Vaccine trong cuộc chiến dập dịch

MIÊN THẢO 29/03/2022 05:58

Dịch Covid-19 đã kéo dài hơn 2 năm, với 4 đợt bùng phát. Tới nay, về cơ bản dịch Covid-19 đã được kiểm soát, dù số ca nhiễm mới vẫn tăng cao nhưng số người chuyển bệnh nặng, số người tử vong rất ít.

Tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho người dân tại Nhà thi đấu Phú Thọ (quận 11, TP HCM).

Vượt qua đại dịch, khôi phục, phát triển kinh tế, để cuộc sống bình thường trở lại có một nguyên nhân quan trọng: Đó là tốc độ bao phủ vaccine ngừa Covid-19 trong phạm vi cả nước. “Đi sau về trước”, tới nay Việt Nam đã nằm trong tốp 6 các quốc gia có tỷ lệ tiêm vaccine ngừa Covid-19 cho toàn dân hàng đầu thế giới.

Thành công từ chiến lược vaccine

Có thể thấy Chính phủ hết sức coi trọng việc bao phủ vaccine để bảo vệ sức khỏe cho toàn dân. Tuy chưa là quốc gia tự chủ được vaccine sản xuất trong nước, nhưng Chính phủ đã bằng rất nhiều nỗ lực, nhiều phương cách đã đưa được vaccine nhanh về cho nhân dân, với số lượng rất lớn, đủ tiêm cho tất cả mọi người. Cùng với việc tìm kiếm nguồn vaccine, thì việc tuyên truyền và tổ chức hệ thống y tế rộng khắp để tiêm chủng đã góp phần quan trọng làm nên chiến thắng trong các chiến dịch thần tốc tiêm chủng.

Sáng ngày 8/3/2021, mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên được tiêm cho cán bộ tuyến đầu chống dịch tại Hải Dương. Tới nay Việt Nam đã tiêm gần 200 triệu liều vaccine cho người dân. Theo Bộ Y tế, tính đến ngày 7/3/2022, Việt Nam đã tiếp nhận hơn 219 triệu liều vaccine ngừa Covid-19, thực hiện tiêm chủng hơn 197,5 triệu liều; trong đó người từ 18 tuổi trở lên đã tiêm mũi 1 đạt 100%, mũi 2: 98,7% và mũi 3: 38,4%.

Trẻ em trong độ tuổi 12-17 tuổi đã tiêm mũi 1 là 99%, mũi 2 là 93,8%. Những nỗ lực đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng vaccine đã góp phần hiệu quả trong việc thích ứng an toàn, linh hoạt và kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19. Thực tiễn khẳng định vaccine là "lá chắn" an toàn nhất trong phòng, chống dịch. Cũng thật khó hình dung nổi, nếu ở thời điểm này tỷ lệ người được tiêm vaccine thấp thì hậu quả sẽ ra sao. Trong đợt bùng phát dịch kể từ ngày 27/4/2021, chúng ta đã phải trải qua nhiều tháng căng thẳng với số bệnh nhân Covid-19 tăng dữ dội, số người tử vong là rất lớn. Tại TP HCM và các tỉnh phía Nam, hệ thống bệnh viện dã chiến, khu cách ly tập trung, các bệnh viện… đều quá tải. Lúc đó, số người được tiêm vaccine còn rất hạn chế.

Từ chỗ ưu tiên một số nhóm đối tượng đến bao phủ toàn dân

Nhìn lại chiến lược vaccine của Việt Nam trong cuộc chiến chống Covid-19, càng thấy những nỗ lực không ngừng nghỉ của Đảng, Nhà nước. Khi lượng vaccine có được còn rất ít, ngày 9/2/2021, Bộ Y tế đã có Quyết định 1210 quy định 11 nhóm đối tượng ưu tiên tiêm phòng vaccine Covid-19 gồm: Nhân viên y tế; Nhân viên tham gia phòng chống dịch (ban chỉ đạo các cấp, nhân viên khu cách ly, phóng viên…); nhân viên ngoại giao, hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; lực lượng quân đội; lực lượng công an; giáo viên; người trên 65 tuổi; nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu: hàng không, vận tải, du lịch, cung cấp dịch vụ điện, nước…; người mắc các bệnh mạn tính; người có nhu cầu đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài; người tại vùng dịch theo chỉ định dịch tễ.

Kế đó, ngày 8/7/2021, Bộ Y tế tiếp tục ban hành Quyết định 3355 ban hành kế hoạch triển khai tiêm vaccine phòng Covid-19. Theo đó, những đối tượng được ưu tiên tiêm vaccine Covid-19 bao gồm: Toàn bộ người dân có độ tuổi nằm trong nhóm chỉ định được ưu tiên tiêm vaccine theo khuyến cáo nhà sản xuất. Trong đó, ưu tiên lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy và phát triển kinh tế.

Cụ thể: người làm việc trong ngành y tế (cả công lập và tư nhân), các cơ sở y tế; Người tham gia phòng chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tình nguyện viên, phóng viên…); lực lượng Quân đội; lực lượng Công an; nhân viên, cán bộ ngoại giao Việt Nam và thân nhân được cử đi nước ngoài; người làm việc trong các cơ quan ngoại giao, Lãnh sự, các tổ chức quốc tế hoạt động tại Việt Nam; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu: vận tải, du lịch, hàng không; cung cấp dịch vụ điện, nước; giáo viên, học sinh, sinh viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sĩ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong khu công nghiệp, khu chế xuất, doanh nghiệp kinh doanh vận tải, tín dụng, du lịch…), cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế… cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; các chức sắc, chức việc các tôn giáo; người lao động tự do.

Như vậy, đến tháng 7/2021, đối tượng được tiêm vaccine đã mở rộng, thực hiện trong phạm vi toàn quốc và ưu tiên cho các tỉnh thành có dịch.

Chuyển biện pháp phòng dịch từ nhóm A sang nhóm B

Tới nay, vaccine đối với chúng ta đã “không còn là vấn đề”, đất nước đủ vaccine để tiêm cho tất cả mọi người. Việc mới đây Chính phủ giao Bộ Y tế nghiên cứu, có kế hoạch tiêm chủng Covid-19 cho trẻ từ 3 đến 5 tuổi một lần nữa cho thấy quyết tâm rất cao tạo miễn dịch cộng đồng, chăm sóc và bảo vệ sức khỏe người dân và để đất nước chuyển sang trạng thái “bình thường mới” một cách nhanh chóng và bền vững.

Đáng chú ý, ngày 17/3, Chính phủ đã có nghị quyết yêu cầu Bộ Y tế căn cứ tình hình dịch để chuyển biện pháp phòng chống dịch Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B. Vậy bệnh truyền nhiễm nhóm A khác nhóm B thế nào?

Theo quy định của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm 2007, bệnh truyền nhiễm nhóm A gồm các bệnh truyền nhiễm đặc biệt nguy hiểm có khả năng lây truyền rất nhanh, phát tán rộng và tỉ lệ tử vong cao hoặc chưa rõ tác nhân gây bệnh. Căn cứ theo quy định đó, từ năm 2020 dịch bệnh Covid-19 được xếp là bệnh truyền nhiễm nhóm A.

Cùng đó, Nghị định số 101/2010/NĐ-CP của Chính phủ cũng quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm về áp dụng biện pháp cách ly y tế, cưỡng chế cách ly y tế và chống dịch đặc thù trong thời gian có dịch, đối với bệnh truyền nhiễm nhóm A, tùy thuộc vào tình hình dịch sẽ áp dụng biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh, dịch vụ tại nơi công cộng trong vùng có dịch. Đồng thời áp dụng biện pháp cấm kinh doanh, sử dụng loại thực phẩm là trung gian truyền bệnh, áp dụng biện pháp tạm đình chỉ hoạt động của cơ sở dịch vụ ăn uống công cộng.

Trong trường hợp nếu Covid-19 được chuyển sang bệnh truyền nhiễm nhóm B, theo quy định phòng, chống dịch hiện hành sẽ không còn áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người hoặc tạm đình chỉ các hoạt động kinh doanh dịch vụ nơi công cộng trong vùng có dịch.

Theo ông Trần Đắc Phu - nguyên Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), việc chuyển Covid-19 từ bệnh truyền nhiễm nhóm A sang nhóm B căn cứ vào tình hình dịch tễ, khả năng miễn dịch cộng đồng (gồm miễn dịch tự nhiên và độ bao phủ vaccine), tỉ lệ ca tử vong, khả năng đáp ứng y tế và đặc biệt vấn đề tác động nghiêm trọng và nguy hiểm tới sức khỏe và đời sống xã hội…

Dù vẫn cảnh báo không được chủ quan với dịch bệnh, tuy nhiên ông Phu cũng cho rằng chuyển Covid-19 sang bệnh truyền nhiễm nhóm B là chủ trương như vậy là đúng và hợp lý. “Chúng ta cần nghiên cứu và căn cứ tình hình dịch bệnh cũng như khả năng đáp ứng cả về khoa học và thực tiễn để xây dựng kế hoạch chuyển đổi bệnh nhóm A sang nhóm B”- ông Phu nói.

Theo Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm thì bệnh truyền nhiễm nhóm A bao gồm bệnh bại liệt; bệnh cúm A-H5N1; bệnh dịch hạch; bệnh đậu mùa; bệnh sốt xuất huyết do virus Ebola, Lassa hoặc Marburg; bệnh sốt Tây sông Nin; bệnh sốt vàng; bệnh tả; bệnh viêm đường hô hấp cấp nặng do virus và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm mới phát sinh chưa rõ tác nhân gây bệnh.

Bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B bao gồm bệnh do virus Zika, bệnh do virus Adeno; bệnh do virus gây ra hội chứng suy giảm miễn dịch mắc phải ở người (HIV/AIDS); bệnh bạch hầu; bệnh cúm; bệnh dại; bệnh ho gà; bệnh lao phổi; bệnh do liên cầu lợn ở người; bệnh lỵ Amibe; bệnh lỵ trực trùng; bệnh quai bị; bệnh sốt Dengue, sốt xuất huyết Dengue; bệnh sốt rét; bệnh sốt phát ban; bệnh sởi; bệnh tay-chân-miệng; bệnh than; bệnh thủy đậu; bệnh thương hàn; bệnh uốn ván; bệnh Rubeon; bệnh viêm gan virus; bệnh viêm màng não do não mô cầu; bệnh viêm não virus; bệnh xoắn khuẩn vàng da; bệnh tiêu chảy do virus Rota.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine trong cuộc chiến dập dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO