Ứng xử văn minh với di tích

Phạm Sỹ 09/08/2022 08:29

Hà Nội nổi tiếng với nhiều di tích danh thắng. Vì vậy, việc xây dựng văn hóa ứng xử văn minh tại các di tích góp phần thể hiện sự trân trọng với các di sản và trở thành điểm đến hấp dẫn. Tuy nhiên, cái đẹp đó chưa thể trọn vẹn khi ở đâu đó vẫn còn xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại.

Hướng dẫn khách tham quan Văn Miếu - Quốc Tử Giám.

Hà Nội là một trong những địa phương dẫn đầu cả nước về số lượng di tích có trên địa bàn. Cụ thể, toàn TP Hà Nội hiện có 5.922 di tích được kiểm kê; trong đó có 1 di sản văn hóa thế giới, 21 cụm di tích quốc gia đặc biệt, 1.160 di tích quốc gia, 1.456 di tích cấp thành phố.

Vấn đề xây dựng văn hóa ứng xử tại các di tích ở Thủ đô đang được chú trọng, nhằm góp phần tạo sự văn minh cho những người quản lý di tích, người dân đến chiêm ngưỡng cùng với đó là thể hiện sự trân trọng với di sản.

Điển hình trong phong trào xây dựng, hình thành nét văn hóa ứng xử văn minh với di tích ở Thủ đô là cuộc phát động triển khai mô hình quy tắc ứng xử “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” đến toàn bộ các di tích trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm (Hà Nội). 13 phường trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm đã ký cam kết hưởng ứng thực hiện.

Phó Chủ tịch UBND quận Bắc Từ Liêm Lê Thị Thu Hương khẳng định: Việc tổ chức phát động điểm mô hình “Di tích lịch sử văn hóa - Điểm đến an toàn, hấp dẫn” được nhân rộng đến các phường trên địa bàn quận là sự tiếp nối các hoạt động nhằm xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh, xây dựng hình ảnh di tích lịch sử, điểm đến an toàn, hấp dẫn.

Không chỉ các di tích trên địa bàn quận Bắc Từ Liêm xây dựng ứng xử văn hóa mà tại nhiều di tích khác trên địa bàn TP Hà Nội cũng triển khai như: Di tích đền Ngọc Sơn cho khách mượn áo choàng khi vào tham quan, chiêm bái, tránh trường hợp khách mặc quần áo không phù hợp vào di tích. Tại di tích Văn Miếu - Quốc Tử Giám, cán bộ, nhân viên ân cần, thân thiện hướng dẫn khách tham quan…

TS. Nguyễn Viết Chức - Chủ tịch Hội đồng quản lý Viện nghiên cứu Văn hóa Thăng Long cho rằng, sự chuyển biến này là thành quả của quá trình tuyên truyền, vận động của ngành văn hóa, các địa phương cũng như những người quản lý di tích. Điều đó cũng góp phần giữ gìn, bảo tồn di sản bền vững với thời gian.

Tuy nhiên, thời gian qua vẫn xảy ra tình trạng di tích bị xâm hại dưới nhiều hình thức khiến dư luận bức xúc. Điển hình như tại đền Sóc thuộc phường Xuân Tảo, quận Bắc Từ Liêm vẫn đang diễn ra tình trạng sử dụng đất di tích để trục lợi trong suốt nhiều năm gây bức xúc cho người dân. Được biết, sau khi báo chí phản ánh, UBND quận Bắc Từ Liêm đã tiến hành kiểm tra để có hướng xử lý.

Liên quan đến vấn đề này, mới đây Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTTDL) cũng đã có văn bản gửi Sở Văn hóa và Thể thao TP Hà Nội đề nghị chỉ đạo cơ quan chức năng phối hợp với chính quyền địa phương kiểm tra thực tế tại di tích đền Sóc, làm rõ trách nhiệm quản lý, bảo vệ di tích. Đồng thời đề xuất biện pháp xử lý, báo cáo UBND TP Hà Nội và Bộ VHTTDL.

Hay như vụ việc chặt cây, phá tường khu vực 2 di tích Quốc gia chùa Vàng, xã Cổ Bi (huyện Gia Lâm, Hà Nội) diễn ra từ cuối năm 2020 nhưng đến nay vẫn chưa được UBND huyện Gia Lâm xử lý dứt điểm…

Không chỉ tồn tại tình trạng xâm phạm di tích mà tình trạng viết, vẽ, bôi bẩn lên di tích làm mất mỹ quan vẫn còn diễn ra...

Di sản văn hóa là tài sản quý của quốc gia, một hành vi thiếu văn hóa hay việc làm mang mục đích trục lợi cũng đồng nghĩa, giá trị cốt lõi của tài sản quốc gia đứng trước nguy cơ biến mất. Chính vì thế, bảo vệ di sản trách nhiệm chung của cả cộng đồng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử văn minh với di tích

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO