Vải thiều tiêu thụ thuận lợi trên các sàn thương mại điện tử

Mạnh Minh - Diệp Anh 28/05/2021 06:11

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hải Dương, từ khi được giới thiệu và bán trên các sàn thương mại điện tử, vải thiều Thanh Hà của Hải Dương được tiêu thụ thuận lợi.

Vải thiều Hải Dương đã sẵn sàng cho một mùa tiêu thụ hứa hẹn hiệu quả cao.

Với sự hỗ trợ của Cục Xúc tiến Thương mại, Bộ Công thương, vải thiều Hải Dương được mở bán chính thức trên sàn Sendo từ ngày 24/5 và kết quả đã tiêu thụ được 6 tấn chỉ trong ngày đầu mở bán. Đến nay, sau 3 ngày triển khai, Sendo đã bán được 14 tấn vải, vượt kế hoạch đề ra ban đầu là bán 12 tấn vải trong 4 ngày.

Với phương châm hỗ trợ để người tiêu dùng mua được sản phẩm chính hãng giá tốt, hiện nay, Sendo cho biết cam kết cắt giảm tối đa chi phí và lợi nhuận thấp nhất để hỗ trợ người tiêu dùng. Cụ thể, hiện tại vải thiều Thanh Hà đang được bán với các mức giá 18.000 đồng/kg với 1.000 mã miễn phí vận chuyển tối đa 30.000 đồng/đơn hàng. Đồng thời, phối hợp cùng ứng dụng ZaloPay, chương trình còn có thêm 1.500 mã miễn phí vận chuyển khi thanh toán theo cách này, tối đa 35.000 đồng/đơn hàng.

Theo đại diện doanh nghiệp, những ngày qua, đội ngũ nhân sự của doanh nghiệp đã xuống tận nơi hướng dẫn người nông dân và các hợp tác xã mở gian hàng và đăng bán sản phẩm lên sàn. Cùng đó, hướng dẫn nông dân và hỗ trợ cách đóng gói để giữ độ tươi ngon cho quả vải cũng như tiết kiệm chi phí cho nông dân. Để đẩy mạnh quảng bá cho sản phẩm vải thiều Thanh Hà tiếp cận với nhiều đối tượng khách hàng, Sendo cũng đã đưa hình ảnh vải thiều trên các ứng dụng Sendo và mạng xã hội.

Tương tự, tại các sàn thương mại điện tử Lazada, mỗi ngày Lazada tiêu thụ trung bình khoảng 2 tấn vải thiều. Do hướng đến phân khúc khách hàng cao cấp, doanh nghiệp này tiêu thụ vải tại các vùng nguyên liệu đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu sang Nhật Bản nên giá bán tại Lazada cao hơn so với mặt bằng tại sàn Sendo.

Tại sàn thương mại điện tử voso.vn của Viettel Post, đến nay đã có 2.000 khách hàng đặt mua vải với mỗi đơn hàng tối thiểu 5 kg và tối đa 20 kg. Đối với khách hàng mua qua sàn voso.vn, đơn vị đang ưu đãi cước vận chuyển, áp dụng như nhau cho tất cả các đơn hàng ở các tỉnh, thành phố trong cả nước.

Bà Lương Thị Kiểm, Chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và Bảo vệt thực vật Hải Dương cho hay, hiện đang vào cao điểm thu hoạch vải sớm. Tại huyện Thanh Hà có khoảng 100 điểm cân vải. Ước tính, đến nay Hải Dương đã tiêu thụ được từ 30-40% sản lượng vải sớm. Giá vải dao động từ 18.000-30.000 đồng/kg tại vườn. Thời điểm vải thiều sớm sẽ thu hoạch rộ khoảng 1 tuần tới.

Bên cạnh đó, hiện nay các doanh nghiệp xuất khẩu vải đi các thị trường cũng đang tăng tối đa công suất để làm hàng xuất khẩu. Lô vải thiều Thanh Hà đầu tiên của niên vụ 2021 đã cập bến thị trường Nhật Bản và lô vải đi Singapore đã rời cảng Hải Phòng sang thị trường Singapore. Ngày 24/5, vải đã được doanh nghiệp tiến hành chiếu xạ để xuất khẩu sang Australia.

Trong một nỗ lực khác, rạng sáng 27/5, những lô vải thiều đầu tiên trong mùa vụ 2021 của tỉnh Bắc Giang đã khởi hành sang Nhật Bản trên các chuyến bay của Vietnam Airlines.

Hai chuyến bay chở vải được ghi nhận trong rạng sáng nay là VN310 khởi hành từ Hà Nội đi Narita và VN330 khởi hành từ Hà Nội đi Osaka. Tổng khối lượng vải xuất Nhật Bản trên hai chuyến gần 10 tấn, đều được xử lý bằng Methyl Bromide.

Trong đợt xuất hành này, Vietnam Airlines đã triển khai phương án chở vải thiều trên tàu thân rộng Boeing 787 và Airbus A350. Đây là các dòng tàu bay thân rộng có trang thiết bị hiện đại và sức tải lớn nhất trong đội bay của Vietnam Airlines, giúp đảm bảo hiệu quả vận tải hàng tươi sống ở mức độ cao nhất. Bên cạnh đó, các chuyến bay chở hàng của Vietnam Airlines cũng tuân theo những tiêu chuẩn phòng, chống dịch bệnh chặt chẽ để ngăn ngừa ảnh hưởng của Covid-19 như: khử khuẩn tàu bay sau mỗi chuyến bay, phi hành đoàn, nhân viên hàng hóa đều trang bị bảo hộ y tế khi tác nghiệp…

Theo thông tin từ Sở NN&PTNT tỉnh Hải Dương, hiện nay địa phương có 45 vùng sản xuất theo tiêu chuẩn quốc tế và theo quy trình GlobalGAP với diện tích 450 ha, sản lượng dự kiến 2.500 tấn; diện tích sản xuất theo VietGAP là 6.300 ha; diện tích được cấp chứng nhận GAP là 1.000 ha. Cùng với đó, diện tích được cấp mã số vùng trồng phục vụ xuất khẩu, tổng diện tích khoảng 8.000 ha. Hiện tại, vải thiều trà sớm (U trứng, U hồng) đang thu hoạch. Dự kiến trà vải sớm khoảng 30.000 tấn; trà vải thiều chính vụ khoảng 25.000 tấn, tăng khoảng 15.000 tấn so với niên vụ năm 2020.

Các diện tích trên đã được ngành nông nghiệp Hải Dương quy hoạch chi tiết thành các vùng sản xuất theo nhu cầu thị trường xuất khẩu và các kênh tiêu thụ nội địa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vải thiều tiêu thụ thuận lợi trên các sàn thương mại điện tử

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO