: Linh hoạt để không phụ thuộc vào thi THPT quốc gia

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO