Văn hóa giáo dục những ngày đầu lập nước

Từ Khôi 01/09/2020 14:00

Sau ngày 2/9/1945, với bao nhiêu công việc bề bộn để giữ vững chính quyền Nhà nước Dân chủ Cộng hòa non trẻ, nhưng Chính phủ vẫn dành nhiều sự quan tâm đến việc bảo vệ, kiến thiết nền văn hóa và giáo dục của dân tộc.

Bên cạnh việc ban hành các sắc lệnh, Hồ Chủ tịch còn chú trọng tới vấn đề giữ gìn, phát huy văn hóa và kiến thiết nền giáo dục mới.

Phong trào Bình dân học vụ diễn ra trên khắp đất nước ngay sau Cách mạng Tháng Tám thành công. Ảnh tư liệu.

Mối quan tâm của Hồ Chủ tịch

Sau lễ Tuyên ngôn Độc lập, Hồ Chủ tịch dời 48 Hàng Ngang tới ở Bắc Bộ phủ. Lúc đó, tòa nhà Bắc Bộ phủ kéo dài đến sát phía sau Bưu điện Hà Nội. Bên phải là Văn phòng Khâm sai, bên trái là vườn hoa Chí Linh (nay là vườn hoa Lý Thái Tổ). Sau khi giành chính quyền, Văn phòng Chính phủ và một số cơ quan Bộ cũng đặt trụ sở tại đây. Bắc Bộ phủ gồm hai tầng chính và một tầng hầm. Hồ Chủ tịch ở một căn phòng nhỏ trên gác hai trang trí rất giản dị: Bàn làm việc, mấy chiếc ghế gỗ mặt đan mây hình lục lăng và chiếc xích đu bằng song. Bác tiếp khách ở phòng khách tầng dưới. Còn phòng ăn chỉ sử dụng khi Chính phủ mở tiệc tiếp thượng khách.

Ngay sáng 3/9/1945, tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Chính phủ, đợi các vị Bộ trưởng an tọa xung quanh chiếc bàn dài gỗ mun, trải tấm dạ xanh, Hồ Chủ tịch nêu ra 6 vấn đề cấp bách. Trong đó có tới 3 vấn đề là về văn hóa, giáo dục. Đó là: Giải quyết nạn dốt. Người nói: “Một dân tộc dốt là một dân tộc yếu. Vì vậy, tôi đề nghị mở chiến dịch để chống nạn mù chữ”. Phải giáo dục nhân dân trừ thói xấu do chế độ thực dân đã đầu độc và hủ hóa dân ta. Người đề nghị: “mở một chiến dịch giáo dục lại tinh thần bằng cách thực hiện: cần, kiệm, liêm, chính”. Và đề nghị Chính phủ ta tuyên bố: Tín ngưỡng tự do và lương giáo đoàn kết.

4 ngày sau, vào 19h ngày 7/9/1945, khi tiếp đoàn đại biểu Ủy Ban Văn hóa lâm thời Bắc Bộ, Hồ Chủ tịch nói: “Tôi mong rằng các ngài trong giới văn hóa nhận thấy rõ nhiệm vụ của các ngài trong lúc này là: củng cố nền độc lập của Việt Nam, sửa soạn gây dựng cho đất nước một nền văn hóa mới… Bổn phận của các ngài là lãnh đạo tư tưởng của quốc dân, đấu tranh cho nền độc lập và kiến thiết một nền văn hóa mới. Cái văn hóa mới này cần phải có tính cách khoa học, tính cách đại chúng, thì mới thuận với trào lưu tiến hóa của tư tưởng hiện đại”.

Tuy bận rộn nhưng Hồ Chủ tịch vẫn chú trọng tới các di tích lịch sử. Tranh thủ buổi trưa ngày 13/9/1945, Hồ Chủ tịch về thăm và dự kỷ niệm Lý Bát Đế tại Đình Bảng, Từ Sơn, Bắc Ninh. Trở về Hà Nội, cuối buổi chiều, Hồ Chủ tịch tiếp nhà báo Nguyễn Trường Phượng (tạp chí Tri Tân). Người nói: “Văn hóa với chính trị có quan hệ mật thiết với nhau. Có chính trị mới có văn hóa, xưa kia chính trị đàn áp, nền văn hóa của ta vì thế mà không nảy sinh được. Nay nước ta đã độc lập tinh thần được giải phóng, cần có một nền tảng văn hóa hợp với khoa học và hợp với nguyện vọng của dân”.

Giữa bối cảnh nhiều đảng phái, Việt gian nhăm nhe tìm cách phá hoại, thủ tiêu cán bộ cách mạng, nhưng Bác vẫn an nhiên, tĩnh tại và linh hoạt vô cùng. Tối 30 Tết Ất Dậu, chuẩn bị đón giao thừa sang năm Bính Tuất (1946) Bác mặc áo the, quần trắng, khăn xếp, giày Gia Định, kèm theo một chiếc mục kỉnh đeo trễ xuống, hóa trang thành một ông đồ nhà quê cùng con trai (thư ký Vũ Đình Huỳnh, mặc quần trắng, áo láng đen, chân đi ép da, đầu tóc để trần, lưng giắt súng) đi đón giao thừa ở đền Ngọc Sơn mà không cần bảo vệ đi theo. Ngày 11/4/1946 Bác dự lễ giỗ Tổ Hùng Vương ở Việt Nam học xá.

…Trong các cuộc nói chuyện với nhân sĩ, trí thức, hay xem triển lãm của các họa sĩ, Hồ Chủ tịch đều đề cập đến vấn đề văn hóa và gắn với vận mệnh dân tộc. Sáng 7/10/1945, Hồ Chủ tịch dự triển lãm của họa sĩ Tô Ngọc Vân và Nguyễn Đỗ Cung tổ chức tại trụ sở cũ của Hội Khai trí tiến đức. Người nói: “…Ngày nay, trước khi đi đến sự kiến thiết nước nhà, chúng ta phải qua một thời kỳ đấu tranh cực kỳ cực khổ. Giới văn hóa cũng phải cùng các giới đồng bào đi qua chặng đường ấy. Mong rằng anh em văn hóa đã cố gắng, xin cố gắng mãi lên”. Ngày 30/1/1946, tại Bắc Bộ phủ, khi tiếp đoàn đại biểu của thanh thiếu niên, nhi đồng Trung Bộ đến chúc Tết, Người căn dặn: “Năm mới phải có đời sống mới. Mới đây không phải là phá đình phá chùa, không tôn giáo. Sống của dân là ăn, ở mặc học”.

Về vấn đề giáo dục được Hồ Chủ tịch vô cùng quan tâm. Sáng 8/10/1945, Hồ Chủ tịch đến dự lễ khai mạc lớp huấn luyện đầu tiên đào tạo cán bộ phụ trách Bình dân học vụ các tỉnh Bắc Bộ tại Hà Nội. Sau khi nghe ông Nguyễn Công Mỹ, Giám đốc Nha Bình dân học vụ báo cáo chương trình hành động được xây dựng trên tinh thần tự lực, tự cường, động viên hàng vạn cán bộ, giáo viên tham gia phong trào diệt giặc dốt, không nhận lương, tiết kiệm cho nhà nước hàng trăm triệu đồng, Người phát biểu: “Trong lúc Chính phủ còn nghèo Bình dân học vụ có sáng kiến dựa vào dân, như thế là rất tốt”.

Ban hành các sắc lệnh

Trong danh sách các Bộ trưởng trong Chính phủ lâm thời được đăng trên các báo ngày 28/8/1945 và ra mắt trước toàn dân ngày 2/9/1945 tại Quảng trường Ba Đình, chúng ta thấy chưa xuất hiện Bộ Văn hóa. Lĩnh vực văn hóa ở thời điểm đó đứng chung trong Bộ Quốc gia Giáo dục. Vì vậy, các sắc lệnh liên quan đến văn hóa và giáo dục đều do Bộ Quốc gia Giáo dục đệ trình Chính phủ và khi Chính phủ ra sắc lệnh thì thi hành.

Ngày 8/9/1945, một số sắc lệnh đã được ban hành. Các sắc lệnh này do Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục Vũ Đình Hòe đề nghị và Chính phủ lâm thời ra sắc lệnh. Sắc lệnh số 13 quy định: “Trường Viễn Đông bác cổ, các nhà bảo tàng, các thư viện công (trừ những thư viện phụ thuộc các công sở), các Học viện (như Viện Hải học) từ nay sẽ sát nhập vào Bộ Quốc gia Giáo dục do ông Bộ trưởng Giáo dục điều khiển”. Sắc lệnh số 21 cử ông Ngô Đình Nhu là Giám đốc Nha Lưu trữ công văn và Thư viện toàn quốc. Tại bản sắc lệnh số 17 đã “Đặt ra một Bình dân học vụ trong toàn cõi Việt Nam” và cử ông Nguyễn Công Mỹ làm Giám đốc Bình dân học vụ. Sắc lệnh 19 quy định cụ thể: “Trong thời hạn 6 tháng, làng nào và đô thị nào cũng phải có ít nhất một lớp học dạy được ít nhất ba mươi người”.

Cũng theo lời đề nghị của Bộ trưởng Bộ Quốc gia Giáo dục, Sắc lệnh số 20 ngày 8/9/1945 quy định: “Khoản I: Trong khi đợi được nền tiểu học cưỡng bách, việc học chữ Quốc ngữ từ nay bắt buộc và không mất tiền cho tất cả mọi người. Khoản II: Hạn trong một năm, toàn thể dân chúng Việt Nam trên tám tuổi phải biết đọc và biết viết chữ Quốc ngữ. Quá hạn đó, một người dân Việt Nam trên tám tuổi mà không biết đọc biết viết chữ Quốc ngữ sẽ bị phạt tiền. Khoản III: Các khoản chi phí sẽ chia cho hàng quỹ các tỉnh và hàng ngũ xã phải chịu”.

Để phát triển nền giáo dục, Sắc lệnh 43 ngày 10/10/1945 còn cho phép: “Khoản I: Nay thiết lập cho trường đại học Việt Nam một quỹ tự trị. Khoản II: Quỹ đó thâu gồm các tiền trợ cấp của chính phủ, ủy ban nhân dân hay của các địa phương, và có tư cách pháp nhân tư cách để thâu nhận những động sản hoặc bất động sản của tư nhân quyền cho. Khoản III: Việc quản trị quỹ đó do một Hội đồng quản trị gồm có ông Giám đốc đại học vụ làm Chủ tịch, ông Đổng lý Quốc gia Giáo dục, ông Phó Giám đốc đại học vụ, các ông Giám đốc các trường đại học và mỗi trường một đại biểu giáo sư cùng một đại biểu của sinh viên và ba vị thân hào trong nước”.

Tại Sắc lệnh số 44 ngày 10/10/1945 đã thiết lập một Hội đồng học chính, có nhiệm vụ: Nghiên cứu chương trình cải cách các nền học của nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa, thực hành và sửa đổi khi cần thiết để phù hợp với tình hình chính trị, kinh tế, xã hội.

Trước tình hình một số nơi đập phá di tích, cho là tàn dư phong kiến, tàn dư của cai trị Pháp nên ngày 20/9/1945, Chính phủ lâm thời có sắc lệnh số 35 “xét vì quyền tự do tín ngưỡng là một nguyên tắc của chính thể dân chủ cộng hòa” đã lệnh “Đền chùa, lăng tẩm nhà thờ, tất cả các nơi có tính cách tôn giáo, bất cứ nơi nào, nhân dân đều phải tôn trọng không được xâm phạm”. Và việc bảo vệ này không giao chung chung cho Bộ Quốc gia Giáo dục mà giao trực tiếp cho Bộ Tư pháp và Bộ Nội vụ thi hành bảo vệ.

Tiếp sau đó, ngày 23/11/1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh ký sắc lệnh số 65 khẳng định việc bảo tồn cổ tích “là công việc rất quan trọng và cần thiết cho công cuộc kiến thiết nước Việt Nam”. Theo đó, Đông Phương bác cổ Học viện có nhiệm vụ bảo tồn cổ tích trong toàn cõi Việt Nam, thay thế cho Pháp quốc Viễn Đông bác cổ học viện bị bãi bỏ. Đồng thời, giữ nguyên các quy định về bảo tồn cổ tích đã có trước đây là cấm phá hủy những đình, chùa, đền, miếu hoặc những nơi thờ tự khác, những cung điện, lăng mộ, văn bằng, bi ký, chiếu sắc, sách vở, có tính cách tôn giáo hay không, nhưng có ích cho lịch sử mà chưa được bảo tồn... Sắc lệnh 65 này giao cho các Bộ: Nội vụ, Quốc phòng, Tài chính, Tư pháp, Giáo dục thi hành. Từ ý nghĩa của Sắc lệnh số 65, vào ngày 24/2/2005, Thủ tướng Chính phủ đã chọn ngày 23/11 hàng năm là Ngày Di sản văn hóa Việt Nam.

Như vậy, vấn đề về văn hóa và giáo dục đã được đặt ra ngay từ những ngày đầu trong các sắc lệnh liên quan đến thể chế chính trị. Các sắc lệnh này những cụ thể hóa đường lối bảo vệ văn hóa và diệt giặc dốt theo tư tưởng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chính phủ lâm thời ngay từ những ngày đầu thành lập nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa giáo dục những ngày đầu lập nước

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO