Ứng dụng công nghệ cao phát triển cây cà phê

Phương Lan 30/09/2015 09:41

Cây cà  phê được đánh giá là cây công nghiệp chủ lực của vùng đất Tây Nguyên nhưng nhiều năm qua, việc đầu tư ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất cà phê vẫn chưa xứng với tiềm năng.

Ứng dụng công nghệ cao phát triển cây cà phê

Hướng dẫn người dân trồng cà phê theo công nghệ mới

Theo Bộ NN và PTNT, cả nước hiện có trên 640.000ha cà phê, tập trung ở vùng Tây Nguyên. Với sản lượng trên 1,6 triệu tấn cà phê nhân/năm, Việt Nam đang là nước xuất khẩu cà phê đứng thứ hai thế giới, và là quốc gia dẫn đầu về sản xuất cà phê Robusta, chiếm gần 1/5 tổng sản lượng cà phê toàn cầu. Cà phê nước ta đã xuất khẩu đến hơn 60 nước và vùng lãnh thổ với kim ngạch đạt 3,4 tỷ USD. Hàng năm, ngành cà phê không những đóng góp vào sự tăng trưởng kinh tế của đất nước (chiếm khoảng 2% GDP) mà còn là nguồn thu chủ yếu của 540.000 hộ gia đình nông dân trồng cà phê, với trên 1,6 triệu lao động. Vì vậy, phát triển cây cà phê bền vững là hướng đi của vùng đất Tây Nguyên.

Tuy nhiên, ông Trần Đức Thanh, Phó vụ trưởng Vụ Kinh tế (Ban chỉ đạo Tây Nguyên) cho biết: Hiện nay, cà phê Tây Nguyên đang đứng trước những thách thức lớn trong quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Sự tăng nhanh không theo quy hoạch về diện tích dẫn đến rừng bị tàn phá, đất đai thoái hoá; năng suất, sản lượng tăng nhưng chất lượng sản phẩm chưa cao, sức cạnh tranh trên thị trường thế giới thấp, hiệu quả kinh doanh mang lại còn ở mức thấp. Mặc dù có sản lượng càphê Robusta đứng đầu thế giới nhưng Việt Nam vẫn chưa chủ động được thị trường tiêu thụ. Mặt khác, môi trường sinh thái trong vùng trồng và chế biến cà phê ngày càng bị ô nhiễm và mất tính ổn định, bền vững. Bên cạnh đó, diện tích cà phê già cỗi năng suất thấp tăng nhanh, song việc tái canh đang gặp khó khăn, là vấn đề nan giải của các tỉnh Tây Nguyên nói chung và của ngành cà phê nói riêng; mặt khác việc giải quyết tái canh cà phê đang là vấn đề cấp bách và rất cần có sự tham gia của nhiều bên liên quan để cùng nhau thúc đẩy ngành cà phê phát triển theo hướng sản xuất và kinh doanh bền vững.

Vùng sản xuất cà phê tập trung của Tây Nguyên (trong đó có Đắk Lắk) mới đây đã được Thủ tướng Chính phủ đưa vào “Quy hoạch vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao” theo chủ trương quy hoạch tổng thể khu và vùng nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao đến năm 2020, định hướng đến năm 2030. Vì vậy, địa phương cần tăng cường hỗ trợ đầu tư cho công tác nghiên cứu sản xuất các loại giống cà phê để kịp thời thay thế tái canh, cải tạo cho diện tích cà phê già cỗi, sâu bệnh, năng suất thấp; đẩy mạnh việc hướng dẫn khoa học kỹ thuật, chuyển giao công nghệ cao trong canh tác cà phê cho nông dân thông qua việc tổ chức tập huấn, hướng dẫn sử dụng phân hữu cơ sinh học để bón cho cà phê, phòng trừ sâu bệnh hại bằng các loại thuốc sinh học; hỗ trợ đầu tư công nghiệp chế biến cà phê (ứng dụng công nghệ sơ chế ướt, phát triển lò sấy cà phê cho những vùng có diện tích cà phê lớn, tăng cường ứng dụng enzym trong chế biến, phân loại hạt…). Để thực hiện hiệu quả các giải pháp ứng dụng công nghệ cao đồng bộ trên diện rộng đối với cà phê, chính quyền địa phương cần tăng cường hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực có chuyên môn về công nghệ cao trên cà phê; lựa chọn, giao việc quản lý, chỉ đạo, giám sát việc ứng dụng công nghệ cao (từ khâu sản xuất, phân phối, chế biến, giá cả cho đến tìm thị trường xuất khẩu…) cho cơ quan hoặc đơn vị được đào tạo chuyên sâu, bài bản; xây dựng kế hoạch cụ thể cho từng giai đoạn triển khai, từng đơn vị, địa phương có diện tích cà phê đáp ứng các yêu cầu cần ứng dụng.

Khi việc ứng dụng công nghệ cao vào phát triển sản xuất cà phê tại Đắk Lắk và các tỉnh Tây Nguyên được giải quyết, năng suất cây cà phê, chất lượng, giá trị và hiệu quả kinh tế, sẽ góp phần đẩy nhanh việc tái cơ cấu nông nghiệp cho vùng đất này.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng công nghệ cao phát triển cây cà phê

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO