Tỷ giá tăng nóng trở lại

H.Hương – M.Sang 16/09/2022 08:18

Trong những ngày qua, tỷ giá đồng USD tăng mạnh. Điều này khiến doanh nghiệp (DN) hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu của Việt Nam gặp nhiều khó khăn.

Giá USD đang tăng mạnh và đứng ở mức giá cao nhất trong vòng 20 năm qua. Nhiều khả năng, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tiếp tục tăng lãi suất vào cuối tháng 9 này càng gây áp lực lên tỷ giá. Ông Trương Văn Phước - nguyên Quyền Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia cho rằng, có thể ngày 21/9 này Mỹ tiếp tục tăng lãi suất. Việc tăng lãi suất suy cho cùng phục vụ cho việc tăng tỷ giá. Ông Phước đề nghị, Việt Nam cần tiếp tục kiên định sự ổn định của tỷ giá. Nếu không cho đồng Việt Nam tăng giá thì thôi chứ không để cho đồng Việt Nam giảm giá.

Tuy nhiên, nhiều ý kiến khác cũng đã nhận định, nguồn cung ngoại tệ sẽ tích cực hơn theo yếu tố mùa vụ, đến từ hoạt động xuất nhập khẩu và kiều hối nhưng sức ép lên tỷ giá vẫn còn, có thời điểm VND có thể mất 2,5-3% so với USD. Tình hình có thể sẽ dịu bớt vào cuối năm, khi đà tăng lãi suất của FED có thể đi vào giai đoạn cuối và rủi ro về tăng trưởng/lạm phát của kinh tế thế giới có thể được nhìn nhận rõ ràng hơn.

Tỷ giá biến động, chắc chắn ảnh hưởng hoạt động của doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Với những quốc gia đang giảm giá mạnh đồng nội tệ trước sức ép của USD, giá hàng hóa của các nước này sẽ rẻ hơn rất nhiều so với hàng hóa nhập khẩu. Những mặt hàng xuất khẩu của Việt Nam từ dệt may, thủy sản, nông nghiệp... đều là hàng thiết yếu nhưng lại dễ bị thay thế nếu giá bán cao hơn.

Theo ông Đỗ Hà Nam - Phó Chủ tịch Hiệp hội Cà phê - Ca cao Việt Nam, các thị trường xuất khẩu cà phê cạnh tranh trực tiếp với Việt Nam như Indonesia, Brazil đều giảm giá mạnh đồng nội tệ tới 30% nhằm hỗ trợ xuất khẩu khi đồng USD tăng. Điều này khiến sản phẩm của Việt Nam trở nên khó cạnh tranh hơn.

Một số DN phần lớn giao dịch xuất khẩu sử dụng đồng USD. Dù xuất khẩu được lợi khi USD tăng giá nhưng giá cước vận tải khi quy đổi cũng tăng lên mức cao, chi phí nhân công tăng… khiến doanh nghiệp phải cân đối lại lợi nhuận. Hơn nữa, tiền tệ biến động khiến tình hình lạm phát ở các thị trường chủ lực của Việt Nam là Mỹ, châu Âu… tăng cao, khiến sức cầu của người dân giảm sút, tạo thành tác động không nhỏ tới tình hình đơn hàng của DN.

Cùng với đó, biến số tỷ giá còn tác động mạnh đến các khoản nợ vay bằng USD của các DN. Tại Hòa Phát ghi nhận lỗ chênh lệch tỷ giá quý 2/2022 lên tới 1.270 tỷ đồng, gấp 6,5 lần cùng kỳ năm ngoái do lượng nguyên liệu nhập khẩu lớn và dư nợ vay bằng USD cao; Lộc Trời có khoản lỗ chênh lệch tỷ giá lên tới 42 tỷ đồng trong nửa đầu năm 2022, gấp 10 lần so với cùng kỳ năm 2021.

TS Lê Xuân Nghĩa - chuyên gia tài chính nhận định: Trong điều hành chính sách tiền tệ, chúng ta phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái. Câu chuyện đặt ra là thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không và nếu không tăng thì đồng nghĩa chúng ta phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái.

Còn GS Hoàng Văn Cường- Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất là áp lực về kiểm soát tỷ giá. Theo ông Cường, Việt Nam không nên phá vỡ tỷ giá đồng tiền mà phải kiên định giữ tỷ giá, nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường.

“Nếu không ổn định được tỷ giá thì có thể dẫn đến nguy cơ dự trữ ngoại tệ chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp. Khi đó chúng ta sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ”- ông Cường nêu rõ.

Rõ ràng, câu chuyện tỷ giá trong bối cảnh hiện nay đang cần sự điều hành của các cơ quan quản lý, để làm sao giải quyết hài hòa giữa kiểm soát lạm phát và chống được suy thoái kinh tế. Do đó, các chuyên gia nhấn mạnh, Việt Nam cần sự phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tỷ giá tăng nóng trở lại

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO