Văn hóa đọc vượt khó trong đại dịch

Minh Quân 10/03/2021 06:47

Cùng với nhiều lĩnh vực phải chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, ngành xuất bản nói chung và lĩnh vực sách nói riêng đã có nhiều giải pháp để tận dụng thời cơ, vượt qua thách thức để phát triển.

Chuyển đổi hướng hoạt động

Cục Xuất bản, In và Phát hành vừa có báo cáo tổng kết năm 2020 và phương hướng, nhiệm vụ năm 2021. Theo đó, mặc dù chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, nhưng ngành xuất bản nói chung và lĩnh vực đã có những nỗ lực vượt khó “ngoạn mục” với doanh thu xấp xỉ năm 2019.

Trong năm 2020, toàn ngành đã xuất bản trên 33.000 đầu sách với 410 triệu bản sách, doanh thu ước tính 2.700 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Hội Sách Trực tuyến Quốc gia được thực hiện trên sàn book365.vn, đạt được kết quả bước đầu khả quan. 54 nhà xuất bản, đơn vị phát hành sách tham gia, giới thiệu khoảng 15.000 đầu sách; số lượng đơn đặt hàng là 11.000 đơn vận với trên 13.000 cuốn sách; gần 2 triệu lượt truy cập; doanh thu đạt trên 1 tỷ đồng.

Trong khuôn khổ hội sách, có 18 sự kiện tọa đàm, giao lưu và hơn 1.000 người tham dự. Khoảng 50% người mua sách tới từ vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa. Tỷ lệ sách lý luận chính trị, công trình nghiên cứu văn hóa chuyên sâu và sách hướng nghiệp, giáo trình dạy được tiêu thụ cao hơn so với các hội sách truyền thống.

Kết quả của hội sách cho thấy đây không chỉ là bước thích nghi với tình hình phức tạp của dịch bệnh, mà còn tạo dấu ấn khi sử dụng kênh giới thiệu, bán sách trực tuyến có công nghệ hiện đại, đưa sách với giá ưu đãi tới bạn đọc, nhất là bạn đọc vùng sâu, vùng xa.

Không chỉ thực hiện hội sách trực tuyến, các hoạt động triển lãm, trưng bày sách theo chủ đề lớn của đất nước cũng được triển khai với hình thức online. Một điểm nhấn của ngành sách năm 2020 là tổ chức thành công Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba. Giải thưởng do Cục Xuất bản phối hợp với Hội Xuất bản Việt Nam thực hiện. Hội đồng Giải thưởng Sách Quốc gia lần thứ ba đã thống nhất trao giải cho 27 cuốn sách, bộ sách, trong đó có 3 giải A, 10 giải B và 14 giải C.

Theo ông Nguyễn Nguyên, Cục trưởng Cục Xuất bản, In và Phát hành cho biết, bên cạnh những ảnh hưởng tiêu cực thì đại dịch cũng trở thành động lực làm cho mỗi tổ chức, cá nhân buộc phải đổi mới hoạt động của tổ chức, thay đổi hành vi cá nhân.

Đặc biệt, việc chuyển đổi số lúc này là lời giải cho những chuyển động đó. Nó trở thành mệnh lệnh cho sự tồn tại, phát triển của mọi lĩnh vực, trong đó có xuất bản. Mặc dù vậy, theo Cục trưởng, sự tăng trưởng mạnh của thị trường phát hành sách online chưa đủ bù đắp được sự tụt giảm sâu của thị trường phát hành sách truyền thống do phát hành sách truyền thống vẫn chiếm trên 50% thị phần ở hầu hết các doanh nghiệp.

Trước mắt là thị trường bán sách truyền thống bị thu hẹp, về lâu dài sức mua giảm sâu do tăng trưởng kinh tế thấp, hệ lụy từ việc mất việc làm của một bộ phận người lao động sẽ làm doanh nghiệp phát hành, nhà sách có nguy cơ dừng hoạt động.

“Chính vì vậy, một số mục tiêu cụ thể đang được ngành xuất bản xác định là đến năm 2025 đưa tỷ lệ xuất bản điện tử lên 15% về số đầu sách được xuất bản hằng năm; đưa doanh thu xuất bản điện tử đạt mức 8-10% tổng doanh thu toàn ngành (khoảng 250 tỷ đồng); tập trung khuyến khích, tạo điều kiện để 50% số nhà xuất bản tham gia xuất bản phẩm điện tử”, ông Nguyên nói.

Tránh “căn bệnh” hình thức

Có thể nói, việc sử dụng công nghệ đang là một hướng đi hiệu quả của ngành xuất bản trong bối cảnh dịch bệnh. Mới đây, Bộ TTTT cũng đã chính thức ban hành kế hoạch tổ chức Ngày Sách Việt Nam lần thứ 8/2021. Trong đó, Ngày Sách sẽ được triển khai ứng dụng công nghệ thông tin để tổ chức các hoạt động kết hợp cả hình thức tổ chức tập trung và trực tuyến.

Cùng với đó, Bộ VHTTDL cũng đã chính thức khởi động cuộc thi Đại sứ văn hoá đọc 2021. Cuộc thi năm sẽ tìm kiếm 4 danh hiệu Đại sứ Văn hóa đọc tiêu biểu. Bên cạnh đó, BTC sẽ trao nhiều giải thưởng nhằm khuyến khích các kỹ năng tìm kiếm, chia sẻ kỹ năng đọc sách, như: Bài chia sẻ cảm tưởng hay nhất, Câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay nhất, Câu chuyện sáng tác khuyến đọc hay và có hình minh họa bằng tranh đẹp nhất, Ý tưởng khuyến đọc sáng tạo và có tính thuyết phục nhất...

Trước đó, đầu năm 2021 cũng là thời điểm cuối năm Canh Tý, khi dịch bệnh được kiểm soát tốt, nhiều đơn vị đã tổ chức hội chợ sách Tết, có thể kể đến Hội sách “Dọn kho đón Tết” của Công ty Nhã Nam, Hội sách AZ Books, Hội sách 24/7 của Alpha Books và Omega Plus.

Tuy nhiên, để các giá trị của sách và văn hoá đọc có thể lan toả và tránh “căn bệnh” hình thức đang là trách nhiệm của từng NXB cho đến mỗi cá nhân. Theo Tổng biên tập NXB Phụ nữ Khúc Thị Hoa Phượng cho rằng, hiện nay chúng ta đã quan tâm hơn đến việc đọc sách nhưng chưa thực sự đi vào bản chất vấn đề.

Mỗi người cần ý thức được việc đọc sách như cơm ăn, nước uống hàng ngày. Phải xem đọc sách là thói quen và hình thành cho trẻ ngay từ khi còn trong bụng mẹ. Đến tuổi mẫu giáo, cha mẹ lựa chọn, đọc sách cho con; đến trường, giáo viên cũng hướng các con đọc những cuốn sách hay. Có được thói quen đọc sách không hẳn dễ dàng mà đó là quá trình dài.

TS Trần Đoàn Lâm, Giám đốc NXB Thế giới cho rằng, để “kích cầu” các đơn vị xuất bản cần thay đổi hình thức kinh doanh. Độc giả giờ đây đón nhận sách không chỉ nội dung hay mà còn phải đẹp. Thậm chí, hiện nay có một bộ phận độc giả sẵn sàng bỏ rất nhiều tiền để sưu tầm những cuốn sách đẹp, in với số lượng giới hạn. Đơn cử như, những tác phẩm kinh điển như “Bố già,” “Kiêu hãnh và định kiến” được đóng bìa da sang trọng có giá lên tới cả chục triệu đồng. Cuối tháng 1 vừa qua, Công ty Đông A đã đấu giá cuốn sách bìa da độc bản “Đông Dương xinh đẹp và kỳ vĩ” với “giá gõ búa” là 130 triệu đồng. Dù đây chỉ là bộ phận nhỏ, không thể đại diện cho nhu cầu của những người yêu sách nói chung, nhưng có một thực tế là thẩm mỹ của độc giả ngày càng cao.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa đọc vượt khó trong đại dịch

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO