Vấn đề vùng cấm bay 'hâm nóng' chiến sự Syria

Khánh Duy 16/02/2016 21:43

Tình hình xung quanh chiến sự ở Syria dường như nóng bỏng hơn bao giờ hết, sau khi Thủ tướng Đức Angela Merkel lên tiếng ủng hộ đề xuất thiết lập vùng cấm bay gây tranh cãi ở miền Bắc nước này nhằm kiềm chế khủng hoảng di cư, trong khi cũng ủng hộ ý tưởng của Thổ Nhĩ Kỳ lập “vùng đệm” dọc biên giới nước này với Syria.

Vấn đề vùng cấm bay 'hâm nóng' chiến sự Syria

Máy bay ném bom Su-24 của Nga cất cánh từ căn cứ Hemeimeem
ở tỉnh Latakia, Syria. (Nguồn: RT).

Tờ Stuttgarter Zeitung của Đức hôm nay, 16/2 dẫn lời Thủ tướng Angela Merkel, nói rằng: “Trong tình hình hiện tại thì vùng cấm bay là điều có lợi, nếu có một khu vực như vậy thì không bên nào được phép tổ chức các cuộc không kích nữa”.

Nhắc lại lời kêu gọi từ trước đó của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc thành lập một vùng cấm bay ở nhiều vùng của Syria, bà Merkel cũng nhấn mạnh rằng, trong khi không thể đàm phán với những kẻ khủng bố từ tổ chức phiến quân Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) thì điều quan trọng nhất chính là “phe nổi dậy và những người ủng hộ chính quyền Assad đạt được một thỏa thuận”.

Lời kêu gọi của Berin, vốn đã nhằm xoa dịu Thổ Nhĩ Kỳ trong suốt nhiều tháng qua, tuy nhiên lại đi ngược lại chính sách của NATO. Khối liên minh này hồi tuần trước từng bác bỏ đề xuất lập vùng cấm bay ở Syria. Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã nói rằng NATO sẽ để quyền quyết định thiết lập vùng cấm bay ở Syria cho liên minh chống IS mà Mỹ dẫn đầu.

Phản ứng mà ông Stoltenberg đưa ra hồi cuối tuần trước xuất hiện sau khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan nhắc lại lời kêu gọi thiết lập một vùng an toàn ở Syria, cho rằng đó là cách duy nhất để đối phó với cuộc khủng hoảng di cư hiện nay.

Trong khi đó, Nga - quốc gia đang thực hiện chiến dịch không kích hết sức hiệu quả chống lại IS ở Syria - đã không ít lần cảnh báo rằng việc thiết lập một “khu vực an toàn” như vậy sẽ chỉ có lợi cho những kẻ khủng bố và khiến Syria thêm phần bị chia cắt. Trong khi một vùng cấm bay có thể đảm bảo rằng máy bay không thể đi vào vùng không phận được bảo vệ, nhưng nó lại không thể ngăn chặn chiến sự ở dưới mặt đất.

Hôm đầu tuần, Thứ trưởng Nga Gennady Gatilov cũng khẳng định rằng quân đội Nga sẽ tiếp tục không kích các vị trí có khủng bố trên lãnh thổ Syria.

“Các cuộc không kích nhằm vào các cơ sở của khủng bố sẽ tiếp tục trong mọi trường hợp, thậm chí ngay cả khi thỏa thuận ngừng bắn Syria đạt được. Điều này là bởi lệnh ngừng bắn nên áp dụng với những ai thực sự quan tâm đến nó ngay từ lúc bắt đầu tiến trình đàm phán, chứ không phải những kẻ khủng bố” - ông Gatilov nói trong một bài phỏng vấn với tờ Der Spiegel.

Tuy nhiên, Thủ tướng Merkel vẫn tiếp tục quan điểm sát cánh cùng Thổ Nhĩ Kỳ và tin rằng giải pháp mà chính quyền Ankara đưa ra là cách duy nhất để giải quyết cuộc khủng hoảng di cư đang đe dọa nước này. Lời kêu gọi lập vùng cấm bay của bà Merkel hiện đã nhận được sự ủng hộ của quân đội Đức và một số chính trị gia, tuy nhiên lại đối mặt với sự phản đối ngay từ Berlin.

Giới chuyên gia phân tích cho rằng, sở dĩ bà Merkel đưa ra quyết định như vậy là do chính phủ Đức đang chịu sức ép từ Thổ Nhĩ Kỳ - quốc gia đang giúp EU giữ chân dòng người di cư khổng lồ đến châu Âu. Hiện Thổ Nhĩ Kỳ cũng liên tục nhắc lại đề xuất thiết lập vùng an toàn ở Syria, ngay trong bối cảnh mà quân đội nước này, được sự hỗ trợ từ chiến dịch không kích Nga, đang đạt được những bước tiến đáng kể trong cuộc chiến chống khủng bố ở miền Bắc.

Một số chuyên gia phân tích cho rằng việc thành lập vùng an toàn hay vùng cấm bay không giúp ích gì cho cuộc chiến chống lại những kẻ khủng bố IS, trong khi chiến dịch chống khủng bố của Nga đang thực sự hiệu quả và có thể mở ra viễn cảnh hòa bình ở một quốc gia hứng chịu cuộc chiến kéo dài đã 5 năm qua.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Vấn đề vùng cấm bay 'hâm nóng' chiến sự Syria

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO