Ước gì

Trần Hữu Thăng 04/05/2021 14:00

Ước gì, ước gì. Đó là ý nghĩ, là suy nghĩ, là ước mơ thành thật nhất, thật thà nhất, thầm kín nhất mà từ cậu bé con đến ông cụ già ai cũng có, ai cũng mong mỏi, có người nói ra mồm, đa số giữ kín trong lòng vì rất ít khi ước muốn của mình đạt được và sợ người khác cười.

“Ước gì” thay đổi theo lứa tuổi: Ông cụ già ước gì đêm nay ngủ được êm giấc 4 tiếng đồng hồ, chứ mấy hôm nay ngủ ít quá nên ban ngày mệt mỏi, khó chịu quá. Cậu học sinh lớp 2 ước gì nhanh chóng đến kỳ nghỉ hè để được về quê nghỉ ngơi chơi bời, chứ đi học mãi mệt quá. Anh sinh viên đứng ngơ ngẩn ở góc sân trường đại học nhìn theo bóng dáng một người đẹp, ước gì mình có dịp được làm quen với nàng.

“Ước gì” thay đổi theo hoàn cảnh xã hội, theo trình độ văn hóa, theo cách nhìn khác nhau của các tầng lớp xã hội khác nhau.

Theo Từ điển tiếng Việt: “Ước là cầu mong điều biết là rất khó hoặc không thực hiện được. Thí dụ: Ước gì anh lấy được nàng (ca dao). Cầu được ước thấy. Ước gì anh hóa ra cơi, để cho em đựng cau tươi, trầu vàng (ca dao)”.

Còn có nhiều từ tương đương với “ước” như: ước ao, ước mơ, mong ước, mơ ước, ước vọng, ước muốn ... Vấn đề “ước gì” quá rộng, quá sâu nên chỉ xin khu trú một số nhận xét mang tính thực tế, cụ thể, dễ hiểu, có thể thực hiện được hoặc có thể tránh được để đừng sa lầy vào nữa qua một số danh ngôn.

Thú vị nhất là “ước gì” của con chồn qua một ngạn ngữ cổ của Nga. Câu đó là: “Một con chồn đếm những con gà trong giấc mộng”. Chao ôi, giấc mơ quá đẹp, nhiều gà quá, ngon quá không biết ăn con nào trước cho thích nhỉ. Thú vị này cũng tương tự như lời khuyên của nhà Ngụ ngôn vĩ đại người Pháp, La Fontaine, chỉ dẫn hộ con người: “Hạnh phúc thật sự là hạnh phúc trong giấc mộng”. Có nhiều người đã từng có những giấc mộng đẹp: lấy được vợ ngoan, có nhiều tiền, có nhà to, có xe đẹp, có địa vị xã hội cao... Chỉ tiếc rằng giấc mộng đẹp ấy quá ngắn, đáng nhẽ đừng tỉnh giấc sớm, đâm ra cứ tiếc mãi, tiếc mãi. Biết bao giờ có lại giấc mộng êm đềm ấy nhỉ.

Thành ra có tác giả thận trọng quá, lo xa quá cho con người như E.R.Laboulaye đã ân cần khuyên rằng: “Kẻ nào đừng ước muốn gì cả thì luôn luôn được thênh thang, nhẹ nhàng”. Lời dạy của Laboulaye đã khiến cho biết bao giấy mực đã tốn để tranh luận. Người thì cho là ông này quá khôn, cứ dựa vào sức mình, hoàn cảnh của mình mà sống ung dung nhàn nhã, tội gì mà thèm muốn ước ao viển vông hão huyền. Người lại cho rằng ông này an phận quá, không có chí tiến thủ, sống như thế là hơi bị an phận đấy! Cho đến nay cũng chả biết ai đúng ai sai, vì làm gì có trọng tài nào đứng ra phán xử. Lại đành phải theo quy luật: “Cứ để thuận theo tự nhiên vậy”, “Cứ để yên xem sao vậy”. Biết ai là khôn, biết ai là dại, như một thi sĩ dân gian đã viết: “Đố ai cân được linh hồn/ Để tôi bàn chuyện dại, khôn ở đời”.

Đến khi tham khảo ông văn sĩ lừng danh của Anh quốc là ông George Bernard Shaw (1856 – 1950) thì mọi người lại càng hoang mang thêm, bởi ông viết rằng: “Có hai bi kịch trong đời: một là không đạt được những gì mình mong muốn, hai là đạt được những gì mình mong muốn”. Sau khi đọc xong nguyên văn tiếng Anh cứ thấy hình như sai sai thế nào ấy. Nhờ người học tận bên Anh về dịch sang tiếng Việt thì lại càng thấy sai sai. Đành nhờ đến một triết gia tiền bối giải thích hộ câu khó hiểu này của ông Bernard Shaw. Vị tiền bối suy nghĩ hồi lâu rồi trả lời: “Tôi cũng không biết nói thế nào cho phải. Thôi thì cứ nhìn vào thực tế mà suy ra vậy chứ biết làm thế nào”. Rồi ông lấy thí dụ mà trên đài, báo đã dưa tin: Nếu ông X không làm đến chức vụ to như thế thì chưa chắc đã đi tù. Nếu bà Y không xinh đẹp như thế thì chưa chắc gia đình đã tan nát. Các học trò nghe thầy giảng giải xong đều nghĩ thầm: Cái ông người Anh ấy thế mà “thâm thúy” như người châu Á mình nhỉ. Mà cứ suy luận như thế thì có vô số cái ví dụ đời thường để chứng minh cho cái lý thuyết “Có khi thành đạt lại là bi kịch” thì sao? Sự đời khó quá. Cứ thảo luận mãi đâm ra bế tắc.

Ta nên trở lại với những danh ngôn dễ hiểu, đời thường, dễ học tập hơn.

Danh nhân cổ đại Pubilius Syrus (thế kỷ thứ nhất sau Công nguyên) đã nói rất đúng: “Nếu anh ước muốn lên được chỗ cao nhất thì hãy bắt đầu từ chỗ thấp nhất”. Câu này của Syrus nói đã mấy nghìn năm nhưng đến nay vẫn giữ nguyên giá trị thời sự của nó. Đài, báo đã đưa tin nhiều ông đã muốn làm “quan tắt”, cậy cái nọ, cậy cái kia, ỷ vào bằng cấp của Havard cấp, ỷ vào cha ông thế nọ thế kia, không chịu đi từ bậc thang thấp nhất rồi tu dưỡng từ từ mà nên người, lại bước 2,3 bậc một lúc, ngã chổng kềnh từ trên cao xuống. Địa vị càng cao, vết thương càng nặng. Lúc nằm trong bệnh viện hay sau chấn song sắt ai cũng ân hận, biết mình là dại thì đã quá muộn, quá nhỡ nhàng, biết làm sao bây giờ. Ai cũng than phiền là sao sách của cụ Pubilius Syrus hay như thế, lời dạy tỉ mỉ dễ hiểu như thế mà chẳng thấy ai dịch ra hộ thành sách để mà phổ biến cho nhiều người biết nhỉ. Tiếc quá, tiếc thật!

Marcel Proust (1871 – 1922) thì lại nói văn chương quá, khó hiểu quá về cái “ước gì” như sau: “Cái ước muốn nở hoa, cái chiếm hữu lại làm héo tàn mọi thứ”. Câu này của Marcel Proust nếu cứ triết tự tỉ mỉ quá sẽ trở nên khó hiểu, sao không ứng dụng ngay cái suy nghĩ dân gian của người bình dân là “Cả thèm, chóng chán” có phải dễ hiểu hơn không. Ta cứ việc ước gì hàng ngày, ước gì hàng năm, nhưng điều quan trọng nhất là: Có biết giữ gìn cái “ước gì” đã đạt dược ấy cho lâu bền, cho vững chắc không. Thông tin của tòa án huyện X cho biết: Tỷ lệ ly hôn ngày càng tăng ở các cặp vợ chồng trẻ, vì họ đòi lấy nhau bằng được, rồi lại bỏ nhau bằng được. Họ chỉ tìm hiểu nhau qua quýt mấy tuần, mấy tháng, rồi vận động cha mẹ hai bên phải tổ chức đám cưới trước mọi việc “đã rồi”. Đáng tiếc thật!
Vì thế, cái “ước gì” nào mà chính đáng, mà vừa phải, mà hợp cái hoàn cảnh của mình đang có trong tầm tay, nhìn chung vẫn có thể thực hiện được, có kết quả tốt nhờ sự cố gắng, nỗ lực và lòng kiên nhẫn của bản thân người ước muốn. Ta vẫn có thể mộng mơ được, vẫn có thể lãng mạn được, vẫn có thể bay bổng được nếu ta biết phân tích, đánh giá đúng tình hình về cái ta đang có trong tay và cái ta đang cần phấn đấu để đạt tới. Danh nhân cổ đại Terence (năm 190 – 159 Trước Công nguyên) đã nói rất đúng: “Vì không thể làm được tất cả mọi điều anh ước muốn, anh nên ao ước những gì mà anh có thể làm được”. Đúng quá rồi còn gì nữa! Lời dạy bảo này cũng giống như lời ông bà cha mẹ ta thường khuyên bảo hàng ngày, đó là: “Liệu cơm mà gắp mắm”. Đừng phải ăn nhạt quá nhưng cũng chớ nên ăn mặn quá, vì cả hai đều có hại, không tốt cho một bữa cơm ngon lành.

Hàng ngày ta được đọc biết bao gương “Người tốt việc tốt” trên báo chí và được nghe qua truyền hình đều thấy họ chỉ là những người bình thường nhưng dám có những ước mơ, những phấn đấu làm việc thiện vì người khác, vì cộng đồng, nên đã có nhiều thành tích vượt quá sức lực của từng cá nhân nhỏ bé.

Mãi mãi biết ơn Terence vĩ đại đã dạy ta chỉ nên ước mơ những gì ta có thể làm được, có thể phấn đấu được, giúp ta có động lực để xây dựng một cuộc sống ấm no, hạnh phúc.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước gì

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO