Vaccine AstraZeneca: Vẫn hy vọng vào điều kỳ diệu

Hà Anh 17/03/2021 06:38

Việc một số nước dừng tiêm vaccine AstraZeneca sau khi xuất hiện trường hợp bị biến chứng, là đòn giáng mạnh vào chiến dịch tiêm chủng toàn cầu. Tuy nhiên, với những bằng chứng khoa học và khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), người ta vẫn hy vọng vào “điều kỳ diệu” do vaccine này mang tới.

Thủ tướng Thái Lan Prayuth Chan-ocha tiêm vaccine AstraZeneca tại Bangkok, ngày 16/3.

1. Ngày 16/3, Bộ Y tế Đức cho biết, quốc gia này tạm ngừng sử dụng vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca sau khi có thông tin về khả năng vaccine này gây ra chứng huyết khối tĩnh mạch (cục máu đông).

Bộ Y tế Đức dẫn khuyến nghị của Viện Paul Ehrlich (PEI), cơ quan phụ trách về vaccine của Đức, nói rằng: “Sau các tin tức mới về hiện tượng huyết khối có liên quan đến tiêm vaccine ở Đức và châu Âu, PEI thấy rằng cần xem xét kỹ lưỡng hơn. Cơ quan Quản lý được phẩm châu Âu (EMA) sẽ quyết định xem liệu các phát hiện mới sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc phê chuẩn vaccine”. Bộ Y tế Đức cũng khẳng định rất nghiêm túc với các báo cáo liên quan và thường xuyên kiểm tra tình hình dữ liệu. PEI và EMA cũng sẽ tổ chức các nhóm chuyên gia để “xem xét kỹ vấn đề”.

Bộ trưởng Y tế Đức Jens Spahn nhấn mạnh, quyết định tạm ngừng sử dụng vaccine là một biện pháp “thuần túy mang tính phòng ngừa”, đồng thời bày tỏ hy vọng EMA sẽ đưa ra hướng dẫn cụ thể trong tuần này sau khi xem xét kỹ lưỡng các trường hợp.

Tiếp sau Đức, hai quốc gia châu Âu khác là Pháp và Italy cùng ngày cũng đưa ra quyết định tương tự. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron nói thêm rằng, EMA dự kiến sẽ đưa ra hướng dẫn vào chiều 16/3 (theo giờ địa phương). Cơ quan dược phẩm Italy AIFA cũng nhấn mạnh việc ngừng sử dụng vaccine AstraZeneca là “mang tính phòng ngừa và tạm thời” trong khi chờ hướng dẫn của EMA.

Lý giải cho động thái này, Chính phủ các nước châu Âu cho rằng, dù bằng chứng về tác dụng phụ còn chưa rõ ràng, nhưng họ vẫn còn có nhiều yếu tố khác để xem xét việc dừng tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca. “Thận trọng” là một giải pháp mà họ lựa chọn.

Tiêm vaccine tại Anh.

2. Dù còn nhiều nghi ngờ ở châu Âu, nhiều quốc gia khác vẫn quyết định lựa chọn AstraZeneca là một trong những vaccine sử dụng để đối phó với Covid-19.

Ngày 16/3, Thủ tướng Anh Boris Johnson khẳng định, vaccine Covid-19 của AstraZeneca an toàn và chính phủ Anh rất tự tin sử dụng vaccine này trong chiến dịch tiêm chủng. “Cơ quan Quản lý Dược phẩm Anh (MHRA) là một trong những đơn vị quản lý khắt khe và giàu kinh nghiệm nhất trên thế giới. Họ đều không thấy có lý do nào để ngừng chương trình tiêm chủng” - ông Boris Johnson nói.

Tại Canada, Thủ tướng Justin Trudeau bày tỏ ủng hộ vaccine AstraZeneca, đồng thời cho biết các chuyên gia y tế nước này đảm bảo tất cả các loại vaccine phòng Covid-19 đang được sử dụng trong nước đều an toàn, bao gồm vaccine AstraZeneca.

Sáng 16/3, Bộ trưởng Ngân khố Australia Josh Frydenberg cũng cho biết, nước này không có kế hoạch ngừng sử dụng vaccine của AstraZeneca trong chương trình tiêm chủng ngừa Covid-19, viện dẫn xác nhận từ WHO và EMA.

Cùng với đó, một đại diện của châu Á cũng bày tỏ niềm tin vào vaccine AstrZeneca là Thái Lan đã quyết định cho phép sử dụng lại loại vaccine này từ ngày 15/3 sau 3 ngày dừng tiêm. Đặc biệt, ngày 16/3, ngay trước cuộc họp nội các hàng tuần, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha trở thành công dân Thái Lan đầu tiên tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca.

“Hôm nay, tôi đang nâng cao niềm tin của nhân dân” - Thủ tướng Thái Lan Prayut Chan-o-cha (67 tuổi) nói với các phóng viên tại Nhà khách chính phủ trước khi tiêm mũi vaccine AstraZeneca đầu tiên ở tay trái. Ông Prayut cho biết ông cảm thấy ổn sau khi tiêm vaccine.

Bộ trưởng Khoa học, Công nghệ và Đổi mới Malaysia Khairy Jamaluddin, đồng thời là người điều phối chương trình tiêm chủng vaccine ngừa Covid-19 của nước này cũng cho biết, quốc gia Đông Nam Á sẽ tiếp tục mua và đặt hàng vaccine của Hãng AstraZeneca.

Bộ trưởng Khairy khẳng định, Bộ này sẽ nghiên cứu dữ liệu lâm sàng về các sự cố đã xảy ra tại các quốc gia đã triển khai tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca và đưa ra kết luận về việc sử dụng vaccine này.

3. Trước thực tế đang gây tranh cãi trên, cả EMA và WHO cùng điều tra các trường hợp rối loạn đông máu ở những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19 của AstraZeneca, nhưng tới nay, có bằng chứng cho thấy vaccine không phải là nguyên nhân gây ra tình trạng này. Các chuyên gia cho rằng, số trường hợp bị đông máu và giảm tiểu cầu bất thường ở những người đã được tiêm vaccine không cao hơn so với số vẫn chưa được tiêm chủng.

Hiệp hội Huyết khối và cầm máu quốc tế cuối tuần vừa qua nói rằng, “một số ít các ca bị đông máu sau tiêm vaccine ngừa Covid-19 không đủ để chứng minh có mối liên hệ trực tiếp”. Hiệp hội này cho biết, chứng đông máu rất phổ biến, nhưng lại không phổ biến ở những người đã tiêm vaccine ngừa Covid-19. Hiệp hội này cũng khuyến cáo, ngay cả những người có tiền sử về đông máu hoặc từng sử dụng thuốc chống đông máu cũng vẫn nên đi tiêm vaccine ngừa Covid-19.

Ở Anh, Ủy ban phối hợp về vaccine và tiêm chủng (JCVI) cùng Cơ quan quản lý dược phẩm (MHRA) đều rất tin tưởng vào vaccine của AstraZeneca. “Anh đã tiêm chủng 11 triệu liều vaccine AstraZeneca và không có biến động về số ca đông máu được ghi nhận kể từ khi vaccine được đưa vào sử dụng” - Giáo sư Anthony Harden, Phó Chủ tịch JCVI nói.

MHRA khẳng định, cơ quan này đang làm việc chặt chẽ với các đối tác quốc tế để điều tra các trường hợp bị rối loạn đông máu, nhưng “các bằng chứng hiện có không cho thấy vaccine là nguyên nhân.

Cùng với đó, WHO hôm 15/3 tiếp tục kêu gọi các nước không dừng chương trình tiêm chủng của mình. Tổng Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyeus khẳng định: “Kể từ cuộc họp báo của WHO vào cuối tuần trước, đã có thêm nhiều quốc gia dừng việc sử dụng vaccine AstraZeneca như một biện pháp phòng ngừa sau khi có báo cáo về chứng huyết khối tĩnh mạch ở những người đã tiêm vaccine trong 2 lô sản xuất tại châu Âu. Điều này không có nghĩa là những sự cố này liên quan đến vaccine và theo thông lệ chúng ta cần phải đánh giá. Ủy ban Cố vấn về an toàn vaccine của WHO đang xem xét lại các dữ liệu và sẽ sớm thảo luận với cơ quan dược phẩm châu Âu”.

Trong khi đó,Cơ quan Dược phẩm châu Âu cho biết, sẽ có cuộc họp vào ngày 18/3 tới để phân tích tình hình và tái khẳng định lại quan điểm về vaccine. Trước đó, Ủy ban Cố vấn của WHO về vaccine AstraZeneca đã nhóm họp trong ngày 15/3.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine AstraZeneca: Vẫn hy vọng vào điều kỳ diệu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO