Văn hóa du lịch sẵn sàng cho ngày mở cửa

Minh Quân 02/07/2021 08:00

Sau một thời gian phải dừng các hoạt động do ảnh hưởng của dịch Covid-19, các đơn vị văn hoá (nhà hát, di tích, bảo tàng…) đang có những bước “chạy đà” sẵn sàng cho ngày được “mở cửa” trở lại.

Phối cảnh chỉnh trang, tôn tạo lại không gian hồ Văn (Văn Miếu - Quốc Tử Giám).

Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam vừa ban hành kế hoạch tổ chức các hoạt động tháng 7 với chủ đề “Chợ quê - Ký ức tuổi thơ”. Theo đó, nếu trong tháng 7 dịch Covid-19 tiếp tục diễn biến phức tạp chưa được kiểm soát, các hoạt động thực hiện theo qui mô tập trung cho hoạt động hàng ngày.

Khi dịch Covid-19 được kiểm soát, đảm bảo an toàn thời điểm nào thì tổ chức đầy đủ các nội dung hoạt động điểm nhấn theo kế hoạch. Cụ thể, hằng ngày, chương trình “Chợ quê - Ký ức tuổi thơ” có các hoạt động như giới thiệu ẩm thực và thưởng thức các món ăn đặc sắc của dân tộc Mường, Ê Đê, Tày, Nùng…

Bên cạnh đó, không gian “Chợ quê - Ký ức tuổi thơ” tại làng tái hiện cảnh chợ quê ngày hè của vùng Bắc Bộ. Ngoài ra, tại chợ quê, còn có khu vực trò chơi dân gian truyền thống: Bắt trạch trong chum, đánh chắt chơi chuyền, chơi ô ăn quan, nhảy dây, kéo co, đi cà kheo…

Chợ quê cũng dành nhiều hoạt động cho trẻ nhỏ thông qua chương trình “Trải nghiệm văn hóa truyền thống” với Cuộc thi viết chữ đẹp “Nét chữ, nết người”; Cuộc thi vẽ tranh “Em yêu làng em” và một số các trò chơi dân gian của trẻ thơ như chơi ô ăn quan, đánh chắt chơi chuyền, làm diều… Bên cạnh đó, trong tháng 7, tại làng sẽ tổ chức một số lễ truyền thống của các dân tộc như Lễ dâng y tắm mưa của người Khmer, Lễ cúng ché của đồng bào Ê Đê tỉnh Đắk Lắk.

Theo Ban quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, trong điều kiện dịch bệnh được kiểm soát, tại làng có thêm các hoạt động du lịch như tour dành cho đối tượng học sinh “Bản làng đón em”; “Tự hào Việt Nam”; “Ký ức trẻ”, tour dành cho khách đoàn, người cao tuổi “Hành trình xanh”, tour “Ngôi nhà chung - Nơi gắn kết chúng ta”, tour dành cho khách gia đình Family camp tour, tour dành cho khách đoàn lưu “Một ngày bản buôn”...

Tương tự, nhiều di tích, nhà hát trên bàn TP Hà Nội cũng đang có bước chuẩn bị sẵn sàng cho ngày được mở cửa trở lại. Chia sẻ với Báo Đại Đoàn Kết, Giám đốc Trung tâm Hoạt động Văn hóa Khoa học Văn Miếu - Quốc Tử Giám Lê Xuân Kiêu cho biết, trong tháng 7 này đơn vị sẽ chính thức tiến hành chỉnh trang, tôn tạo lại không gian hồ Văn. Dự án còn 200 ngày để hoàn thành.

Trước khi bùng phát đợt dịch Covid-19, tour đêm tại Nhà tù Hỏa Lò từng nhận được sự quan tâm của đông đảo du khách.

Với một khối lượng công việc lớn, đây sẽ là những khó khăn cho đơn vị thực hiện, song Trung tâm sẽ nỗ lực hết sức để thực hiện, đáp ứng được mong mỏi của các nhà khoa học và người dân yêu di tích. Ngoài ra, Trung tâm cũng đẩy nhanh kế hoạch tái hiện Trường Quốc Tử Giám tại khu vực Nhà Thái học để du khách có những hình dung rõ nét hơn về đời sống học tập của sĩ tử và các hoạt động khoa cử thời xưa…

Trong khi đó, Bảo tàng Hà Nội dồn sức cho việc thiết kế, thi công khu trưng bày mẫu, với chủ đề “Thiên nhiên Hà Nội”. Theo Phó Giám đốc Bảo tàng Hà Nội Đặng Minh Vệ cho biết, đây là một trong 7 chủ đề trưng bày thường xuyên tại Bảo tàng Hà Nội đã được UBND thành phố phê duyệt.

Sau khi hoàn thiện, công chúng sẽ được tham quan, tìm hiểu những nét đặc trưng trong sự đa dạng của thiên nhiên Hà Nội thông qua hệ thống tư liệu phong phú, đặc sắc cùng sự hỗ trợ của công nghệ hiện đại.

Thời gian này, nhiều bảo tàng, di tích đã tích cực xây dựng, phát triển những nội dung tham quan giàu tính trải nghiệm, nhằm làm mới điểm đến di sản, tăng sức hấp dẫn với công chúng. Cùng với 2 tour đêm tạo được ấn tượng sâu sắc trong lòng công chúng thời gian qua là “Đêm thiêng liêng - Sáng ngời tinh thần Việt” và “Đêm thiêng liêng 2 - Sống như những đóa hoa”, những ngày gần đây, cán bộ, nhân viên di tích Nhà tù Hỏa Lò đang tập trung hoàn thiện sản phẩm tham quan mới, với chủ đề “Đêm thiêng liêng 3 - Lửa thanh xuân”, nhằm kịp thời ra mắt công chúng ngay khi hoạt động tham quan được khởi động trở lại. Trung tâm Bảo tồn di sản Thăng Long - Hà Nội tập trung nghiên cứu phục dựng điện Kính Thiên; xây dựng kịch bản tái hiện lễ hội đèn Quảng Chiếu; bổ sung, hoàn thiện tour đêm “Giải mã Hoàng thành Thăng Long”. Ngoài ra, Trung tâm cũng tổ chức trưng bày online với chủ đề “Gió lành Ðoan Dương” giới thiệu về những nét đẹp của Tết Ðoan ngọ tổ chức tại hoàng cung xưa…

Còn với các hoạt động nghệ thuật biểu diễn, thời gian này nhiều đơn vị đã lên kế hoạch cho các nghệ sĩ tập luyện trở lại sẵn sàng phục vụ khán giả. Đơn cử như Liên đoàn Xiếc Việt Nam dù nghỉ dịch thì diễn viên vẫn không ngưng tập. NSND Tống Toàn Thắng- Phó Giám đốc Liên đoàn Xiếc Việt Nam cho biết, nghệ sĩ xiếc “sẵn nong, sẵn né” loạt chương trình biểu diễn chờ khán giả đến rạp.

Vở xiếc “Biệt đội anh hùng” đáng lẽ diễn dịp 1/6 nay được đẩy xuống dịp Trung thu, trong khi đó nghệ sĩ vẫn miệt mài tập luyện cho chương trình khác theo kế hoạch năm. Tuy nhiên, NSND Tống Toàn Thắng cũng cho rằng, qua bốn đợt bùng phát dịch, lần này chúng tôi thấy sức ảnh hưởng vô cùng nặng nề, tác động lớn nhất tới tâm lý khán giả. Dù được phép hoạt động trở lại nhưng vẫn cần một khoảng lùi để hút khán giả yên tâm tới thưởng thức nghệ thuật

Còn theo thông tin từ Nhà hát Tuổi trẻ, thời gian qua các nghệ sĩ tích cực “ôn luyện” vở “Bầy chim thiên nga” để sẵn sàng trình diễn phục vụ khán giả. Theo NSƯT Sỹ Tiến- Phó Giám đốc Nhà hát Tuổi trẻ bày tỏ, tôi nghĩ các nhà hát đều phải thay đổi chiến lược biểu diễn, phải thực hiện đánh nhanh thắng nhanh.

Năm ngoái Nhà hát Tuổi trẻ khá thành công khi tháng 5 được phép hoạt động trở lại, nghệ sĩ gấp rút luyện tập và diễn được mấy chục suất liên tiếp. Năm nay dịch bệnh diễn biến phức tạp, nghệ sĩ càng cần tùy cơ ứng biến hơn nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa du lịch sẵn sàng cho ngày mở cửa

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO