Ứng phó để làm đẹp lòng dư luận

Cẩm Anh 05/12/2020 09:00

Nói không ngoa rằng càng ngày trong không ít trường hợp các cơ quan nhà nước đang tỏ ra hết sức lúng túng khi làm chính sách chạy theo dư luận hoặc thực thi chức trách lái theo dư luận.

Ứng xử của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong câu chuyện quanh bộ sách giáo khoa Cánh diều là khó chấp nhận.

Lấy ý kiến nhân dân vào các dự thảo văn bản là bước chuẩn bị đúng trong quá trình soạn thảo chính sách. Nhưng sau đó, sau khi đã tiếp thu ý kiến dư luận thì văn bản đã ban hành phải được đảm bảo đủ sự cẩn trọng, đủ căn cứ khoa học. Nó không thể là sự cẩu thả thiếu trách nhiệm trong quá trình biên soạn dẫn đến tình trạng vừa ban hành xong dư luận đã phát hiện ra rất nhiều lỗi hoặc sự bất cập hoặc tính thiếu khả thi. Và trước sức ép dư luận cơ quan quản lý nhà nước lại vội vã thu hồi hoặc chỉnh sửa.

Ở đây đang đề cập đến tình trạng đúng là văn bản ban hành cẩu thả, sai sót, thiếu tính khoa học và thực tiễn khiến dư luận bức xúc. Nhưng còn tình trạng rất nhiều khi ý kiến bức xúc của dư luận chưa hẳn đã đúng bởi vì có nhiều vấn đề được nhìn nhận dưới nhiều góc độ khác nhau và cơ quan quản lý nhà nước có lý để đưa ra những qui định như vậy. Tuy nhiên, điều đáng ngạc nhiên là ở nhiều bộ ngành hoặc cơ quan nhà nước, hễ cứ thấy dư luận có ý kiến là vội vã điều chỉnh, thay vì bảo vệ các luận điểm đúng đắn dưới góc độ quản lý nhà nước.

Nói không ngoa rằng càng ngày trong không ít trường hợp các cơ quan nhà nước đang tỏ ra hết sức lúng túng khi làm chính sách chạy theo dư luận hoặc thực thi chức trách lái theo dư luận.

Thời điểm của năm 2020 dịch bệnh khó khăn, bão lụt liên miên này chả lẽ không tác động đến suy nghĩ của những người làm chính sách ở Bộ Giáo dục và Đào tạo khiến họ vẫn thản nhiên đưa ra một dự thảo nghị định về đề xuất tăng học phí. Có vẻ như là những người thực hiện theo một lập trình dựng sẵn rằng đến thời điểm đó thì đưa ra theo kế hoạch đã trở thành người máy. Một dự thảo nghị định chỉ tồn tại 1 ngày rồi vội vã xin rút cho thấy có những công chức đang làm việc cực kỳ thiếu trách nhiệm.

Cũng Bộ Giáo dục và Đào tạo trong câu chuyện ứng xử với dư luận về bộ sách giáo khoa Cách diều là cực kỳ đáng trách. Có nhiều năm để chuẩn bị cho Đổi mới căn bản và toàn diện nền giáo dục, có cả một bộ máy gồm nhiều ban bệ hội đồng được thành lập để biên soạn chương trình và thẩm định sách giáo khoa. Nhưng kết quả là ngay từ những buổi học đầu tiên của lớp học mở đầu cho lộ trình đổi mới chương trình – sách giáo khoa, một bộ sách trong số nhiều bộ sách đã được thẩm định đủ tiêu chuẩn đưa vào giảng dạy vấp phải phản ứng dữ dội từ dư luận. Ở đây chúng tôi xin phép không bàn tới việc bộ sách Cánh diều đúng hay sai, hay dở thế nào mà chỉ bàn tới ở góc độ là cơ quan quản lý nhà nước, ứng xử của Bộ Giáo dục và Đào tạo trong câu chuyện này là khó chấp nhận.

Trước hết đó là đáng lẽ ngay từ đầu các bộ sách giáo khoa phải được thẩm định cực kỳ cẩn trọng, đảm bảo thấp nhất các sai sót. Không thể cho phép một sản phẩm cẩu thả không đạt yêu cầu để đưa vào trường học. Trong trường hợp các nhà biên soạn sách, hội đồng thẩm định và cơ quan quản lý nhà nước cho rằng bộ sách ấy là đúng đắn, hợp lý và ý kiến dư luận là do chưa hiểu ý đồ của triết lý giáo dục mới, của mục tiêu chương trình mới thì phải bảo vệ đến cùng bằng các lý lẽ khoa học thuyết phục. Chứ không phải như cách ứng xử vừa qua là trước sức ép dư luận đã vội vàng đề xuất sửa chỉ cốt để dẹp yên dư luận. Trong khi đáng lẽ, Bộ cần có một hội đồng khoa học thẩm định, đánh giá lại một cách cẩn trọng nhất, trả lời được trước dư luận xã hội chỗ nào đúng là sai sót, chỗ nào là ý đồ của các nhà biên soạn sách mà có khi dư luận chưa hiểu hết. Rồi từ đó mới đưa đến quyết định rằng nên sửa bộ sách Cánh diều như thế nào, có thể sửa để tiếp tục học không, hay thậm chí nó có thể bị loại vì không đạt yêu cầu. Tất cả những việc này đề cần đến khoa học, cần đủ sự cẩn trọng và bình tĩnh, nó không phải là việc ứng phó để chỉ cốt đẹp lòng dư luận.

Giáo dục là lĩnh vực liên quan đến mọi người mọi nhà, ai cũng thấy như mình có đủ hiểu biết về nó và ai cũng tự cho mình có thể phán xét về nó. Trong rất nhiều ý kiến phán xét về chương trình, về sách giáo khoa, về giáo dục vẫn xuất hiện trên mạng xã hội mỗi ngày không phải ý kiến nào cũng khoa học, cũng xác đáng, cũng đúng đắn. Việc của cơ quan quản lý nhà nước là thực hiện trách nhiệm bằng những giải pháp căn cơ, những chiến lược dài hơi, bằng khoa học và trách nhiệm, dám chịu trách nhiệm đến cùng trước mỗi quyết định đưa ra chứ không phải là sự vội vàng đối phó với dư luận.

Tình trạng này của Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng tương tự ở lĩnh vực văn hóa. Luôn luôn là tình trạng hôm trước mạng xã hội và báo chí ồn ã chuyện gì, y rằng vài ngày sau Bộ Văn hoá, Thể thao và Du lịch (VHTTDL) sẽ phát đi một công văn “chấn chỉnh”. Tới mức cách đây không lâu, khi tỉnh Yên Bái đã chủ động xin rút không tham gia đăng ký xác lập kỷ lục đối với vòng đại xoè, Bộ vẫn gửi công văn đề nghị xem xét, cân nhắc. Nghĩa là văn bản của Bộ xuất hiện khi địa phương đã “xin thôi”.

Nếu tìm kiếm trên mạng cụm từ “Bộ VHTTDL vào cuộc/đề nghị/xác minh/yêu cầu…”, sẽ rất dễ dàng tìm thấy những “ứng xử” có vẻ như rất kịp thời của ngành văn hoá. Nhất là với những việc mà trên mạng xã hội đang trở thành chủ đề bàn tàn ồn ào. Tất nhiên điều này là đáng hoan nghênh khi chứng tỏ Bộ đã lắng nghe dư luận. Ví dụ như Bộ đã vào cuộc rất nhanh những vụ như để lọt “đường lưỡi bò” trong một số sản phẩm văn hoá – du lịch, đèo Mã Pí Lèng, “thỉnh vong giải nghiệp ở chùa Ba Vàng”, nhà thờ Bùi Chu, bức tranh “Vườn xuân Trung Nam Bắc” xuống cấp, “quản lý chặt doanh nghiệp lữ hành quốc tế”… đến cả những vụ việc như “yêu cầu xác minh hình ảnh người mẫu mặc bikini phản cảm trên chuyến bay chở U23 Việt Nam”, vụ cô ca sĩ Ariana Grande hủy show… Ồn ào nào cũng chỉ vài ngày sau Bộ VHTTDL đã phải kịp thời ra công văn chỉ đạo.

Trong số ấy có nhiều việc là những tình huống mới phát sinh của đời sống mà đúng là trước đó có thể chúng ta chưa lường trước được. Sự chỉ đạo kịp thời, xử lý kịp thời, sự lên tiếng kịp thời và những giải pháp đưa ra kịp thời là rất đáng hoan nghênh. Nhưng nói gì thì nói, ở góc độ quản lý nhà nước đó vẫn chỉ là những giải pháp tình thế được đưa ra nhằm đối phó với một tình huống mới. Khi những công văn mang tính “vào cuộc”, “chấn chỉnh” của cơ quan quản lý nhà nước xuất hiện với tần xuất quá nhiều nó trở thành một câu chuyện khác, khiến có cảm giác rằng các bộ ngành luôn chạy theo để đối phó với dư luận ồn ào hơn là những việc thực hiện chức năng của mình một cách căn cơ, bền vững.

Chưa kể rằng trong rất nhiều trường hợp, không phải lần nào sự ồn ào của dư luận cũng hoàn toàn chính đáng. Nếu tiếp tục bị chi phối bởi dư luận, chúng ta sẽ hết sức bị động trong quản lý. Có những việc rất không đáng để “vào cuộc” chỉ vì dư luận, các bộ ngành lại trở thành “nhạy cảm” quá mức. Nhiều việc khác, quan trọng, mà ít người quan tâm, có khi lại bị xem nhẹ đi.

Tôn trọng dư luận, lắng nghe dư luận không có nghĩa là thụ động chờ việc xảy ra rồi “vào cuộc” kịp thời bằng cách phát đi những văn bản, công văn “chấn chỉnh”. Cần phát hiện chỗ nào là kẽ hở của luật pháp, ở đâu có những khả năng sẽ nảy sinh các tình huống… để kịp thời bổ sung tạo ra một môi trường cho xã hội phát triển lành mạnh mà không lệch hướng. Ngay cả trong các tình huống mới phát sinh, cần bình tĩnh đưa ra các giải pháp phù hợp. Đó mới cần vai trò quản lý nhà nước. Đừng chỉ biết đưa ra chính sách rồi thấy dư luận ý kiến thì lại “xin rút” hay chạy theo những chuyện bề nổi tức thời như phát đi một công văn chấn chỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng phó để làm đẹp lòng dư luận

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO