Ứng xử với nghệ nhân: Vẫn thiếu chính sách cụ thể

Minh Quân 25/04/2017 08:00

Sau khi “tuýt còi” việc phong danh nghệ nhân và cây di sản, Bộ VHTT&DL cũng đã kịp thời có văn bản cải chính về vấn đề “tên tuổi” của các đơn vị được tổ chức phong tặng danh hiệu. Lâu nay chuyện cơ quan quản lý ra những văn bản vội vàng không phải là hiếm gặp, nhưng liên quan đến việc phong danh, ứng xử với nghệ nhân- việc phong tặng danh hiệu cũng mới là một phần nhỏ trong quá trình bảo tồn và quảng bá giá trị di sản.

Một đội Xoan Phú Thọ. (Ảnh minh họa).

Đi tìm giá trị thực của danh hiệu

Thực tế, trong thời gian vừa qua việc phong danh nghệ nhân dân gian trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể (DSVHPVT) đã bị lạm dụng, tạo ra cảnh “vàng thau lẫn lộn”.

GS.TSKH Tô Ngọc Thanh- Chủ tịch Hội VNDG Việt Nam cho rằng, hiện tượng này là có thật. Lý do, các đơn vị tổ chức sự kiện đã đánh trúng tâm lý “sính” danh hiệu của các cá nhân. Với việc xét tặng danh hiệu Nghệ nhân dân gian, Hội VNDG Việt Nam là đơn vị đầu tiên triển khai, tính đến nay đã trao danh hiệu này cho hơn 600 nghệ nhân, với phần thưởng kèm theo trị giá 1.200.000 đồng/người. Tuy nhiên, trong thời gian qua đã có một số địa phương đề nghị phối hợp với Hội VNDG Việt Nam để trao danh hiệu.

Theo GS Thanh, thường mỗi năm Hội VNDG làm hồ sơ trao danh hiệu cho chừng 20 nghệ nhân, xét trong cả nước với nhiều loại hình tri thức dân gian, trình diễn văn hóa truyền thống… Thế nhưng đã có tỉnh gợi ý Hội VNDG trao danh hiệu cho 30 người của địa phương mình, chỉ cần Hội đồng ý ký bằng chứng nhận, còn kinh phí do địa phương lo.

Trước những bất cập kể trên, ông Thanh đề nghị các cơ quan quản lý văn hóa cần phải nghiêm túc chấn chỉnh tình trạng này. Nếu không quản lý chặt chẽ, sẽ làm mất lòng tin đối với những người đang nắm giữ và phát huy kho báu văn hóa phi vật thể quý giá của dân tộc.

Đảm bảo an sinh cho nghệ nhân

Dưới góc nhìn nghiên cứu DSVHPVT, TS Nguyễn Huy Phòng- Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh nhận định là do sự phát triển mạnh mẽ của mạng internet, mạng xã hội, công nghệ thông tin, truyền thông, truyền hình; quá trình mở cửa, giao lưu quốc tế với nhiều loại hình nghệ thuật mới được du nhập ồ ạt… đã thu hút, chinh phục và lôi cuốn lớp trẻ vào những loại hình nghệ thuật mới, lối sống mới, để rồi nhiều bạn trẻ không mặn mà, thậm chí quay lưng lại với nghệ thuật truyền thống. Bi kịch hơn khi hiện nay nhiều loại hình nghệ thuật không thể hoạt động, cạnh tranh với các loại hình giải trí khác trong cơn lốc của cơ chế thị trường.

Ông Phòng cũng ví dụ trường hợp của Nhà hát Tuồng Trung ương trong hai tháng mới bán được 2 vé cho một người cao niên. Ngoài ra, sân khấu kịch nói, tuồng, chèo, hát bài chòi… đang có nguy cơ mai một vì nhiều lý do bởi sự không mặn mà của công chúng; sự thưa vắng của các nghệ nhân, nghệ sĩ thực thụ; đầu tư của Nhà nước chưa tương xứng; chế độ đãi ngộ cho nghệ sĩ còn nhiều bất cập; thiếu những kịch bản hay…đang là những rào cản sự phát triển của các loại hình nghệ thuật độc đáo này.

Với những bất cập trên, ngoài việc phong danh hiệu hiện tại sẽ chỉ do Bộ VHTT&DL được quyền cấp phép đang đặt nhiều dấu hỏi lớn trong công tác vận hành quản lý. Bởi đối với đội ngũ nghệ nhân thực hành trong lĩnh vực di sản văn hóa phi vật thể thì cần có những chính sách cụ thể. Chưa kể, những người đang trực tiếp thực hành, gìn giữ giá trị của di sản cũng đang ở những độ tuổi không thể tiếp tục “đợi” chờ danh hiệu.

Về nội dung này, ông Phạm Cao Quý- Cục Di sản văn hóa (Bộ VHTT&DL) đã góp ý cho chính sách nhằm đảm bảo an sinh cho nghệ nhân, người thực hành DSVHPVT. Theo đó, cần phải nhận thấy rằng trong suốt thời gian qua, các chính sách của nhà nước ít tác động tới đối tượng này với vai trò là người nắm di sản. Trước tiên cần có chính sách để họ đảm bảo cuộc sống trong đó bao gồm cả việc duy trì sinh hoạt, sức khỏe. Đây có thể coi là cấp độ thấp nhất, tối thiểu nhất trong chu trình chính sách tác động tới nghệ nhân nhằm bảo vệ và phát huy giá trị DSVHPVT mà họ nắm giữ. Chính sách này có thể bằng các nội dung cụ thể như trợ cấp sinh hoạt, cấp/hỗ trợ chăm sóc y tế…nhằm tri ân công lao, công sức nắm giữ, thực hành các di sản DSVHPVT do thế hệ trước để lại.

Đặc biệt, theo ông Quý trước mắt cần có chính sách giúp họ sử dụng, phát huy hiệu quả các tri thức mình đang nắm giữ duy trì, sáng tạo văn hóa, góp phần vào việc thúc đẩy phát triển kinh vế, văn hóa, xã hội chung. Đây được coi là chính sách ở cấp độ khá cao và gần tiếp cập tới sự hoàn thiện về chu trình sáng tạo của con người cá thể, cũng như cộng đồng thực hành và xã hội trong hoạt động bảo vệ, phát huy giá trị DSVHPVT nhìn từ vai trò của người nắm giữ di sản.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với nghệ nhân: Vẫn thiếu chính sách cụ thể

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO