Vấn đề Syria: Mỹ đưa ra tín hiệu tích cực sau cuộc điện đàm Trump-Putin

Khánh Duy 04/05/2017 07:30

Chính quyền Washington đã đưa ra tín hiệu tích cực sau khi cử một quan chức cấp cao của Bộ Ngoại giao với tư cách đại diện tới tham dự vòng đàm phán mới về vấn đề Syria ở Astana, khởi động trong hôm 3/5. Động thái trên tiếp nối sau một cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga và Mỹ, trong đó thảo luận về giảm thang căng thẳng ở Syria.

Cuộc điện đàm giữa lãnh đạo Nga-Mỹ được cả hai bên đánh giá cao. (Nguồn: Reuters).

Trước đây, trong 2 vòng đàm phán về lệnh ngừng bắn Syria - được Nga, Thổ Nhĩ Kỳ, Iran bảo trợ và tổ chức tại Kazakhstan - Mỹ từng cử các quan sát viên tới tham dự. Tuy nhiên các đại diện của họ tham dự vòng họp lúc bấy giờ là Đại sứ Mỹ tại Kazakhstan, ông George Krol.

Lần này, đại diện được phía Mỹ cử tới tham gia đàm phán là cố vấn của Ngoại trưởng Mỹ về chính sách Cận Đông, ông Stuart Jones, người trước đây từng làm Đại sứ Mỹ tại Iraq trong khoảng 2014-2016 và Đại sứ Mỹ tại Jordan trong khoảng 2011-2014, theo Bộ Quốc phòng Mỹ.

“Sự tham gia của Đại sứ Jones với tư cách quan sát viên của Mỹ cho thấy tín hiệu ủng hộ đối với giải pháp chính trị cho cuộc khủng hoảng ở Syria” - Đại sứ quán Mỹ tại Syria, vốn đã đóng cửa ở Damascus từ năm 2012 nhưng vẫn hoạt động thông qua các nhiệm vụ ngoại giao khác, viết trên Twitter.

Nhấn mạnh rằng Mỹ ủng hộ “tất cả các cuộc thảo luận có thể dẫn tới việc giảm thang tình trạng bạo lực” và đảm bảo được tuyến đường viện trợ nhân đạo tới cộng đồng người dân Syria đang phải hứng chịu hậu quả của chiến tranh, Đại sứ quán Mỹ cùng lúc cũng tỏ ý hoài nghi về hiệu quả của các vòng đàm phán tổ chức ở Astana, Kazakhstan.

Tuyên bố trên được đưa ra sau khi phía Nhà Trắng mô tả cuộc điện đàm giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Tổng thống Nga Vladimir Putin là “rất tốt đẹp”. Cả hai nhà lãnh đạo đã có cuộc thảo luận sâu rộng về tình hình ở Syria, trong đó gồm đề xuất thiết lập “vùng an toàn” mà ông Trump từ lâu đã đề cập tới.

Dù không đưa ra chi tiết về cuộc điện đàm này, Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã đánh giá nó là “một cuộc điện đàm rất hữu ích”.

“Đó là một cuộc điện đàm rất, rất hữu ích, rất nhiều cuộc trao đổi chi tiết” - ông Tillerson nói ngay trước khi tham gia cuộc họp với Ngoại trưởng Arab Saudi, Adel al-Jubeir.

Về phần mình, Moscow nói rằng cuộc trao đổi giữa hai nhà lãnh đạo “mang tính chất xây dựng” và “rõ ràng”.

Hồi tháng 3 vừa qua, Bộ Ngoại giao Kazakhstan cho hay phái đoàn Mỹ tham dự các vòng họp tại Astana sẽ có sự góp mặt của cả một đại diện đến từ Washington cùng với Đại sứ Krol. Tuy nhiên, cơ quan này không đưa ra chi tiết về vị quan chức sẽ tới tham dự.

Cuộc điện đàm vừa qua giữa ông Trump và Putin là cuộc nói chuyện đầu tiên giữa lãnh đạo Nga-Mỹ kể từ sau khi quân đội Mỹ tung đòn tấn công tên lửa nhằm vào một căn cứ quân sự của chính phủ Syria nhằm đáp trả cáo buộc tấn công hóa học ở tỉnh Idlib được cho là dẫn tới cái chết của hàng loạt thường dân trong đó có cả trẻ em.

Bất chấp chính phủ Syria đã cực lực bác bỏ mọi cáo buộc tới sự việc này, chính quyền Washington vẫn nói rằng vụ phóng tên lửa là hành động phản ứng hợp lý. Một số nhân viên quân đội chính phủ Syria cũng như thường dân đã thiệt mạng trong vụ tấn công tên lửa. Nga đã lên án vụ tấn công là hành động vi phạm chủ quyền, trong bối cảnh quan hệ với Mỹ xuống thấp kỷ lục.

Tổng thống Putin và Tổng thống Trump đã quyết định “kích hoạt cơ chế đối thoại giữa người đứng đầu Bộ Ngoại giao ở cả hai nước nhằm đảm bảo cơ chế ngừng bắn, bình ổn và kiểm soát nó” - Tuyên bố từ Điện Kremlin cho hay - “Mục tiêu là tạo nên cơ sở để triển khai tiến trình hòa bình thực sự ở Syria”.

Ngoài vấn đề Syria, lãnh đạo hai bên cũng thảo luận về vấn đề Triều Tiên và chương trình hạt nhân, tên lửa của nước này và cách thức giảm thang căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên thông qua các kênh ngoại giao.

Triều Tiên đã nhận được phản ứng phẫn nộ từ Mỹ và các nước láng giềng trong khu vực sau khi thực hiện nhiều vụ thử nghiệm tên lửa mới đây. Căng thẳng giữa Mỹ và Triều Tiên gia tăng kể từ sau khi Tổng thống Trump nói rằng, ông sẽ tìm cách ngăn chặn nước này phát triển vũ khí hạt nhân và thử nghiệm tên lửa. Mới đây, Mỹ đã triển khai xong hệ thống phòng thủ THAAD trên lãnh thổ Hàn Quốc như một biện pháp đối phó với tên lửa từ Triều Tiên.

Trong khi đó, Moscow đã lên án động thái này và thúc giục Washington và Seoul cân nhắc lại quyết định này, nói rằng hệ thống phòng thủ tên lửa THAAD sẽ trở thành “nhân tố gây bất ổn” trong khu vực.

Trong cuộc điện đàm vừa qua, hai nhà lãnh đạo cũng thảo luận về khả năng tổ chức một cuộc họp bên lề hội nghị thượng đỉnh G20 dự kiến tổ chức trong tháng 7 tới.

Vòng đầu tiên của cuộc đàm phán hòa bình ở Astana giữa các đại diện của phe nổi dậy và chính phủ Syria tổ chức hồi tháng 12 năm ngoái đã đạt được một bước đột phá là một lệnh ngừng bắn được áp dụng trên phạm vi toàn quốc, có hiệu lực từ ngày 30/12/2016. Đóng vai trò bảo trợ lệnh ngừng bắn này là Thổ Nhĩ Kỳ, Nga và Iran. Các vòng đàm phán hiện tại tổ chức trong hai ngày 3 và 4/5 sẽ có sự góp mặt của đặc phái viên LHQ về vấn đề Syria, Staffan de Mistura cũng như các đại diện đến từ Jordan.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn đề Syria: Mỹ đưa ra tín hiệu tích cực sau cuộc điện đàm Trump-Putin

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO