Vải thiều chính thức vào thị trường Pháp: Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

Minh Phương 14/06/2021 08:00

Pháp là một thị trường có nhiều quy chuẩn khắt khe trong khối EU. Lô vải đầu tiên được xuất khẩu sang thị trường này khẳng định, nông sản Việt hoàn toàn có khả năng cạnh tranh mạnh mẽ, khẳng định thương hiệu của mình tại bất cứ thị trường nào trên thế giới, kể cả thị trường khó tính nhất.

Lô vải có dán tem truy xuất nguồn gốc đầu tiên đã “cập bến” tại thị trường Pháp.

Ngày 12/6, lô hàng đặc sản vải thiều đầu tiên gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại - Bộ Công thương phát triển đã được nhập khẩu chính ngạch vào Pháp qua đường hàng không. Theo Bộ Công thương, lô hàng này đã tận dụng được lợi thế về ưu đãi thuế quan từ Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh Châu Âu (EVFTA).

Đại diện Cục Xúc tiến thương mại cho biết, với tem truy xuất nguồn gốc itrace247, người tiêu dùng tại Pháp không những có thể ngay lập tức tiếp cận với thông tin sơ bộ về nhà xuất khẩu, quy trình chế biến hay các chứng nhận chất lượng của nhà xuất khẩu, mà toàn bộ lịch trình chi tiết từ quá trình nuôi trồng, chăm sóc, thu hoạch hay đóng gói đều được hiển thị rõ ràng theo trình tự thời gian.

Với xu thế mới trên thế giới hiện nay là tiêu dùng có trách nhiệm, những gì tem truy xuất nguồn gốc itrace247 mang lại không chỉ đáp ứng được xu thế tiêu dùng mới trong việc minh bạch thông tin, thiết lập mối liên kết từ trang trại tới bàn ăn, mà còn thể hiện rõ nét hình ảnh về chính sách quản lý có chiến lược và trách nhiệm của Việt Nam.

Ông Vũ Anh Sơn, phụ trách Thương vụ Việt Nam tại Cộng hòa Pháp cho biết, quá trình phối hợp với các cơ quan, doanh nghiệp (DN) của Việt Nam và nhà nhập khẩu Pháp để đưa vải thiều Việt Nam sang Pháp gặp khá nhiều khó khăn.

Do dịch Covid-19, khâu kết nối DN vướng một số vấn đề như không có hàng mẫu để chào hàng tới nhà nhập khẩu, khách hàng Pháp không trực tiếp sang được Việt Nam để kiểm tra vùng trồng và chất lượng quả vải…

Tuy nhiên, sau nhiều nỗ lực quảng bá, giới thiệu, kết nối bằng phương pháp trực tuyến giữa 2 bên, đơn hàng xuất khẩu trái vải thiều Việt Nam, xuất xứ từ vùng trồng Thanh Hà, tỉnh Hải Dương đã được Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Dịch vụ Rồng Đỏ đưa sang Pháp thành công và sẽ có mặt trên kệ hàng của hệ thống siêu thị Á Châu tại Paris.

Ông Vũ Bá Phú, Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại cho hay, công tác quảng bá về trái vải Việt Nam tại thị trường Pháp nói riêng và EU là hết sức quan trọng. Trước đến nay, chưa nhiều người Pháp biết đến hương vị thơm ngon đặc trưng của đặc sản vải thiều Việt Nam.

“Cục Xúc tiến thương mại đang phối hợp với Thương vụ Việt Nam tại Pháp cùng nhiều Thương vụ Việt Nam tại khu vực thị trường EU để thiết kế, thực hiện các hoạt động tuyên truyền, quảng bá trái vải cũng như nhiều mặt hàng nông sản, thực phẩm tiềm năng và triển vọng khác của Việt Nam tại EU”, ông Phú cho biết.

Ước tính, tổng số lượng sản phẩm vải thiều mà thị trường Châu Âu cần nhập khẩu mỗi năm khoảng 20.000 đến 25.000 tấn. Trước năm 2017, phần lớn trái vải được nhập khẩu qua cảng biển của Bỉ nhưng sau khi Pháp có đường vận chuyển trực tiếp, lượng nhập khẩu vải qua Bỉ đã giảm từ 14.000 tấn (2016) xuống còn 7.000 tấn (2017). Hiện nay, Pháp là thị trường nhập khẩu vải lớn thứ 2 sau Hà Lan và là thị trường đầu vào cho Châu Âu. Một phần không nhỏ vải nhập khẩu vào Pháp thông qua đường hàng không.

Số liệu nêu trên cho thấy tiềm năng cho trái vải Việt Nam tại thị trường Pháp rất lớn. Cho tới nay, trái vải của Việt Nam dù vẫn được nhập vào thị trường này song đều qua các kênh nhập khẩu số lượng nhỏ, nhập khẩu chung với các loại trái cây khác và gần như chưa được phân phối tại các hệ thống siêu thị lớn tại Pháp.

Trong bối cảnh đó, lô hàng gần 1 tấn vải thiều đầu tiên có gắn tem truy xuất nguồn gốc itrace247 do Cục Xúc tiến thương mại phát triển được nhập khẩu chính ngạch qua đường hàng không vào thị trường này có ý nghĩa “khai thông” quan trọng cho trái vải nói riêng và nông sản Việt chất lượng cao nói chung.

Dự kiến, trong vụ vải năm nay, mỗi tuần sẽ có đơn hàng tương tự được nhập khẩu vào Pháp để thăm dò thị trường và hướng tới kế hoạch chúng ta sẽ xuất khẩu hơn 10 tấn vải qua đường hàng không và đường biển trong năm 2022, nếu như DN xuất khẩu Việt Nam có thể đảm bảo được chất lượng.

Được biết, thời gian qua, để chinh phục thị trường Châu Âu, Vụ Thị trường Châu Âu - Châu Mỹ, Bộ Công thương đã có những chỉ đạo sát sao tới các Thương vụ Việt Nam tại khu vực Châu Âu về việc tăng cường các hoạt động hỗ trợ phát triển thị trường cho DN, sẵn sàng đương đầu với những thách thức để tìm hướng đi mới, nâng tầm cho nông sản Việt Nam.

Về kế hoạch sắp tới để đưa nhiều hơn nữa các mặt hàng Việt Nam tiếp cận thị trường Pháp và EU, Thương vụ Việt Nam tại Pháp cho biết, sẽ phối hợp với Cục Xúc tiến thương mại đẩy mạnh tìm kiếm, kết nối các DN Việt Nam với các nhà nhập khẩu tại Pháp và EU, mở ra cơ hội cho không chỉ mặt hàng nông sản mà các sản phẩm chất lượng khác của Việt Nam được quảng bá rộng rãi tới người tiêu dùng tại Pháp và EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vải thiều chính thức vào thị trường Pháp: Năng lực cạnh tranh của nông sản Việt

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO