Uống nước cam giúp tăng sức đề kháng nhưng sẽ nguy hiểm nếu uống quá nhiều

Lan Anh 17/06/2021 14:00

Nước cam giàu vitamin C và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể, đặc biệt là tăng sức đề kháng trong mùa dịch. Nước cam chỉ thật sự tốt cho sức khỏe với điều kiện dùng đúng liều lượng, đúng đối tượng.

Vào mùa dịch, những loại thực phẩm, đồ uống giàu vitamin C và vitamin D được khuyến khích bổ sung vào chế độ ăn hàng ngày nhằm tăng cường sức đề kháng của cơ thể. Nước cam ép là một lựa chọn phổ biến của nhiều gia đình. Tuy nhiên, việc uống quá nhiều có thể gây ra các hệ lụy cho sức khỏe.

Cam là loại trái cây có vị ngọt và hơi chua, chứa nhiều nước và các chất dinh dưỡng như vitamin C, acid citric, glucose, niacin, folate và nhiều chất dinh dưỡng khác có tác dụng tăng cường sức đề kháng, làm sáng và đều màu da… Đây cũng là một nguồn chất chống oxy hóa giúp loại bỏ các tế bào tự do trong cơ thể.

Ảnh minh họa.

Nước cam được xem như một loại nước uống đem lại hương vị thơm ngon và giàu dinh dưỡng. Theo thống kê, một nửa cốc nước cam có thể cung cấp tới 69% DV vitamin C; 1% DV vitamin A; 5% DV kali; 3% DV magie; 6% DV đồng; 1% DV sắt; 1% DV canxi; 56 calories; 12,9 gram carbs; 0,9 gram protein; 0,2 gram chất xơ; 10,4 gram đường.

Nước ép cam tươi có chứa lượng lớn lutein, zeaxanthin, carotenoid và các hợp chất hoạt tính sinh học khác có tính chống oxy hóa. Hàm lượng chất chống oxy hóa cao là điều khiến nước cam mang giá trị dinh dưỡng nổi bật. Nhiều người đề cao công dụng của nước cam đến mức lạm dụng, điều này có thể gây ra nhiều hệ lụy cho sức khỏe, nhất là những người đang mắc các bệnh dạ dày.

Ảnh minh họa.

Một nửa cốc nước cam có chứa khoảng 56 calories. Vì vậy, nếu bạn uống với lượng nhiều hơn, cơ thể sẽ nạp nhiều calories hơn là mức cần phải đốt cháy, từ đó dẫn đến tăng cân. Ngoài ra, dù là đường trong trái cây thì việc tiêu thụ nhiều cũng sẽ gây hại cho sức khỏe của bạn.

Các nhà khoa học đã phát hiện ra rằng, đường trong các loại nước ép trái cây có thể gây ra các phản ứng sinh học không khác gì với đường trong nước giải khát. Nếu uống nước ép trái cây quá mức dường như sẽ làm tăng nguy cơ mắc bệnh tiểu đường. Người bị tiểu đường type 1 có thể tiến triển lên type 2 nhanh hơn khoảng 7% trên một khẩu phần nước trái cây.

Cam hay các loại trái cây cùng họ như quýt, chanh… đều có tính axit cao và có thể ăn mòn men răng, gây nguy cơ hỏng răng nếu tiêu thụ quá mức. Nếu như bạn đang gặp các vấn đề liên quan tới loét miệng, nhiệt miệng hay các vết thương khoang miệng khác thì hãy loại bỏ các thực phẩm có tính axit cao như nước cam ra khỏi chế độ ăn cho tới khi vết thương lành lại.

Nồng độ axit hữu cơ có trong cam còn có thể làm tổn thương dạ dày. Khi đưa vào dạ dày với liều lượng lớn sẽ làm tăng tiết dịch vị, gây chứng đầy hơi, ợ nóng. Đối với những người đang điều trị bệnh lý dạ dày như viêm loét dạ dày thì lượng axit này sẽ gây ra các cơn đau vô cùng khó chịu.

Tiêu thụ một loại thực phẩm hay đồ uống quá nhiều chưa bao giờ là tốt. Để tối đa hóa lợi ích mà nước cam mang lại, bạn hãy uống ở mức độ vừa phải. Các nhà khoa học khuyên rằng, người trưởng thành không nên uống quá 8oz mỗi ngày (~227ml). Trẻ em dưới 6 tuổi thì không nên uống quá 4 - 6oz nước trái cây mỗi ngày (~114ml - 170ml). Thay vì uống nước ép, bạn có thể ăn trực tiếp để tận dụng lượng chất xơ từ loại quả này đem lại, giúp ngăn ngừa sự gia tăng bất thường của đường huyết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Uống nước cam giúp tăng sức đề kháng nhưng sẽ nguy hiểm nếu uống quá nhiều

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO