Vaccine Covid-19: Đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021

An Thái 09/04/2021 06:30

Với mục tiêu đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021, Việt Nam đang nỗ lực để có đủ lượng vaccine tiêm chủng cho người dân. Do đó, cùng với việc tăng cường khả năng sớm tiếp cận với các nguồn vaccine phòng Covid-19, ngành y tế cũng đang nỗ lực để thúc đẩy sản xuất vaccine trong nước.

Tiêm thử nghiệm vaccine Covid-19 made in Việt Nam. Ảnh: Phạm Quang Vinh.

Tiêm miễn phí cho 10 đối tượng ưu tiên

Bộ Y tế vừa có Quyết định về việc phân bổ vaccine Covid-19 đợt 2. Theo đó, có 811.200 liều vaccine của Astra Zeneca do COVAX viện trợ được phân bổ lần này đều tiêm miễn phí cho 10 nhóm đối tượng ưu tiên. Theo phân bổ của Bộ Y tế, TP HCM và Hà Nội là 2 địa phương được phân bổ vaccine nhiều nhất, trong đó TP HCM trên 56.000 liều, Hà Nội trên 53.000 liều. Tiếp đến là các địa phương có dịch Covid-19 trong thời gian vừa qua, như tỉnh Hải Dương trên 43.000 liều, các tỉnh Thanh Hóa, Nghệ An được phân bổ 18.000-20.000 liều/địa phương.

Các địa phương khu vực phía Nam cũng được phân bổ số lượng lớn với 245.350 liều, trong đó, CDC Cần Thơ nhận 6.700 liều, CDC Đồng Tháp 16.150 liều, CDC Bình Dương 15.100 liều...; Khu vực Tây Nguyên nhận 49.000 liều. Cụ thể, CDC Kon Tum có 8.400 liều, CDC Đắk Nông 9.000 liều, CDC Gia Lai 15.900 liều, CDC Đắk Lắk 15.700 liều.

Ngoài ra, Bộ Y tế cũng quyết định phân bổ tới lực lượng công an 30.000 liều; lực lượng quân đội 80.000 liều; Dự án tiêm chủng mở rộng quốc gia 20.000 liều. 600 liều vaccine AstraZeneca cũng sẽ được kiểm định và lưu mẫu tại Viện Kiểm định quốc gia vaccine và sinh phẩm y tế.

Theo Quyết định cuả Bộ Y tế, Dự án Tiêm chủng mở rộng quốc gia (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương), Dự án Tiêm chủng mở rộng khu vực thực hiện tiếp nhận, gửi mẫu kiểm định chất lượng, bảo quản và vận chuyển vaccine ngay tới các địa phương, đơn vị theo danh sách để tổ chức triển khai tiêm chủng vaccine phòng Covid-19 theo quy định.

Đối với các đối tượng đã tiêm vaccine đợt 1 theo Quyết định số 1469/QĐ-BYT ngày 6/3/2021 của Bộ Y tế thì triển khai tiêm mũi 2 khi đủ thời gian 4 tuần trở lên kể từ ngày được tiêm mũi 1. Trong đợt 2, đối tượng tiêm sẽ mở rộng ra 10 nhóm ưu tiên (giáo viên, người làm trong các dịch vụ thiết yếu như cung cấp dịch vụ điện nước, nhân viên hàng không, nhân viên hành chính…).

Vaccine Covid-19 “nội” kháng thể tốt

Theo Bộ Y tế, tính đến cuối tháng 2 vừa qua, trên thế giới có tất cả 256 ứng viên vaccine Covid-19 đang được nghiên cứu phát triển trong đó có 182 ứng viên đang ở giai đoạn tiền lâm sàng và có 74 vaccine trong giai đoạn thử nghiệm trên.

Hiện trên thế giới đã có một số ứng cử viên vaccine đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 3 cho kết quả tốt về tính an toàn và hiệu lực bảo vệ khi sử dụng trên con người và đã được cấp phép lưu hành trong trường hợp khẩn cấp ở một số quốc gia.

Thời điểm này trong nước có 4 nhà sản xuất đang nghiên cứu vaccine phòng Covid-19 theo các hướng công nghệ khác nhau. Công ty TNHH MTV Vaccine và sinh phẩm số 1 (VABIOTECH) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là vi rút Baculo; Viện Vaccine và sinh phẩm Nha Trang (IVAC) sử dụng công nghệ sản xuất trên trứng gà có phôi (tương tự công nghệ do IVAC đang sử dụng để sản xuất vaccine cúm mùa); Công ty Cổ phần Công nghệ sinh học Dược Nanogen (Nanogen) đang tiến hành phát triển 2 ứng viên vaccine Covid-19 gồm: vaccine sub-unit dựa trên S-protein và vaccine VLP (Virus like particles) sử dụng công nghệ protein tái tổ hợp; Trung tâm Nghiên cứu, sản xuất vaccine và sinh phẩm y tế (POLYVAC) sử dụng công nghệ cài đặt kháng nguyên SARS-CoV-2 trên giá thể là virus Sởi (POLYVAC đang là nhà sản xuất vaccine Sởi) và đang trao đổi với Quỹ Đầu tư trực tiếp của Liên bang Nga về phương án, kế hoạch hợp tác phát triển vaccine phòng Covid-19 theo công nghệ sản xuất vaccine Sputnik V của Trung tâm Nghiên cứu Dịch tễ và Vi sinh Quốc gia Gamaleya.

Kết quả nghiên cứu tiền lâm sàng của VABIOTECH, IVAC, Nanogen cho thấy các ứng viên vaccine có tính an toàn trên động vật và có tính sinh kháng thể kháng SARS-CoV-2.

Đến hết tháng 3/2021, vaccine Nanocovax của Công ty Nanogen đã hoàn thành thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1 và đang triển khai thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 2; vaccine COVIVAC của IVAC đã được Bộ Y tế phê duyệt đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 và đã bắt đầu triển khai vào ngày 15/3/2021; vaccine COVINVAC của VABIOTECH sẽ được thẩm định và thông qua đề cương nghiên cứu thử nghiệm lâm sàng giai đoạn 1-2 trong tháng 7/2021. Các nhà sản xuất đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu sớm hoàn thành các giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.

Tại dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án nghiên cứu, phát triển vaccine phòng Covid-19, Bộ Y tế đề xuất mục tiêu có vaccine để phòng Covid-19, từng bước đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch và phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước trong năm 2021; bảo đảm có đủ vaccine từ năm 2022 trở đi. Theo dự thảo, Bộ Y tế rà soát, sửa đổi các quy định theo hướng rút gọn, rút ngắn thời gian thử nghiệm, cấp phép nhưng bảo đảm các điều kiện theo quy định. Yêu cầu các đơn vị nghiên cứu vaccine thúc đẩy quá trình thử nghiệm, rút ngắn tối đa thời gian của các giai đoạn 1, 2, 3, có phương thức thử nghiệm phù hợp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine Covid-19: Đảm bảo miễn dịch cộng đồng trong năm 2021

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO