Tuyến xe buýt nhanh BRT: Bỏ thì thương vương thì tội

H.Hương – M.Sang 02/07/2022 07:33

Thanh tra Chính phủ đã từng bóc trần hàng loạt sai phạm, lãng phí của tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã – Yên Nghĩa. Và như vậy, sau gần 5 năm đi vào hoạt động, tuyến xe buýt này đang để lại những ấn tượng xấu với dư luận xã hội...

Tuyến xe buýt nhanh BRT01 Kim Mã – Yên Nghĩa được đánh giá là một thất bại của ngành giao thông Thủ đô.

Hiệu quả sử dụng thấp

Tuyến buýt nhanh BRT01 Kim Mã – Yên Nghĩa chính thức đi vào vận hành từ ngày 1/1/2017. Dù được đặt nhiều kỳ vọng đột phá cho hình thức vận tải hành khách công cộng Thủ đô, nhưng ngay từ khi mới triển khai, tuyến BRT đã vấp phải ý kiến phản đối của nhiều chuyên gia giao thông do nảy sinh hàng loạt bất cập, khiếm khuyết và hiệu quả sử dụng thấp. Đến thời điểm hiện tại, tuyến buýt này tiếp tục không phát huy được công năng như kỳ vọng.

Trưa 11h ngày 26/6, tuyến buýt nhanh BRT từ Kim Mã đi Yên Nghĩa chỉ có 5 khách. Sau 4 năm “gắn bó” vưới tuyến buýt nhanh này, học sinh nam T.A.T (Trường THCS Giảng Võ) chia sẻ, xe chỉ đông hành khách, lên xe không có ghế ngồi thậm chí chen nhau đứng vào giờ cao điểm sáng và chiều ( 7h30 – 8h30 sáng và 16h30 – 18h).

Nhiều hành khách cho biết, mặc dù được tiếng là buýt nhanh, nhưng cả tuyến đường “ưu tiên”, xe buýt này vẫn luôn phải chịu cảnh tắc đường, nên chậm vẫn hoàn chậm. Vào các buổi sáng, lộ trình bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã từ thời điểm 7h15p sáng xe di chuyển rất chậm do tắc đường. Lộ trình Bến xe Yên Nghĩa – Kim Mã thường phải đi mất 1h15 phút thay vì 45 phút như công bố. Tương tự vào các buổi chiều, lộ trình bến xe Kim Mã – Yên Nghĩa cũng mất thời gian hơn 1 tiếng đồng hồ.

Chị Hoàng Anh (ở CT1 – khu đô thị Văn Khê, Hà Đông) thường xuyên di chuyển bằng tuyến buýt nhanh BRT cho biết, do không cố định thời gian làm việc nên chị yên tâm lựa chọn phương tiện giao thông công cộng. “Có những hôm tôi có hẹn với bạn bè vào 8h sáng thì đồng nghĩa tôi phải lên xe buýt BRT từ 6h30 sáng, 7h tới bến xe Kim Mã rồi tiếp tục đặt xe công nghệ để di chuyển như thế mới kịp giờ hẹn” – chị Hoàng Anh cho hay.

Một lái xe ở tuyến buýt nhanh BRT cũng chia sẻ thông tin, chạy xe tuyến BRT giờ cao điểm sáng hoặc chiều rất căng thẳng. Các phương tiện xe cá nhân thường lấn sang làn đường cho buýt nhanh nên không thể đi nhanh được.

Dù vậy, Giám đốc Trung tâm Quản lý và điều hành giao thông công cộng Hà Nội Nguyễn Hoàng Hải cũng nhìn nhận, sau một thời gian đi vào thực tiễn, dù chưa thể hoạt động đúng theo phương án thiết kế ban đầu, chưa đảm bảo tốc độ vận hành, tần suất chạy xe nhưng xe buýt BRT vẫn phát huy hiệu quả rất tích cực, góp phần giảm thiểu phương tiện cá nhân. Tuy nhiên, bên cạnh đó, BRT đang phải đối mặt với rất nhiều áp lực, do làn đường riêng không được phân tách bởi dải phân cách cứng cho toàn tuyến. Hệ lụy kéo theo là bị các phương tiện khác xâm phạm, cản trở, làm giảm tốc độ lưu thông.

“Tình trạng này diễn ra lâu nay, gây mất trật tự, an toàn giao thông trên tuyến đường xe buýt BRT đi qua. Vì vậy yêu cầu đặt ra là phải xem xét, tổ chức lại theo hướng tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho BRT, đồng thời cũng xem xét đến nhu cầu thực tế của một số loại phương tiện khác, đặc biệt với xe cứu nạn, cứu hộ, xe công vụ...” – ông Hải nói.

Sẽ cho xe khác đi chung làn BRT

Mới đây, Sở Giao thông vận tải (GTVT) Hà Nội đề xuất TP Hà Nội tổ chức lại tuyến đường dành riêng xe buýt BRT, cho phép các phương tiện lưu thông vào làn đường này gồm xe vận tải khách khối lượng lớn từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường. Đề xuất trên nhằm giảm thiểu ùn tắc giao thông, đồng thời tăng hiệu quả khai thác hệ thống hạ tầng giao thông trên tuyến đường có xe buýt BRT đi qua.

Theo Sở GTVT Hà Nội, xe buýt BRT chạy trên trục xuyên tâm, tập trung các phương tiện ra - vào khu vực trung tâm, lưu lượng các phương tiện tăng cao, đặc biệt vào các khung giờ cao điểm gây ra tình trạng ùn ứ giao thông tại các nút giao làm giảm hiệu quả hoạt động của tuyến buýt nhanh BRT.

Ông Hải cho rằng, đề xuất trên được đưa ra do nhận thấy tần suất hoạt động của xe buýt BRT hiện nay chưa bao phủ hết các khung giờ, giãn cách giữa các lượt xe rất lớn, tạo nên khoảng trống khiến nhiều phương tiện khác xâm phạm làn BRT.

Mặt khác với mặt cắt ngang của làn đường dành riêng BRT là 3,5m thì xe vận tải khối lượng lớn có thể lưu thông qua khá thuận lợi. Nếu cho sử dụng chung vừa có thể góp phần giảm áp lực cho giao thông chung trên tuyến, vừa giảm thiểu hiện tượng lấn làn do khoảng trống quá lớn.

Hiện nay đường Tố Hữu và Lê Văn Lương chỉ có 2 làn xe mỗi bên, 1 làn còn lại nhường cho buýt nhanh BRT. Giờ cao điểm sáng từ 7h - 8h15 sáng đường tắc nghiêm trọng vì lưu lượng phương tiện giao thông cá nhân đổ ra đường. Bởi vậy, ngay khi có thông tin về đề xuất cho phép xe cá nhân đi vào làn BRT, rất nhiều người dân tỏ ra đồng tình.

Anh Hoàng Long (ở Văn Khê, Hà Đông) chia sẻ, cảnh ùn tắc trên tuyến đường Tố Hữu, Lê Văn Lương diễn ra quanh năm. Đến buổi tối muộn, đường vắng cũng không dám đi vào làn BRT vì sợ bị phạt nguội. Bực mình nhất là chờ 2 lượt đèn đỏ mới đi qua được ngã tư, trong khi làn BRT thì bỏ trống.

Còn anh Phan Anh Dũng (toà nhà Intracom, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm) cũng bức xúc cho rằng, những lúc đường đông, nhìn bên tuyến BRT đầy khoảng trống còn bên này thì ô tô chen chúc, lại thấy lãng phí...

Tuyến buýt nhanh BRT01 không phát huy được công năng sử dụng như kỳ vọng. Ảnh: Quang Vinh

Bỏ có nghĩa là xóa sổ?

Tuyến xe buýt BRT vào năm 2021 từng bị Thanh tra Chính phủ chỉ ra nhiều sai phạm khi gây thất thoát ngân sách 43,5 tỷ đồng. Một số chuyên gia cũng chỉ ra rằng, sai lầm của việc xây dựng dự án BRT là áp dụng nguyên mẫu dự án của nước ngoài, nhưng không thay đổi cho phù hợp với thực tiễn giao thông Việt Nam, dẫn đến lãng phí. Ngay từ việc chọn làn, chọn tuyến đã bộc lộ tính thiếu hợp lý. Việc chọn lộ trình Kim Mã - Yên Nghĩa để thí điểm là chưa phù hợp bởi hướng tuyến này tuy có mật độ dân cư lớn, song quỹ đất dành cho giao thông lại rất eo hẹp, trên tuyến có quá nhiều giao cắt.

Trong khi đó, theo nhận định của ông Nguyễn Trọng Thông - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải hành khách công cộng Hà Nội khi chia sẻ với báo giới, hiện BRT chưa đạt được như kỳ vọng, khai thác tần suất chưa cao nên để tránh bức xúc trong công luận, tuyến này có thể được đề xuất cho thêm phương tiện đi chung.

Cũng theo ông Thông, cơ quan chức năng có thể cho phép xe cứu thương, cứu hoả đi vào tuyến đường này vì đây là trường hợp đặc biệt liên quan đến tính mạng con người. Những xe khác như: xe khách, xe buýt thường nếu cho phép đi chung làn sẽ cản trở tốc độ của xe buýt nhanh. Đặc biệt giờ cao điểm, trong một làn nhỏ, hàng chục chiếc xe buýt thường, xe chở khách đi vào làn BRT, có thể dẫn đến ùn tắc, khó tiếp cận nhà chờ, biến làn BRT thành “làn rồng rắn”. Vì thế, đề xuất nói trên là bước lùi và dần đi đến xoá bỏ BRT, đồng thời xoá bỏ luôn quan điểm ưu tiên phương tiện giao thông công cộng.

GS.TS Từ Sỹ Sùa - Giảng viên Đại học Giao thông vận tải:

Có thể cho các loại xe ưu tiên hoạt động trên làn BRT

BRT ra đời chỉ sau tàu điện ngầm (tàu điện ngầm 1963, BRT năm 1974) và được mệnh danh là Metro trên cạn. Theo thống kê, có 190 thành phố trên thế giới có BRT. Bản chất BRT là rất tốt nhưng bất cập là không đồng bộ về hạ tầng nên hiệu quả không cao. Còn về hạn chế của BRT, thực ra các nước trên thế giới cũng đều có những hạn chế như ở Việt Nam.

Theo quan điểm của tôi, hiện nay chúng ta chưa đủ lượng hành khách để triển khai BRT nên chạy sẽ gây lãng phí. Bởi vậy, tôi đồng tình với đề xuất cho một số loại hình phương tiện giao thông lưu thông vào làn BRT để tăng công suất sử dụng. Tuy nhiên, giải pháp hợp lý nhất theo tôi có thể cho xe taxi, xe chữa cháy, xe cứu thương và các loại xe ưu tiên được hoạt động trên làn BRT.

Ông Nguyễn Văn Thanh - nguyên Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam:

Một đề xuất hợp tình nhưng bất hợp lý

Để giảm thiểu ùn tắc trên tuyến, Sở GTVT Hà Nội đề xuất TPHà Nội cho phép các phương tiện như xe khách từ 24 chỗ trở lên, các loại xe công vụ, xe cứu nạn, xe buýt thường được phép lưu thông trên làn dành riêng cho BRT. Đây không phải lần đầu tiên có đề xuất cho phép chia sẻ làn riêng BRT cho phương tiện khác. Từ năm 2018, khi tuyến buýt nhanh đầu tiên của Hà Nội vận hành, đã có ý kiến về việc cho phép buýt thường được đi chung với làn BRT. Sau đó cũng từng có đề xuất nghiên cứu cho phép buýt thường được sử dụng làn đường dành riêng cho BRT từ 4 giờ - 23 giờ hàng ngày, các phương tiện khác được sử dụng làn riêng cho BRT từ 23 giờ - 4 giờ ngày hôm sau. Tuy nhiên, sau đó Sở GTVT chỉ cho phép buýt nhanh và buýt thường đi chung làn qua một số nút giao ở đoạn ngắn nhằm thoát ùn tắc nhanh hơn, không phải chạy dọc hành lang.

Việc cho phép xe khác đi vào làn riêng buýt nhanh BRT là hợp tình nhưng bất hợp lý. Dù trước mắt sẽ có thêm làn lưu thông cho phương tiện khác, song buýt nhanh hoạt động trên đặc điểm có làn riêng, nếu các phương tiện khác lưu thông hỗn hợp vào thì không còn là buýt nhanh nữa.

H.H – M.S(Ghi)

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tuyến xe buýt nhanh BRT: Bỏ thì thương vương thì tội

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO