Theo trang thống kê Worldometers, tới ngày 4/7, nước Mỹ ghi nhận hơn 34,5 triệu ca nhiễm, ca tử vong là 621.255. Tuy nhiên, cũng tại quốc gia này, lại có những điều được cho là “rất lạ” ngay cả khi bão táp Covid-19 hoành hành. Trong đó có câu chuyện về bang Vermont.
1.Bang Vermont của nước Mỹ là nơi đầu tiên trên thế giới tiêm chủng ít nhất một liều vaccine ngừa Covid-19 cho 80% dân số từ 12 tuổi trở lên. Chính vì thế, nơi đây được cho là an toàn nhất ở Mỹ và có thể là trên toàn thế giới.
Bà M.Cecille, một người tình nguyện giúp y tá địa phương tiêm chủng vaccine Covid-19 nói: “Tôi đã “thất nghiệp” hơn nửa tháng rồi. Vì người cần tiêm đã gần hết”. Hiện hàng ngày bà Cecille lại “lân la” tới chỗ các đội tiêm để tán chuyện cho đỡ buồn- theo cách nói của bà.
Còn trong một cuộc họp báo mới đây, Thống đốc bang Vermont, ông Phil Scott, nói rằng: “Tôi rất tự hào thông báo rằng Vermont hiện là bang đầu tiên trên toàn quốc tiêm chủng cho hơn 80% dân số từ 12 tuổi trở lên. Chúng tôi không chỉ dẫn đầu nước Mỹ mà còn dẫn đầu toàn cầu về tiêm vaccine ngừa Covid-19. Bang chúng tôi đã cho thế giới thấy điều gì sẽ đến khi bạn có thái độ đúng đắn khi theo dõi dữ liệu và tin tưởng vào khoa học y tế. Vaccine vẫn là vũ khí lợi hại của chúng ta”.
Nếu chỉ tính riêng người từ 18 tuổi trở lên, bang Vermont đã tiêm chủng cho 84% dân số. Đến nay, chỉ mới có 2 bang khác của Mỹ là Hawaii và Massachusetts tiêm chủng vượt ngưỡng 80% người từ 18 tuổi trở lên.
Bang Vermont đã dỡ bỏ hoàn toàn các hạn chế ngừa Covid-19. “Vaccine đã bảo vệ chúng tôi. Chúng tôi đã không phải đeo khẩu trang nữa. Từ ngày 14/5, chúng tôi đã bỏ quy định về khẩu trang của bang và các giới hạn đối với người được tiêm chủng. Còn tình trạng khẩn cấp của bang chính thức kết thúc vào ngày 15/6. Không còn bất kỳ hạn chế cấp bang nào về Covid-19”- ông Phil Scott nói nhưng vẫn thêm rằng người dân ở Vermont vẫn phải tuân thủ các quy định về dịch Covid-19 của liên bang, các doanh nghiệp vẫn có thể yêu cầu nhân viên đeo khẩu trang nếu cảm thấy cần thiết, và rằng “vẫn còn nhiều việc phải làm mới có thể hoàn toàn đẩy lùi được dịch Covid-19”.
Tờ New York Times cho biết mục tiêu mà Tổng thống Mỹ Joe Biden đưa ra cho cả nước trước đó là tiêm chủng cho 70% dân số trên 18 tuổi trước ngày 4/7/2021. Tuy nhiên, các chuyên gia lo ngại rằng tại các bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp, nhất là ở miền Nam nước Mỹ, có thể xảy ra các đợt bùng dịch mới. Chẳng hạn như Mississippi, đây là bang có tỉ lệ tiêm chủng thấp nhất cả nước trên đầu người, chỉ 35% người dân tiêm ít nhất một liều vaccine. Các bang lân cận, Alabama và Louisiana, có tỉ lệ tương đương, khoảng 37% người dân đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
2.Trong khi đó, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) tiếp tục cảnh báo hiện vẫn đang ở giai đoạn nguy hiểm của đại dịch Covid-19. Theo Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus tuyên bố: Thế giới đang ở giai đoạn vô cùng nguy hiểm trong đại dịch Covid-19 do biến thể Delta của virus SARS-CoV-2, khi mà biến thể này đã xuất hiện ở ít nhất 98 quốc gia.
“Virus này vô cùng nguy hiểm, vẫn tiếp tục đột biến và dần “thống trị” ở nhiều quốc gia, đặt thế giới vào thời kỳ rất nguy hiểm của đại dịch này”, ông Tedros nói và cho rằng hệ thống y tế nên theo dõi các đột biến mới của virus SARS-CoV-2 để liên tục thích ứng với chúng.
Nhấn mạnh tầm quan trọng của việc xét nghiệm lây nhiễm, phát hiện sớm, cách ly người nhiễm và điều trị, Tổng Giám đốc WHO chỉ ra sự cần thiết phải tuân thủ tất cả các biện pháp phòng ngừa như đeo khẩu trang, duy trì giãn cách xã hội và thông gió trong phòng.
Cùng đó, cộng đồng quốc tế cần giúp đỡ lẫn nhau về vaccine phòng Covid-19, máy thở, thuốc men và các xét nghiệm, đồng thời tăng tốc độ tiêm chủng. “Đây là cách tốt nhất để làm chậm đại dịch Covid-19, cứu sống, thúc đẩy sự phục hồi kinh tế toàn cầu và ngăn chặn sự gia tăng của các biến thể mới nguy hiểm của virus SARS-CoV-2”, ông Tedros kêu gọi.
Hiện biến thể Delta xuất hiện đầu tiên tại Ấn Độ được cho là virus nguy hiểm nhất lây lan Covid-19. Tốc độ lây lan của nó được cho là hơn 50% so với chủng cũ. Một điểm đáng chú ý nữa là đã xuất hiện những nghi ngờ rằng Delta có khả năng “trốn” được các loại vaccine hiện có.
Tuy nhiên, các nhà khoa học Vương quốc Anh cho rằng, nghi ngờ đó là không có cơ sở khi hầu hết người đã được tiêm chủng (vaccine AstraZeneca) không bị tái lây nhiễm. Trường hợp hãn hữu thì hầu hết không có triệu chứng, có nghĩa là rất nhẹ, không ảnh hưởng đến sức khỏe cũng như tính mạng.
Dẫu thế, nhiều quốc gia châu Á hiện đang phải vật lộn với biến thể Delta. Trong đó, Indonesia hôm 2/7 ghi nhận thêm 539 ca Covid-19 tử vong và 25.830 ca nhiễm, đánh dấu ngày có số ca tử vong và số ca nhiễm mới đều ở mức cao kỷ lục, theo Reuters. Còn tại Philippines, tổng số ca tử vong và số ca nhiễm lên lần lượt 24.973 và 1.424.518 ca (theo tờ The Philippine Star).
Ngày 4/7, tờ Telegraph (Anh) đưa tin: Các nhà nghiên cứu tại Đại học London mới đây đã phát hiện khả năng chống lại virus SARS-CoV-2 trong những trường hợp từng bị cảm lạnh thông thường. Theo nhóm nghiên cứu, cơ thể của những người này đã khai thác khả năng ghi nhớ của các tế bào “T” trong những lần chống lại mầm bệnh xâm nhập trước đó. Tế bào “T” là một loại tế bào bạch cầu miễn dịch, có nhiệm vụ chủ yếu là phát hiện và tiêu diệt các tế bào mầm bệnh. Nó thường ghi nhớ những lần nhiễm bệnh đã xảy ra và sẽ lưu lại trong cơ thể để dò tìm, phát hiện những mầm bệnh mới xâm nhập vào cơ thể. Tế bào “T” có thể trực tiếp tiêu diệt tế bào hoặc kích hoạt các yếu tố khác trong hệ miễn dịch để chống lại mầm bệnh.
“Dấu hiệu này cho thấy khả năng tự bảo vệ bắt nguồn từ các lần nhiễm virus gây bệnh cảm lạnh thông thường (HcoVs) trước đó. Thực sự có thể có một thứ gọi là “vật chất miễn dịch tiềm ẩn” chống lại SARS-CoV-2, ít nhất là ở một số người đã nhiều lần nhiễm HCoV trước đại dịch” - Giáo sư Francois Balloux (Đại học London) cho biết. Điều này cũng có nghĩa là thêm một gợi ý cho việc nghiên cứu cách phòng, chống Covid-19.