Ước vọng cao nguyên đá

Đơn Thương 03/10/2015 08:00

Chúng tôi lên Đồng Văn, miền đất ngút ngàn đá nơi cực Bắc Tổ quốc. Một đêm trắng ở đất này, thao thức cùng sương lạnh, mới hiểu và thông cảm với những con người nơi đây, ở đây vẫn rất nghèo. Sống được ở đây thật đáng khâm phục. Họ là Những con người diệu kỳ về bản lĩnh và khả năng vô tận.

Ước vọng cao nguyên đá

Ngổn ngang sinh kế

Trước khi lên Đồng Văn, một cán bộ đã mất già nửa đời người đánh bạn với đất này tâm sự với tôi: Cuộc sống con người ta cần rất nhiều thứ. Thế nhưng có hai thứ không thể thiếu được đó là đất và nước. Ở cái cao nguyên đá Đồng Văn, khổ thay, hai thứ ấy đều hiếm cả. Dọc đường lên Đồng Văn, xe cứ vượt đá trùng điệp mà đi. Đá đã trở thành “đặc sản” của đất này, còn đất thì hiếm vô kể.

Theo thống kê, cả một cao nguyên đá với diện tích vài nghìn km2 ấy thế nhưng đất canh tác của Đồng Văn chỉ có vỏn vẹn trên 15 nghìn ha. Diện tích đất canh tác ở đây có cái hết sức đặc thù. Ở đây người ta khó có thể kiếm được một mảnh đất nào phẳng phiu có diện tích từ 1 sào trở lên.

Trên 15 nghìn ha đất canh tác ấy, là do người ta cộng từ nhỏ đến lớn, từ mảnh đất bằng cái bàn học trẻ em đến mảnh đất lọt được cái cày và con trâu. Làm nương trên đá ở đây là vậy. Ngoài diện tích đất canh tác ổn định, nghĩa là không bị mưa gió rửa trôi trong năm thì người dân (chủ yếu là người Mông, chiếm tới trên 80% dân số) còn có một cách để giữ và mở rộng diện tích gieo trồng của mình bằng cách cõng đất lên núi.

Mùa tra hạt đến, cứ một gùi đất, một nắm hạt giống dắt ở cạp váy, vợ chồng con cái những người nông dân ấy lại gói gém mèn mén lên nương. Xuống chỗ thấp, gạt đất vào gùi rồi chân trần đạp đá, bám đá mà leo lên. Nhìn thấy hốc đá nào mà nắm đất, hạt ngô có thể “ở” được là lại tay trần bốc đất ném xuống cùng hai ba hạt ngô được thẩy xuống để hy vọng có một mùa thu. Ở đây, đất gieo trồng người ta không thể tính theo diện tích được. Cách tính cơ bản nhất vẫn là tính theo giống. Dưới xuôi, một cân ngô có thể gieo được cả sào đất, thế nhưng ở đây để gieo một cân ngô người ta phải cần 1 thậm chí là 2 đên 3ha đá núi.

Ở nơi khác, một năm người dân có thể gieo cấy được 2 - 3 vụ, thế nhưng ở cao nguyên đá này, một năm chỉ cho người dân gieo cấy 1 vụ, chủ yếu là ngô. Có gieo và có thu là may mắn lắm rồi. Hết tháng 3, mùa đông giá qua đi, nhiệt độ nhích lên, mưa xuống, cao nguyên đá bước vào mùa gieo cấy. Cây ngô được gieo xuống hốc đá, mỗi hạt ngô gieo cho người ta một hy vọng.

Cây ngô dù có chăm sóc thế nào cũng chỉ lớn ngang vai trẻ, cho thu một bắp nhỉnh hơn quả trứng ngỗng. Có gieo có thu là may mắn. Năm nào, trời trở mưa, gió và sương lạnh về sớm, đúng vào lúc ngô trổ bông là cả cao nguyên đá não nùng với chuyện đói ăn. Mất mùa, ngô không về nhà đủ, người già và trẻ em chỉ biết ăn bớt khẩu phần chứ không lấy gì để đắp đổi thêm được.

Với người Mông ở Đồng Văn, ngoài ngôi nhà thì có lẽ thứ tài sản người ta quý nhất đó là con bò. Con bò ở đây ngoài việc cung cấp sức kéo cho gia đình các hộ dân thì nó còn là thứ tài sản bán được tiền nhất. Đất đai khô cằn, lương thực thiếu, đến cỏ cho bò cũng thiếu. Một con bò nuôi ở đồng bằng một năm là bán được nhưng ở đây muốn bán được con bò người dân phải nuôi mất 2 - 3 năm.

Bò ở đây không thể chăn thả tự nhiên được, nếu chăn thả theo kiểu tự nhiên thì đi mãi cũng không có cỏ, thậm chí nếu không cẩn thận thì bò sẽ vướng đá núi, rơi vực mà chết. Con bò giá trị là vậy, thế nhưng do chăn thả khó khăn nên hiện tại cả huyện Đồng Văn, sau hàng chục năm phấn đấu, đàn bò mới chỉ đạt trên 20 nghìn con.

Con bò ở đây ngoài việc cầy kéo thì sướng nhất là chuyện sinh sống. Nếu không phải cầy, bừa thì chỉ phải nằm ở chuồng, thức ăn đã có người gùi đến tận miệng. Bò chăn nuôi khó và quý như vậy nên nó đã được đưa vào chủ trương phát triển kinh tế, hướng xoá đói giảm nghèo ở đây. Giảm số hộ không có trâu bò và tăng số lượng cho nó đã được đưa vào mục tiêu huyện Đồng Văn luôn đưa vào mục tiêu phấn đấu trong các năm.

Ước vọng cao nguyên đá - 1

Trên cao nguyên đá Đồng Văn.

Bao giờ cho đến ngày vui?

Với điều kiện tự nhiên rất khác biệt nên cái nghèo đã trở thành căn bệnh trầm kha, đã có từ rất lâu ở Đồng Văn. Cái nghèo ở đây như “một kẻ thù” lẩn khuất trong những bụi cây lúp xúp đến từng hốc đá.

Trước đây, theo tiêu chí nghèo cũ, bằng sự cố gắng của chính mình và sự hỗ trợ, theo đánh giá, cái nghèo đã bị đẩy lùi. Ấy thế mà lại tái nghèo. Hiện Đồng Văn có 19 xã thị trấn thì đã có 12 xã có tỷ lệ nghèo vẫn duy trì ở mức độ trên 50%. Mỗi năm, huyện cần trên 600 tỷ để chi ngân sách, nhưng số thu của huyện, chủ yếu là thuế và và phí mới đạt trên 20 tỷ đồng.

Số tiền này để chi vào các khoản cơ bản như chi ngân sách cho huyện, xã; chi ngân sách cho giáo dục và các chương trình mục tiêu khác vẫn không đủ. Riêng giáo dục số tiền “đốt” cho trong năm đã chiếm một nửa số tiền ngân sách cần chi.

“Tiền vào nhà khó như gió vào nhà trống”, đồng tiền hỗ trợ, đồng tiền do tự thân vận động “chia năm, xẻ bảy”, nên nói đến cái gì cần tiền ở đất này cũng khó vô cùng. Bao năm phấn đấu, bao tiêu chí được đưa ra cùng sự hỗ trợ mà hiện nay thu nhập bình quân cho mỗi đầu người ở đây mới đạt gần 900 nghìn đồng/tháng (khoảng 10 triệu đồng /người/năm). Đồng Văn không tự sản được gì ngoài lương thực chính là ngô. Mỗi kg hàng hoá lên đây đắt hơn cả Hà Nội nên người ta rất dễ hình dung ra những vất vả cho cuộc sống sinh hoạt đời thường của người dân ở đây.

Cuối Thu, Đồng Văn càng về đêm càng lạnh. Cái lạnh bủa vây con người tựa như sự bủa vây của cái nghèo. Thoát nghèo vốn là một ước vọng từ bao đời nay của người Đồng Văn và tới nay vẫn chưa thành hiện thực.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Ước vọng cao nguyên đá

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO