Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp: Gỡ vướng hàng loạt khó khăn

Thu Hương 29/06/2022 11:30

Ngày 28/6, Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp (GDNN), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) tổ chức hội nghị về công tác tuyển sinh năm 2021, 6 tháng đầu năm 2022, nhiệm vụ, giải pháp 6 tháng cuối năm 2022.

Sinh viên Trường Cao đẳng Y tế Cần Thơ trong giờ học.

Khởi sắc trở lại

Báo cáo tại hội nghị, đại diện Vụ Đào tạo chính quy - Tổng cục GDNN cho biết, kết quả tuyển sinh tính đến ngày 31/12/2021, hệ thống GDNN tuyển sinh được 2.030.440 thí sinh, đạt 85% so với kế hoạch đề ra. Trong đó, trình độ cao đẳng (CĐ) tuyển sinh đạt 81% so với kế hoạch, trình độ trung cấp tuyển sinh đạt 82% kế hoạch; trình độ sơ cấp và các chương trình nghề nghiệp khác đạt 91%). Trong đó, một số lĩnh vực ngành, nghề ở trình độ trung cấp, CĐ có kết quả tuyển sinh tốt như: Kỹ thuật, Máy tính và Công nghệ thông tin, Kinh doanh và quản lý, Công nghệ kỹ thuật, Du lịch khách sạn, Sức khỏe,...

Mặc dù rất khó khăn do những ảnh hưởng nặng nề của dịch Covid-19, tuyển sinh trình độ trung cấp, CĐ của các cơ sở GDNN trên cả nước chỉ đạt 81,5% so với kế hoạch mục tiêu đặt ra, song ở những trường mạnh có thương hiệu, kết quả tuyển sinh vẫn đảm bảo hoàn thành kế hoạch.

Bước sang năm 2022, do tình hình dịch Covid-19 đã bớt căng thẳng tại nhiều địa phương nên hoạt động tuyển sinh, tư vấn tuyển sinh đã được các trường khẩn trương tổ chức thực hiện ngay từ đầu năm. Mặc dù những tháng đầu năm chưa phải là thời gian cao điểm trong tuyển sinh GDNN, tuy nhiên do làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, tư vấn và phân luồng, hướng nghiệp trong học sinh phổ thông nên kết quả tuyển sinh 6 tháng đầu năm 2022 đã có dấu hiệu khởi sắc hơn so với năm 2021.

Cụ thể, tính đến đầu tháng 6/2022, cả nước đã tuyển sinh được hơn 920 nghìn người (đạt khoảng 48% so với kế hoạch năm và tăng hơn 5% so với cùng kỳ năm 2021). Ở một số địa phương, công tác tuyển sinh bước đầu đạt tín hiệu tích cực. Đơn cử như tại Nghệ An hiện đã đạt 35% chỉ tiêu đề ra, TPHCM đạt 22%, Vĩnh Phúc, Hải Dương thực trạng tuyển sinh các trình độ đào tạo đều khả quan.

Ông Hoàng Quang Đạt - Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai cho biết, đến thời điểm hiện tại, trường đã tuyển sinh được 700 học sinh trên kế hoạch mục tiêu là 800 học sinh hệ trung cấp. Cùng với 800 chỉ tiêu hệ CĐ và đào tạo liên kết, ngắn hạn là 2.200 học viên, trường tự tin sẽ đạt chỉ tiêu đặt ra. Kinh nghiệm của nhà trường đó là coi trọng công tác truyền thông phủ sóng đến mọi đối tượng trên địa bàn và các vùng lân cận…

Gỡ khó cho học nghề

Chia sẻ tại hội nghị, đại diện Sở LĐTBXH tỉnh Vĩnh Phúc thông tin, địa phương đã ban hành Nghị quyết 19 hỗ trợ cho người học nghề với mức 300 nghìn đồng/học viên đối với hệ trung cấp, 500 nghìn đồng đối với hệ CĐ đại trà và 800 nghìn đồng đối với hệ chất lượng cao. Đi kèm với đó là công tác phân luồng sau THCS được chú trọng, đẩy mạnh truyền thông tạo chuyển biến trong nhận thức của người dân về việc học nghề.

Tương tự, tại Hải Dương, Sở LĐTBXH tỉnh đã thiết kế chương trình giới thiệu về các trường nghề, học nghề, khởi nghiệp và phát sóng định kỳ trên kênh truyền hình địa phương vào khung giờ đông người theo dõi để tăng cường truyền thông tới người dân. Bên cạnh đó, các trường nghề phối hợp với cơ quan chức năng để đến từng trường THCS, THPT trên địa bàn truyền thông đến học sinh, phụ huynh và giáo viên, đặt bàn tư vấn trực tiếp tại trường để thông tin chính xác đến người học có nhu cầu tìm hiểu về trường.

Bên cạnh những thuận lợi, các trường cũng nêu ra những khó khăn vẫn đang tồn tại thời gian qua dẫn đến khó tuyển sinh. Đó là việc học văn hóa trong trường nghề đến nay vẫn vướng khi học sinh phải học văn hóa một nơi, học nghề một nơi.

Vấn đề thứ hai, các đại biểu tiếp tục kiến nghị về việc đề nghị Bộ GDĐT chia sẻ dữ liệu tuyển sinh để các trường chủ động nắm bắt được số học sinh sau tốt nghiệp THPT đi đâu, về đâu? Trước đó, Bộ LĐTBXH cũng đã gửi công văn tới Bộ GDĐT đề nghị xây dựng hệ thống cơ sở dữ liệu chung trong tuyển sinh.

Liên quan tới lộ trình hợp tác, gắn kết với doanh nghiệp, nhiều đại biểu đến từ các trường CĐ, trung cấp đề xuất Bộ LĐTBXH cần sớm ban hành danh mục các nghề nghiệp bắt buộc phải qua đào tạo để làm cơ sở phối hợp với các doanh nghiệp (DN). Theo Hiệu trưởng Trường CĐ Lào Cai, dù giữ mối liên hệ chặt chẽ với nhiều DN song khi bàn đến việc phối hợp đào tạo người lao động cùng DN thường không đi đến được thống nhất.

Trả lời về vấn đề này, đại diện Tổng cục GDNN cho biết, hiện nay việc xây dựng không gian truyền thông và hệ sinh thái GDNN đã được Tổng cục triển khai nhưng chưa được các sở, các trường chú trọng. Đơn cử như việc dạy văn hóa trên các trường, trường nào, sở nào cũng kêu, song chưa có một tiếng nói đồng thuận đồng lòng để tạo nên dư luận xã hội. Nếu vấn đề được phản ánh có tính hệ thống, thể hiện nhu cầu của phụ huynh, học sinh trên cả nước sẽ tạo nên tiếng nói dư luận xã hội tốt. Đặc biệt, nếu cả 63 tỉnh thành cùng triển khai hoạt động này thì thành nhu cầu chung của cả nước, tiếng nói hệ thống sẽ tốt hơn.

TS Phạm Vũ Quốc Bình - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục GDNN cho biết, giai đoạn hiện nay, cả nước bước vào hồi phục kinh tế thì việc sống còn của hệ thống giáo dục nghề chính là công tác tuyển sinh. Hiện đã có những quy định mềm dẻo hơn về tuyển sinh. Các trường cũng đã có những biện pháp khác nhau để nâng cao công tác tuyển sinh.

Để làm được điều này, việc đầu tiên chính là đẩy mạnh công tác tuyên truyền về GDNN liên quan đến ngành nghề, quy định quy chế chính sách hỗ trợ cho học sinh sinh viên. Bên cạnh đó, cần đa dạng hóa trong công tác truyền thông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyển sinh giáo dục nghề nghiệp: Gỡ vướng hàng loạt khó khăn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO