Vaccine và hy vọng miễn dịch cộng đồng

Ngọc Mai (tổng hợp) 04/12/2020 07:30

Ngày 3/12, nước Anh chính thức trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới phê duyệt sử dụng vaccine Covid-19 của Hãng Pfizer (Mỹ) và đối tác BioNTech (Đức), với hiệu quả được cho là tới 95% ngừa SARS-CoV-2. Theo Bộ trưởng Y tế Anh Matt Hancock, việc tiêm chủng sẽ bắt đầu từ tuần tới trong bối cảnh số người tử vong liên quan tới Covid-19 ở nước Anh đã lên tới con số gần 60.000 người.

Cùng thời điểm, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) cho biết có thể phê chuẩn sử dụng vaccine của Pfizer-BioNTech ngay trong tháng này và việc phân phối có thể diễn ra trước cuối năm nay. Cùng đó, Liên minh châu Âu (EU) cho biết sẽ đánh giá vaccine của Công ty Công nghệ sinh học Moderna (Mỹ) trước ngày 12/1/2021. Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen cho biết, EU đã bảo đảm khoảng 2 tỉ liều vaccine Covid-19 và việc phân phối đến 27 nước thành viên có thể bắt đầu trước cuối năm nay.

Tất cả những nỗ lực chạy đua tìm kiếm và tiêm chủng vaccine trước hết là để ngăn chăn sự lây lan Covid-19, mặt khác cũng nhắm tới mục đích miễn dịch cộng đồng.

Một bức ảnh trong bộ ảnh “Sự trống vắng lạ thường trong dịch Covid-19” của Reuters.

1.Bên kia đại dương, Chính phủ Mỹ cũng “chuẩn bị” đưa ra quyết định về đề nghị cấp phép sử dụng khẩn cấp 2 loại vaccine từ các nhà phát triển. Ủy ban Tư vấn về vaccine và các sản phẩm sinh học có liên quan (VRBPAC) của Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) cho biết sẽ nhóm họp trong ngày 10/12 này để xem xét các dữ liệu của Pfizer-BioNTech trước khi đưa ra khuyến nghị về việc có nên cấp phép sử dụng vaccine hay không.

Tiếp đó, FDA và Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh (CDC) sẽ xem xét và đưa ra quyết định cuối cùng, có thể sẽ là trong khoảng thời gian từ ngày 11 đến ngày 14/12. Nếu mọi chuyện suôn sẻ, kể từ ngày 15/12, những lô vaccine Covid-19 đầu tiên của Pfizer-BioNTech sẽ được phân phối tại Mỹ. Sau đó, VRBPAC dự kiến xem xét vaccine của Moderna trong ngày 17/12. Có thể lô vcaccine đầu tiên của Moderna sẽ được phân phối vào ngày 22/12.

Tuy nhiên, theo giới chuyên gia y tế, vaccine Covid-19 sẽ chỉ được phân phối rộng rãi tại Mỹ vào mùa xuân năm 2021.

Trong một cuộc gặp giới truyền thông, Phó Tổng thống đương nhiệm Mỹ Mike Pence cho biết đã nói với các thống đốc bang rằng quá trình phân phối vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech có thể bắt đầu ngay. “Đây là một thông tin mang đến niềm vui” - Thống đốc Ohio Mike DeWine nói và hy vọng vaccine Covid-19 của Pfizer/BioNTech có thể được chuyển đến bang của ông trước ngày 15/12.

Trong khi đó, Công ty Moderna (Mỹ) khẳng định vaccine Covid-19 của họ cho hiệu quả 100% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh chuyển nặng ở giai đoạn thử nghiệm cuối cùng. Ngày 30/11, Moderna đã nộp đơn lên Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) để xin cấp phép sử dụng khẩn cấp (EUA) vaccine Covid-19 của họ tại quốc gia này.

Theo Moderna, vaccine của họ cho hiệu quả 94,1% trong việc ngăn ngừa Covid-19 và tới 100% trong việc ngăn ngừa các ca bệnh chuyển nặng. Hãng dược này còn cho biết vaccine Covid-19 của họ cho hiệu quả nhất quán giữa các độ tuổi, chủng tộc, dân tộc và giới tính.

“Chúng tôi có một vaccine cực kỳ hiệu quả. Chúng tôi có đầy đủ dữ liệu để chứng minh điều này”, Giám đốc Y tế của Moderna, ông Tal Zaks, cho biết và thêm rằng hiện họ đã xuất xưởng 20 triệu liều vaccine đủ để tiêm chủng cho 10 triệu người, riêng với Mỹ.

“Tất nhiên chúng tôi cũng đã chuẩn bị một cơ số lớn vaccine ngừa Covid-19 cho EU. Vấn đề còn lại là một quá trình đàm phán với Cơ quan Y tế châu Âu mà thôi”, Giám đốc Moderna nói.

Về phần mình, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus cho biết số ca nhiễm Covid-19 toàn cầu giảm lần đầu tiên kể từ tháng 9. Theo ông Ghebreyesus, nguyên nhân đến từ sự sụt giảm ở châu Âu, nơi những quốc gia như Pháp, Đức, Ý và Hà Lan tiến hành các biện pháp hạn chế mới để chống lại sự lây lan của virus.

Tuy nhiên, Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới cho rằng, “đây là một thông tin đáng hoan nghênh nhưng chúng ta vẫn phải cực kỳ cẩn trọng. Những diễn biến tích cực có thể chuyển biến xấu nhanh chóng. Hiện tại, số ca nhiễm và tử vong vì Covid-19 vẫn gia tăng ở phần lớn những khu vực khác trên thế giới”. Đồng thời, ông Ghebreyesus vẫn bày tỏ sự “lo ngại sâu sắc” đối với tình hình dịch bệnh ở Brazil và Mexico - nơi “số ca nhiễm và số ca tử vong đã tăng gấp đôi”.

Tiến sĩ Fauci, bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm cho rằng nếu được tiêm vaccine ngừa dịch Covid-19 thì người Mỹ có khả năng miễn dịch cộng đồng vào mùa thu năm 2021

2. Tiến sĩ Anthony Fauci, bác sĩ hàng đầu về bệnh truyền nhiễm của Chính phủ Mỹ, cho biết phần lớn người dân Mỹ có thể được tiêm vaccine ngừa dịch Covid-19 vào quý 2 năm sau và tạo ra khả năng miễn dịch cộng đồng vào mùa thu năm tới.

Trong một cuộc họp báo trực tuyến với Thống đốc bang Colorado Jared Polis, TS Fauci cho biết vào tháng 4/2021, phần đông người dân Mỹ sẽ bắt đầu được tiếp cận với vaccine, vốn đang được các cơ quan quản lý Mỹ xem xét. Vẫn theo ông Fauci, “nếu người Mỹ chấp nhận việc tiêm chủng thì hầu hết dân số Mỹ có thể tiêm phòng trước cuối tháng 8/2021”.

Vẫn theo vị chuyên gia hàng đầu về bệnh nhiễm trùng khi đã xuất hiện khả năng miễn dịch cộng đồng thì học sinh trở lại trường học bình thường, mọi người trở lại công việc một cách an toàn. Nhưng theo ông Fauci, điều đó có lẽ sẽ phải đợi đến mùa thu năm sau.

Trong khi đó, Tổng thống đắc cử Joe Biden (được cho là sẽ chính thức trở thành ông chủ Nhà Trắng kể từ ngày 3/1/2021) đã kêu gọi Quốc hội Mỹ thông qua dự luật viện trợ mạnh mẽ để phục hổi nền kinh tế trong khi dịch Covid-19 vẫn tiếp diễn ra và Mỹ vẫn là quốc gia có số người mắc SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới. Gói hỗ trợ này là 908 tỉ USD, theo đó 160 tỉ USD sẽ được cấp cho các bang và thành phố, 180 tỉ USD dành cho bảo hiểm thất nghiệp, 288 tỉ USD nhằm hỗ trợ thêm cho các doanh nghiệp nhỏ thông qua Chương trình Bảo vệ tiền lương... và hỗ trợ cho các lĩnh vực khác như hàng không, phát triển và phân phối vaccine, giáo dục, bưu chính.

Hiện nước Mỹ sắp “cán đích” 15 triệu ca nhiễm và gần 300.000 người chết do dịch Covid-19.

Trong khi Mỹ, EU ráo riết chuẩn bị tiêm vaccine Covid-19 trên diện rộng, thi châu Á lại đang phải đối mặt với “làn sóng Covid thứ ba”. Thông báo của WHO, châu Á với số dân đông nhất thế giới, mật độ dân số cũng cao nhất, trình độ phát triển không đồng đều cả về kinh tế lẫn y tế, thì để việc đối phó hiệu quả không thể không áp dụng những biện pháp bắt buộc cứng rắn. WHO cũng hoan nghênh một số quốc gia châu Á khi thực hiện phong tỏa nhanh ổ dịch, truy vết tích cực đồng thời áp dụng giãn cách xã hội khi cần thiết.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vaccine và hy vọng miễn dịch cộng đồng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO