Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền tại địa bàn dân cư

Quốc Định 16/05/2019 16:50

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, thời gian tới ở mỗi địa bàn dân cư cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chọn những vấn đề cần ưu tiên trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin như zalo, facebook…để tuyên truyền, việc này dễ thực hiện, không tốn kém nhưng đem lại hiệu quả nhanh…

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền tại địa bàn dân cư

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài trao đổi với các đại biểu tại Hội nghị.

Ngày 16/5, tại thành phố Tân An, tỉnh Long An, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường tổ chức Hội nghị tập huấn triển khai chương trình toàn dân tham gia bảo vệ môi trường và ứng phó với biến đổi khí hậu (BVMT&ƯPBĐKH) năm 2019 cho cán bộ Mặt trận cấp tỉnh, cấp xã và khu dân cư của 15 tỉnh phía Nam.

Tham dự Hội nghị có ông Phùng Khánh Tài, Phó Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam; ông Nguyễn Văn Hiền, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Long An; lãnh đạo Ban Tuyên giáo (UBTƯ MTTQ Việt Nam); đại diện Tổng cục Môi trường, Bộ Tài nguyên và Môi trường.

Đặc biệt, Hội nghị thu hút hơn 100 đại biểu là Phó Chủ tịch, Uỷ viên Ban Thường trực, trưởng, phó các Ban của Ủy ban MTTQ cấp tỉnh, đại diện Ban thường trực mặt trận cấp xã và Ban công tác Mặt trận khu dân cư.

Hội nghị tập huấn nhằm tiếp tục phát huy vai trò, trách nhiệm của MTTQ Việt Nam các cấp trong việc tăng cường giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân về công tác BVMT&ƯPBĐKH. Bổ sung, trang bị thêm kiến thức cho cán bộ Mặt trận các cấp nắm vững và tuyên truyền vận động nhân dân thực hiện các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về quản lý, sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, BVMT&ƯPBĐKH trong thời kỳ mới.

Phát huy vai trò của MTTQ Việt Nam và các tổ chức thành viên trong việc giám sát thực hiện chính sách, pháp luật và khai thác tài nguyên, BVMT&ƯPBĐKH. Đồng thời, tiếp tục xây dựng mới và nhân rộng các mô hình, điển hình của cộng đồng dân cư, các tổ chức tôn giáo tham gia BVMT&ƯPBĐKH.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền tại địa bàn dân cư - 1

Các đại biểu dự Hội nghị.

Tại buổi tập huấn, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài cho biết, từ năm 2006 đến nay, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã chỉ đạo trển khai xây dựng các mô hình điểm Khu dân cư bảo vệ môi trường. Đến nay, 63/63 tỉnh, thành phố trong cả nước đã xây dựng các mô hình điểm và nhân rộng, đó là các mô hình: “Lồng ghép nhiệm vụ BVMT&ƯPBĐKH trong Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”; mô hình “Khu dân cư tự quản bảo vệ môi trường gắn với Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh” và mô hình "Khu dân cư thực hiện hài hoà giảm nghèo bền vững và bảo vệ môi trường" gắn với nhiệm vụ ứng phó với biến đổi khí hậu. Hiện đang duy trì, xây mới và nhân rộng mô hình điểm "vận động nhân dân ở khu dân cư thực hiện tang văn minh, tiến bộ và bảo vệ môi trường”.

Chỉ tính trong 3 năm từ 2017 đến 2019, UBTƯ MTTQ Việt Nam đã hỗ trợ dựng mới được 294 mô hình tại 50 tỉnh, thành phố. Từ những mô hình trên, đã có nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động thiết thực về bảo vệ môi trường được hình thành ở các địa bàn dân cư. Các hoạt động thông tin, tuyên truyền về nội dung bảo vệ môi trường được duy trì thường xuyên, có tác dụng tích cực, tạo thành phong trào trên địa bàn, giúp người dân xây dựng “thói quen tốt” về bảo vệ môi trường.

Hoạt động tự quản ở khu dân cư trong đó có hoạt động tự quản bảo vệ môi trường, đây là một trong các tiêu chí thực hiện Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới, đô thị văn minh”, qua đó đã phát huy được vai trò của các cá nhân, hộ gia đình và cộng đồng dân cư tự giác tham gia vào các hoạt động bảo vệ môi trường.

Qua đó đã hình thành được thói quen, trách nhiệm giám sát và tự giám sát thực hiện các quy định bảo vệ môi trường tại cộng đồng dân cư.

Theo Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài, ô nhiễm môi trường và biến đổi khí hậu là vấn đề toàn cầu, đã và đang thách thức nghiêm trọng đối với toàn nhân loại trong thế kỷ 21, và Việt Nam không là ngoại lệ. Bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu là một trong những nhiệm vụ quan trọng hàng đầu của cả hệ thống chính trị; là trách nhiệm và nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp và cộng đồng dân cư. Dự báo, Việt Nam là một trong những nước chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của biến đổi khí hậu, đứng thứ 5 trên toàn cầu về thiệt hại do biến đổi khí hậu mà như chúng ta đã biết tình hình mưa lũ, lũ quét, sạt lở đất tại một số tỉnh miền núi phía Bắc, hay như tình hình sạt lở tại các tỉnh ở đồng bằng sông Cửu Long trong thời gian qua.

Hội nghị tập trung nghiên cứu và thảo luận những kinh nghiệm và những cách làm hay, sáng tạo trong xây dựng mô hình điểm BVMT&ƯPBĐKH ở khu dân cư; những khó khăn, vướng mắc trong xây dựng mô hình điểm; việc thu gom, xử l‎ý rác thải tại cộng đồng dân cư; hưởng ứng thư kêu gọi của Thủ tướng Chính phủ trong việc hạn chế dùng túi ni lông sử dụng một lần và ưu tiên sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường; khả năng thích ứng với biến đổi khí hậu (chuyển đổi cơ cấu mùa vụ, cây con, đời sống sinh hoạt) ở cộng đồng dân cư trên địa bàn các tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long; việc giám sát BVMT&ƯPBĐKH của Mặt trận cơ sở.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền tại địa bàn dân cư - 2

Quang cảnh Hội nghị.

Phát biểu tổng kết Hội nghị, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đánh giá cao những chia sẻ về những kinh nghiệm, cách làm hay như vận động người dân thực hiện lễ tang văn minh, không để lâu, làm ô nhiễm môi trường; Mô hình bảo vệ rừng, trồng cây xanh; Phân loại rác thải; Giám sát mô hình tự quản, vận động các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường; trong đó.

Phó Chủ tịch đánh giá cao Mô hình xử lý rác theo giờ, đây là hoạt động khó khăn bởi không phải gia đình nào cũng có thời gian rảnh vào một lúc nhưng ở phường Phú Cường, TP Thủ Dầu Một (Bình Dương) đã làm được. Hay ở ấp 6, xã An Phước, Long Thành (Đồng Nai) đưa khẩu hiệu “Không bỏ rác đúng quy định, không phải là người dân của ấp” đã có hiệu quả tích cực, làm cho người dân tự giác hơn.

“Qua kinh nghiệm trao đổi hôm nay, tôi tin chắc đó là những việc làm thật; các phong trào đều thu hút được người dân làm theo đã có tác dụng tích cực”, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài nhấn mạnh.

Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị, thời gian tới ở mỗi địa bàn dân cư cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, chọn những vấn đề cần ưu tiên trên địa bàn, ứng dụng công nghệ thông tin như zalo, facebook…để tuyên truyền, việc này dễ thực hiện, không tốn kém nhưng đem lại hiệu quả nhanh; đồng thời nhân rộng các mô hình điển hình hay, các mô hình sáng tạo; xây dựng các quy ước, hương ước về bảo vệ môi trường, và ký cam kết bảo vệ môi trường; tăng cường công tác giám sát, làm sao để nhân dân tham gia tự nguyện thì mới bền lâu.
Bên cạnh đó, ông Phùng Khánh Tài cũng đề nghị công tác phân loại, xử lý rác; phát động vệ sinh đường làng, ngõ xóm; xây dựng môi trường cảnh quan đẹp, chính môi trường sạch đẹp sẽ nâng cao ý thức người dân, họ không còn xả rác nữa.

Đối với các cấp Trung ương, cấp tỉnh, Phó Chủ tịch Phùng Khánh Tài đề nghị, cần ký kết thực hiện các chương trình bảo vệ môi trường; quan tâm hỗ trợ xây dựng mô hình, tài liệu tuyên truyền, chỉ đạo các sở, các phòng phối hợp với Mặt trận thực hiện chu đáo, hiệu quả .

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng dụng công nghệ thông tin trong công tác tuyên truyền tại địa bàn dân cư

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO