Tuyển sinh ĐH 2021: Cân nhắc điểm sàn và điểm chuẩn

Thu Hương 28/07/2021 06:40

Theo kế hoạch, ngay sau khi Bộ GDĐT công bố ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào khối ngành đào tạo giáo viên, khối ngành sức khỏe (dự kiến trước ngày 3/8), các trường đại học (ĐH) cũng sẽ điều chỉnh và công bố mức điểm nhận hồ sơ xét tuyển.

Để tăng cơ hội trúng tuyển, thí sinh cân nhắc điểm sàn và điểm chuẩn. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Cân nhắc giữa các phương án tuyển sinh

Ghi nhận thời điểm này, nhiều trường cho biết đang tính toán các phương án điểm chuẩn dựa vào kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1. PGS. Bùi Hoài Thắng, Trưởng phòng Đào tạo Trường ĐH Bách khoa TP HCM cho rằng, phân tích, điểm chuẩn ĐH sẽ phụ thuộc vào phương án tuyển sinh của các trường và sự chuyển dịch của người học.

Hiện nay, rất nhiều trường ĐH đã xét tuyển kết quả học tập THPT và các phương thức khác. Chỉ tiêu còn lại cho xét tuyển từ điểm thi tốt nghiệp đã ít đi. Trong tình huống này, điểm chuẩn chắc chắn sẽ nhích lên.

Đơn cử như Trường ĐH Bách khoa TP HCM năm nay tuyển 5.000 chỉ tiêu nhưng phương thức xét điểm đánh giá năng lực của ĐH Quốc gia chiếm nhiều nhất, tối đa tới 70%; Xét tuyển thi tốt nghiệp từ 30-60% tổng chỉ tiêu. Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM tuyển hơn 6.000 chỉ tiêu, trong đó hơn 3.000 chỉ tiêu xét tuyển từ học bạ, số còn lại xét tuyển từ thi tốt nghiệp.

Năm nay, trường ĐH Ngoại thương vẫn duy trì chỉ tiêu tuyển sinh như năm trước là 3.990 sinh viên tại cả 3 cơ sở Hà Nội, TP HCM và Quảng Ninh. Trường đã có hướng dẫn tra cứu kết quả đánh giá hồ sơ xét tuyển đối với phương thức xét tuyển 1, 2 và 5 (đợt 1).

Từ ngày 2 đến 4/8, trường sẽ mở hệ thống đăng ký chính thức đối với phương thức 3 (xét tuyển kết hợp giữa chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế và kết quả thi tốt nghiệp THPT năm 2021) và phương thức 5 (xét tuyển dựa trên kết quả các kỳ thi đánh giá năng lực do ĐH Quốc gia Hà Nội và ĐH Quốc gia TP HCM tổ chức trong năm 2021).

Trên thực tế, tuyển sinh là lấy điểm từ cao xuống thấp, cho đến lúc đủ chỉ tiêu. Cụ thể có 1 triệu học sinh dự thi nhưng các trường ĐH tuyển có hơn 500.000 thí sinh, nên dù đề thi ở mức nào cũng chỉ các học sinh top đầu trúng tuyển sau khi đã trừ đi chỉ tiêu xét tuyển ở các phương thức khác. Nên nếu như thí sinh không tận dụng những phương thức khác để xét tuyển vào các trường có áp dụng các phương thức khác, là một thiệt thòi.

Bài toán này đã được các thủ khoa của kỳ thi tốt nghiệp THPT 2021 đợt 1 áp dụng rất thành công khi nhiều em đã “trúng tuyển” vào ĐH bằng phương thức tuyển sinh không phụ thuộc vào kết quả thi. Trong đó có thủ khoa khối A1 đỗ trường ĐH FPT bằng phương án xét học bạ, thủ khoa có điểm thi cao nhất nước đỗ trường ĐH Ngoại thương bằng phương án xét học bạ kết hợp chứng chỉ ngoại ngữ, thủ khoa khối C00 được tuyển thẳng vào Học viện Ngoại giao... Thi tốt nghiệp trong tâm thế tự tin, giảm áp lực điểm số cũng là một bí quyết để các thí sinh đạt thành tích vượt trội.

Điểm cao cũng nên đăng ký nhiều nguyện vọng

Căn cứ vào phổ điểm Bộ GDĐT công bố theo một số khối xét tuyển truyền thống cho thấy, khoảng điểm mà nhiều thí sinh đạt được ở các khối A, A1, B ở mức trên 20 điểm. Trong khi khối D, C từ 18 đến 19 điểm.

Nhiều chuyên gia dự đoán, năm nay điểm chuẩn có xu hướng tăng mạnh ở các trường top giữa, bởi mức điểm từ 22-24 tương đối nhiều, ở hầu hết các khối thi. Với điểm sàn nhận hồ sơ ở các trường, thí sinh cần hết sức cân nhắc vì hầu như điểm sàn luôn có sự chênh lệch so với điểm trúng tuyển, đặc biệt là ở các ngành hot.

PGS.TS Đỗ Văn Dũng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP HCM nhận định, điểm chuẩn sẽ tăng mạnh ở tổ hợp D01 (Toán, Văn, Tiếng Anh) và tổ hợp B00 (Toán, Hoá, Sinh) bởi môn Sinh học, Tiếng Anh, Ngữ văn được đánh giá là dễ hơn so với năm ngoái, trong khi các môn còn lại thì tương đương năm 2020.

Để công bằng với thí sinh, ông Dũng khuyến cáo, các trường nên lấy điểm chuẩn tổ hợp A01 cao hơn A00 khoảng 1,0 điểm. Các thí sinh dù điểm cao cũng nên đăng ký bổ sung nhiều nguyện vọng bởi vẫn có khả năng trượt nếu đăng ký ít nguyện vọng vào các trường ĐH top trên.

Một kinh nghiệm khác là các thí sinh có thể chọn đăng ký vào một ngành yêu thích của một trường bằng các tổ hợp khác nhau để tăng cơ hội trúng tuyển, bởi điểm trúng tuyển vào ngành ở các khối thi có thể có sự chênh lệch đáng kể.

Giảm thời gian lọc ảo cho các trường

Liên quan đến việc lọc ảo, PGS. TS Đỗ Văn Dũng cho rằng để giảm thời gian lọc ảo, Bộ GDĐT cần yêu cầu các trường phải cập nhật kết quả nhập học của thí sinh trúng tuyển các phương thức khác để chống ảo và Bộ cần kiểm soát chặt chẽ. Năm 2020, nhóm lọc ảo phía Nam có 86 trường ĐH tham gia, nếu năm nay huy động được 100% trường tham gia thì hiệu quả sẽ cao, ảo sẽ thấp.

Theo PGS. TS Nguyễn Thu Thủy, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GDĐT), việc có 100% các trường phải tham gia lọc ảo là tốt nhưng Bộ không thể ép vì liên quan đến tự chủ ĐH. Việc tham gia lọc ảo do các trường quyết định trên cơ sở đánh giá lợi ích của việc tham gia lọc ảo.

Sắp tới, thí sinh sẽ có tối đa 3 lần điều chỉnh nguyện vọng. Điều này sẽ không ảnh hưởng đến việc lọc ảo của các trường.

Với nhiều trường ĐH không sử dụng phương thức xét học bạ THPT, song các trường đều khẳng định cũng sẽ có cách xét tuyển phù hợp đảm bảo quyền lợi nếu phải hủy bỏ kỳ thi tốt nghiệp THPT đợt 2.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh ĐH 2021: Cân nhắc điểm sàn và điểm chuẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO