Vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường

Nguyễn Phượng 03/10/2020 08:17

Các địa phương đã triển khai nhiều mô hình bảo vệ môi trường, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở thờ tự…

Đồng bào Công giáo quận Đống Đa chung tay bảo vệ môi trường.

Ngày 2/10, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT, Kết luận số 02/KL-ĐCT của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam về đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của MTTQ Việt Nam trong công tác dân tộc, tôn giáo và Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020.

Phó Chủ tịch không chuyên trách UBTƯ MTTQ Việt Nam, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Nguyễn Lan Hương chủ trì Hội nghị.

Thực hiện Chương trình phối hợp phát huy vai trò của các tôn giáo tham gia bảo vệ môi trường, ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2016-2020, từ 3 mô hình điểm cấp thành phố, nay các địa phương đã triển khai thêm nhiều mô hình bảo vệ môi trường, môi trường sinh thái, ứng phó với biến đổi khí hậu tại các cơ sở thờ tự; vận động các tín đồ tôn giáo chung tay bảo vệ môi trường, cảnh quan thiên nhiên…

Tiêu biểu như mô hình “Xây dựng nếp sống văn hóa văn minh, hạn chế đốt vàng mã” trong các cơ sở thờ tự trên địa bàn quận Hai Bà Trưng, hay mô hình “Tác hại của việc đốt rơm rạ và các giải pháp hạn chế đốt rơm rạ bằng chế phẩm sinh học, xử lý rơm rạ làm phân hữu cơ cung cấp dưỡng chất cho đất” trên địa bàn huyện Đông Anh và Đan Phượng.

Đặc biệt mô hình “Hạn chế sử dụng than tổ ong trên địa bàn quận Hoàn Kiếm và quận Ba Đình” đã thật sự phát huy tác dụng.

Nhận thức được tầm quan trọng của bảo vệ môi trường và biến đổi khí hậu, từ nhiều năm nay Giáo hội Các Thánh hữu ngày sau của Chúa Giê Su Ky Tô xác định việc bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu là trách nhiệm của mỗi tín đồ. Do đó, Giáo hội luôn chú trọng tuyên truyền đến từng cá nhân, từng lớp học, từng nhóm sinh hoạt của các tín hữu. Mỗi nhà đều có thùng rác tái chế và rác hữu cơ được đặt trước cửa ra vào; ý thức của các tín hữu trong bảo vệ môi trường có sự thay đổi cơ bản.

Thực hiện Kết luận số 01/KL-ĐCT, Kết luận 02/KL-ĐCT về công tác dân tộc, tôn giáo, MTTQ các cấp trên địa bàn thành phố Hà Nội đã đổi mới nội dung, phương thức tiếp cận đối với đồng bào các dân tộc thiểu số và đồng bào Công giáo.

5 năm qua, MTTQ các địa phương đã vận động hỗ trợ xây sửa 365 nhà cho bà con vùng đồng bào dân tộc tại 5 huyện với tổng kinh phí hơn 13 tỷ đồng. Bên cạnh đó, thành phố cũng đã tổ chức 3.350 lượt thăm hỏi, tiếp xúc với chức sắc các tôn giáo nhằm nắm bắt tâm tư, nguyện vọng của chức sắc.

Phát biểu tại Hội nghị, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội Nguyễn Lan Hương cho biết, MTTQ các cấp, Sở Tài nguyên - Môi trường và các tổ chức tôn giáo ở các địa phương đã đẩy mạnh tuyên truyền Kết luận 01, Kết luận 02 về công tác dân tộc và tôn giáo một cách sâu rộng, nhất là đối với vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số, đồng bào có đạo.

Đa dạng hóa các hình thức tập hợp quần chúng trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, thu hút ngày càng đông đảo đồng bào các tôn giáo tham gia sinh hoạt, hoạt động trong các tổ chức đoàn thể, hội quần chúng.

Nhân dịp này, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội tặng Bằng khen cho 38 tập thể, cá nhân có thành tích trong công tác dân tộc, tôn giáo.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vai trò của các tôn giáo trong bảo vệ môi trường

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO