Ước tính giá của 1 liều vaccine phòng Covid-19

Ngọc Mai 29/07/2020 07:38

Liên minh Toàn cầu về vaccine và tiêm chủng (GAVI) ước tính rằng mức giá cao nhất đối với vaccine phòng Covid-19 có thể là 40 USD/liều (khoảng 927.000 đồng). Thông tin này được đưa ra sau khi GAVI đã thống nhất với Công ty COVAX- đơn vị nhận nhiệm vụ đảm bảo phân phối vaccine phòng Covid-19 toàn cầu.

Ảnh minh họa.
Ảnh minh họa.

Hãng thông tấn Reuters ngày 28/7 dẫn lời lãnh đạo của GAVI là ông Seth Berkley cho biết Công ty COVAX chưa ấn định mức giá cụ thể cho vaccine phòng Covid-19 nhưng đang tìm cách đàm phán mức giá hợp lý giữa những quốc gia thu nhập thấp và quốc gia thu nhập cao.

Tuy nhiên, trước đó, Liên minh châu Âu cho biết COVAX “ướm” mức giá 40 USD/liều với vaccine phòng Covid-19 dành cho những nước giàu. Trong khi EU tìm cách để đảm bảo một thỏa thuận với mức giá rẻ hơn.

Sau đó, ông Berkley đã bác bỏ thông tin này và nói: “Có biên độ rộng các mức giá và nguồn từ EU đã đưa ra con số cao nhất. Mức 40 USD là giá cao nhất cho những nước thu nhập cao, không phải giá cố định”.

Ông Berkley cho biết hầu hết vaccine đang ở giai đoạn đầu thử nghiệm do vậy vẫn còn quá sớm để đưa ra mức giá cuối cùng; và cũng chưa biết chắc chắn cần tiêm một hay hai liều vaccine. Những yếu tố này đều tác động đến mức giá của vaccine.

Được biết, Công ty COVAX đặt mục tiêu đảm bảo đến cuối năm 2021 cung cấp 2 tỷ liều vaccine phòng Covid-19 tới các quốc gia đăng ký trước. GAVI cho biết, vào đầu tháng 7/2020 đã có trên 75 quốc gia đã bày tỏ quan tâm tới vấn đề này.

Trong khi đó, thế giới vẫn nỗ lực tìm kiếm vaccine phòng ngừa Covid-19. Mới đây, một số tình nguyện viên người Nga đã tham gia thử nghiệm lâm sàng vaccine phòng Covid-19, do quân đội Nga sản xuất và họ đã xuất viện ở Moscow. Kết quả sẽ được công bố vào đầu tháng 8. Tuy nhiên, Kênh RT (Nga) đưa tin rằng đánh giá ban đầu cho thấy vaccine phòng Covid-19 do quân đội Nga sản xuất đã kích thích phản ứng miễn dịch với virus corona chủng mới (SARS-CoV-2) trên cơ thể tình nguyện viên nam và nữ, đồng thời chưa có phản ứng phụ đáng kể nào.

Thử nghiệm gồm 2 giai đoạn này được thực hiện tại Bệnh viện quân đội trung ương mang tên Burdenko ở thủ đô Moscow. Không có phản ứng phụ đối với cả 2 nhóm. Thời gian cách ly của họ tại bệnh viện kết thúc vào ngày 20/7 sau khi các nhà nghiên cứu tiến hành xét nghiệm cuối cùng.

Trong khi đó, châu Á được cho là đã và đang giành rất nhiều nỗ lực để tìm kiếm vaccine phòng Covid-19. Mới đây nhất, một loại vaccine phòng Covid-19 mới do nhóm nghiên cứu Thái Lan hợp tác với Đại học Pennsylvania của Mỹ phát triển, dự kiến sản xuất hàng loạt vào cuối năm 2021.

Công bố cho biết, nhóm nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm trên 13 con khỉ tại Trung tâm Nghiên cứu linh trưởng quốc gia và đạt được kết quả tốt. Dựa trên kết quả này dẫn tới hy vọng lớn Thái Lan có thể tự sản xuất được vaccine chống Covid-19 với số lượng hàng triệu liều.

Theo TS Kiat Ruxrungtham-Trưởng nhóm nghiên cứu, loại vaccine mRNA đã được tiêm vào khỉ từ tháng 5 đến tháng 6 và giai đoạn đầu tiên cho việc thử nghiệm vaccine này trên người sẽ bắt đầu vào tháng 10 tới.

Tới thời điểm hiện tại, Trung Quốc và Nhật Bản cũng chạy đua sản xuất vaccine chống Covid-19. Riêng với Trung Quốc đã có 5 loại vaccine tiến hành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2. Thông tin do Trung tâm Tin tức Ủy ban Quản lý Giám sát Tài sản Nhà nước Quốc vụ viện Trung Quốc công bố mới đây cho thấy, xưởng sản xuất vaccine bất hoạt ngừa Covid-19 của Viện Nghiên cứu sinh phẩm Bắc Kinh thuộc Tập đoàn Y dược Trung Quốc (Sinopharm) đã tiến hành khử trùng toàn diện và bước vào giai đoạn chuẩn bị cuối cùng từ ngày 30/5 trước khi chính thức đi vào sản xuất. Hơn 2.000 người đã hoàn thành việc thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và 2 đối với 2 loại vaccine.

Còn với Nhật Bản, theo Bộ trưởng Y tế và Lao động Kato Katsunobu, Chính phủ đang nỗ lực nghiên cứu và phát triển vaccine, nhằm rút ngắn thời gian sản xuất hàng loạt nếu vaccine được điều chế. Bộ Y tế Nhật Bản dành khoảng 1,28 tỷ USD trong năm tài chính này để giúp xây dựng hệ thống sản xuất. Cùng đó, Thủ tướng Abe Shinzo cam kết Chính phủ Nhật Bản sẽ tài trợ 300 triệu USD giúp một tổ chức quốc tế phát triển vaccine.

Thủ tướng Abe cho rằng, quá trình phát triển vaccine đang được thực hiện tích cực với sự tập hợp trí tuệ của toàn nhân loại, và thế giới cần chuẩn bị tốt để nhanh chóng cung cấp vaccine cho các nước đang phát triển ngay khi vaccine được hoàn thành.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước tính giá của 1 liều vaccine phòng Covid-19

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO