Ứng xử với Uber, Grab: Vẫn những ý kiến trái chiều

Hồ Hương 24/01/2018 08:45

Sáng ngày 23/1, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM) tổ chức Hội thảo Điều kiện kinh doanh vận tải bằng ôtô. Đại diện nhiều doanh nghiệp vận tải đều than rằng, họ bị bó buộc quá nhiều điều kiện kinh doanh; trong khi đó giới chuyên gia cũng nhấn mạnh, chính sách hiện nay vẫn là cần “siết chặt” lại.

Hội thảo tập trung thảo luận về Nghị định của Chính phủ quy định kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Dự thảo Nghị định nhằm thay thế Nghị định 86 được ban hành từ năm 2014 vì thực tế 3 năm qua đã cho thấy nhiều bất cập của Nghị định 86. Mục tiêu của Dự thảo đưa ra là đáp ứng yêu cầu về siết chặt kinh doanh vận tải, kiểm soát tải trọng phương tiện, góp phần lập lại trật tự trong hoạt động vận tải, nâng cao chất lượng dịch vụ và đảm bảo an toàn giao thông.

Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng CIEM cho rằng, Dự thảo Nghị định của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô chưa có tầm nhìn bao quát. Nếu chưa sửa được Luật Giao thông vận tải đường bộ thì phải tách bạch yêu cầu kiểm soát an toàn giao thông với hoạt động kinh doanh vận tải. Không thể vì muốn đạt được mục tiêu an toàn mà đặt ra những quy định hạn chế hoạt động kinh doanh.

Trong khi đó chuyên gia Phạm Chi Lan phân tích kỹ hơn: Dự thảo Nghị định vẫn còn duy trì những quy định hành chính vô lý như lái xe phải mang theo danh sách hành khác có xác nhận của đơn vị kinh doanh, trước khi thực hiện vận chuyển phải thông báo tới sở giao thông vận tải nơi cấp giấy phép kinh doanh vận tải bằng ô tô các thông tin của chuyến đi. Theo bà Lan, điều này vừa phản cạnh tranh, vừa đi ngược với quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng. Mặt khác, cấm đoán hoặc hạn chế sử dụng các công cụ điện tử cũng đi ngược chủ trương nhà nước về khuyến khích ứng dụng công nghệ để nâng cao năng lực cạnh tranh sản phẩm.

Trái ngược, ông Nguyễn Công Hùng, Chủ tịch hiệp hội taxi Hà Nội tiếp tục “than khó” cho taxi truyền thống khi bị bó buộc quá nhiều điều kiện kinh doanh. Đơn cử, các doanh nghiệp phải khám sức khỏe thường kỳ cho lái xe, mất nhiều thời gian, chi phí, trong khi các doanh nghiệp Uber, Grab thì không. Điều này khiến taxi truyền thống ngày càng teo tóp. Hiện Hà Nội chỉ còn 15.000 taxi thay vì con số 25.000 như 5 năm trước. Ông Hùng đề xuất cần tiếp tục cởi trói cho taxi truyền thống, có các quy định công bằng hơn giữa các loại hình vận tải.

Chủ tịch hiệp hội Taxi TP HCM cho rằng, chỉ có 2 ông chủ nước ngoài là Uber, Grab trong vòng 2 năm qua đã khuynh đảo, thao túng gần như hoàn toàn thị trường Taxi Việt Nam, đang đẩy nhiều hãng taxi ở Việt Nam đến giải thể, phá sản. Hiện tại Uber và Grap đều đã chiếm lãnh trên 70% thị trường taxi ở Việt Nam – liệu đã có thể coi là kinh doanh độc quyền?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ứng xử với Uber, Grab: Vẫn những ý kiến trái chiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO