Văn bản ban hành chậm: Doanh nghiệp bán chui nhà xưởng, trốn BHXH

Hoài Vũ 15/03/2016 09:10

Ngày 14/3, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội đã tổ chức cuộc giám sát nghe Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; Bộ Y tế báo cáo về tình hình triển khai thi hành Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) và tiến độ xây dựng, ban hành văn bản hướng dẫn Luật An toàn, vệ sinh lao động. Đáng chú ý Luật BHXH đã có hiệu lực từ 1/1/2016 nhưng đến nay vẫn chưa có Nghị định hướng dẫn thực hiện.

Vướng “như gà mắc thóc

Luật BHXH có hiệu lực từ 1/1/2016 nhưng đến nay chưa có Nghị định quy định chi tiết hướng dẫn thực hiện. Báo cáo về việc chậm tiến độ ban hành văn bản, ông Phạm Minh Huân, Thứ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐTBXH) cho biết, hướng dẫn thực hiện Luật BHXH có 3 Nghị định bao gồm: Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật BHXH về BHXH bắt buộc đối với người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam; Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung; Nghị định về thực hiện chức năng thanh tra chuyên ngành về đóng BHXH, bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm y tế của cơ quan BHXH. Theo ông Huân, vướng, lằng nhằng nhất vẫn là Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật BHXH về bảo hiểm hưu trí bổ sung. Còn 2 Nghị định còn lại đang được Chính phủ lấy ý kiến. Vấn đề bảo hiểm tự nguyện đang giao cho Bộ Tài chính chủ trì vì liên quan đến vấn đề ngân sách. “Trong tháng 3 sẽ tổ chức triển khai 3 Nghị định, như vậy cũng là muộn vì Luật có hiệu lực từ 1/1. Cố gắng trong quý II sẽ ban hành hết các văn bản. Luật ra rồi mà thiếu văn bản nên khó khăn trong thực hiện vì vậy chúng tôi đang cố gắng đẩy nhanh tiến độ”- ông Huân bày tỏ.

Theo ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam, BHXH Việt Nam đầu tư cho tuyên truyền mới chỉ là bề nổi thông qua báo chí còn người lao động là người hưởng thụ trực tiếp thì tiếp cận chưa được nhiều. Vì vậy làm sao để họ hiểu biết nhiều hơn. Nêu lên một số bất cập khi thực hiện Luật BHXH, ông Chính cho biết, cuối năm 2015 có tình trạng một số doanh nghiệp bán chui nhà xưởng và tài sản của doanh nghiệp cho người khác để trốn nợ BHXH. Doanh nghiệp cũ thì biến mất, còn doanh nghiệp mới thì chối bỏ trách nhiệm về những khoản nợ BHXH hàng chục tỷ đồng của người lao động. Người lao động trở thành con tin giữa cơ quan BHXH với doanh nghiệp, nếu doanh nghiệp chưa đóng, chưa trả nợ BHXH thì người lao động chưa được giải quyết quyền lợi BHXH dù có bị ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp hay đến tuổi nghỉ hưu hoặc chốt trả hồ sơ BHXH để chuyển sang đơn vị mới.

Để xây dựng các quy trình khởi kiện theo đúng Bộ luật tố tụng dân sự sửa đổi thì còn phải chờ các văn bản hướng dẫn thi hành Bộ luật, chính vì thế ông Chính đề nghị, trong khoảng thời gian này BHXH Việt Nam vẫn tiếp tục khởi kiện các doanh nghiệp nợ BHXH theo các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự hiện hành để đảm bảo nguồn thu cho quỹ và quyền lợi cho người lao động.

Ông Bùi Sỹ Lợi, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội chỉ rõ: Rất gay vì thiếu văn bản hướng dẫn. Tôi đi thực tế xuống đến địa phương thấy cơ sở vướng “như gà mắc thóc”. Phải đẩy nhanh tiến độ để Luật được sớm đi vào cuộc sống. “Chúng ta chậm 1 ngày không sao nhưng người lao động trông chờ vào từng ngày, từng giờ. Trong khi đó cán bộ nhà nước thì cứ nằm chờ không dám làm vì Luật chưa có văn bản hướng dẫn. Không dại gì mà họ làm, làm không khéo lại sai. Cho nên chúng ta cần giải quyết sớm”-ông Lợi nêu rõ.

Trách nhiệm thuộc về ai?

Trong khi đó, Luật An toàn vệ sinh lao động sẽ có hiệu lực từ 1/7/2016, chỉ còn 3,5 tháng nữa là có hiệu lực nhưng đến nay việc ban hành Nghị định quy định chi tiết, hướng dẫn thực hiện vẫn đang loay hoay, chưa đạt được sự thống nhất từ các bộ, ngành từ phía Chính phủ. Ông Đỗ Trung Hưng, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Bộ Y tế cho biết, hiện Bộ đã cử cán bộ tham gia soạn thảo xây dựng nội dung Nghị định quy định chi tiết một số điều về bảo hiểm tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật An toàn vệ sinh lao động; Nghị định quy định hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động, huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động và quan trắc môi trường lao động.

Trong khi đó, ông Hà Tất Thắng, Cục trưởng Cục An toàn lao động, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội cho biết, Luật này gồm có 4 Nghị định, trong đó 3 Nghị định sẽ được Chính phủ ban hành ngay, còn 1 Nghị định về bảo hiểm tai nạn lao động theo hình thức tự nguyện sẽ xây dựng vào năm 2017 và trình Chính phủ ban hành vào năm 2018.

Nhiều thành viên trong Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội cho rằng, đang còn mắc ở khâu thẩm định, có cái nằm ở bàn Chính phủ nhưng vẫn chưa ban hành. Và từ đó đưa ra câu hỏi: Vậy còn văn bản nào trình mà chưa ban hành? Lý do vướng mắc là do đâu khi chưa được Chính phủ xem xét? Như lời Ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội Nguyễn Thị Kim Thúy: Luật có ra thì mới hướng dẫn, Nghị định Luật Vệ sinh an toàn lao động còn 3,5 tháng nữa bắt đầu có hiệu lực, nhưng nhiều văn bản vẫn đang nghiên cứu, chưa có sự thống nhất từ các bộ, ngành. Vậy đến thời điểm Luật có hiệu lực từ 1/7 thì có thực hiện được không?

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn bản ban hành chậm: Doanh nghiệp bán chui nhà xưởng, trốn BHXH

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO