Văn hóa màu gì?

Cẩm Thúy 27/12/2019 08:00

Đã có một sự tương phản trong bức tranh văn hóa khi so sánh giữa những gì lâu nay chúng ta hay nói với những số liệu dẫn ra trong báo cáo tại Hội nghị tổng kết 10 năm thực hiện Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2020, do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch vừa tổ chức.

Ý kiến nhiều chuyên gia trên báo chí, tại nhiều hội nghị, hội thảo, thậm chí ngay tại diễn đàn Quốc hội trong suốt thời gian qua thì có vẻ văn hóa đang đi xuống, nhưng báo cáo tại Hội nghị thì lại gồm toàn con số màu hồng.

Chứng minh rằng mọi nhận xét lâu nay cho rằng văn hóa đi xuống là cảm tính, báo cáo đưa ra những con số định lượng như sau 10 năm thực hiện Chiến lược văn hóa, từ chỗ 8 phim truyện được sản xuất/năm với 63 rạp chiếu phim thì đến nay đã có 41 phim truyện được sản xuất trong năm 2019, cả nước có 544 rạp chiếu phim, ngành xuất bản tăng 15-20% số bản sách, du lịch tăng trưởng mạnh mẽ với 18 triệu lượt khách quốc tế năm 2019...

Như vậy qua báo cáo của ngành văn hóa, 10 năm thực hiện Chiến lược Văn hóa đã có những thay đổi, những phát triển nhanh chóng, thậm chí cả ở chỉ số phát triển con người của Việt Nam như giáo dục, khoa học, văn hóa cao hơn so với nhiều nước cùng trình độ phát triển. Hơn nữa văn hóa góp phần tạo ra không khí dân chủ, dân trí tăng lên, hình thành các nhân tố mới, giá trị mới của con người Việt Nam. Tư tưởng, đạo đức, lối sống, đời sống văn hóa của các tầng lớp nhân dân có nhiều chuyển biến quan trọng...

Với các nhận định từ báo cáo, việc lâu nay chúng ta hay kêu ca rằng văn hóa đạo đức xuống cấp, là hoàn toàn cảm tính chăng?

Rốt cuộc thì văn hóa màu gì?

Trở lại với thời điểm năm 2014 – năm ra đời Nghị quyết Trung ương 9 Khóa XI (Nghị quyết 33) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước. Nghị quyết này được nhiều chuyên gia văn hóa khi đó hồ hởi đón nhận, coi đó như Cương lĩnh số 3 của Đảng về văn hóa (sau Đề cương Văn hóa 1943 và Nghị quyết Trung ương 5 Khóa VIII). Trong Nghị quyết Trung ương 9, Đảng thẳng thắn nhận định: “Môi trường văn hóa còn tồn tại tình trạng thiếu lành mạnh, ngoại lai, trái với thuần phong mỹ tục; tệ nạn xã hội, tội phạm có chiều hướng gia tăng. Còn ít những tác phẩm văn học, nghệ thuật có giá trị cao về tư tưởng và nghệ thuật, có một số tác phẩm chạy theo thị hiếu tầm thường, chất lượng thấp, thậm chí có hại. Hoạt động lý luận, phê bình văn học, nghệ thuật chưa theo kịp thực tiễn sáng tác. Việc bảo tồn, phát huy giá trị di sản văn hóa hiệu quả chưa cao, nguy cơ mai một chưa được ngăn chặn...”. Kể từ thời điểm ra đời Nghị quyết Trung ương 9 tới nay, tức là nửa sau của chặng đường 10 năm thực hiện Chiến lược Văn hóa, sự chuyển biến, dù là định tính hay định lượng, thử đem ra so sánh xem được bao nhiêu? Mục tiêu mà “Cương lĩnh số 3” của Đảng về văn hóa đặt ra là đưa văn hóa trở thành nguồn lực nội sinh quan trọng, là nền tảng tinh thần, là mục tiêu, là động lực để phát triển đất nước, văn hóa phải được đặt ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội… thì chúng ta đã thực hiện được bao nhiêu?

Chúng tôi vẫn nhớ rằng sau khi Nghị quyết 33 được ban hành, họa sĩ Lương Xuân Đoàn trong khi trò chuyện với chúng tôi đã hồ hởi nghĩ về một thời kỳ phát triển mới hình thành một “đoàn người Việt mới” đáp ứng yêu cầu của thời đại đúng với mục tiêu của Đảng là “phát triển văn hóa vì sự hoàn thiện nhân cách con người và xây dựng con người để phát triển văn hóa”.

Cho nên, đích đến của văn hóa suy cho cùng không phải ở chỗ tranh cãi bằng định tính hay định lượng, mà là vấn đề hình thành nhân cách con người mới là nhiệm vụ trọng tâm của văn hóa. Nhìn ở góc độ này, hơn 500 rạp chiếu phim hay con số mấy chục bộ phim truyện ra đời một năm dù phản ánh sự phát triển của điện ảnh, dù là một chỉ số đáng ghi nhận trong đời sống hưởng thụ văn hóa của người Việt thì vẫn chưa đủ để đảm bảo bức tranh lạc quan về văn hóa.

Chúng tôi không phủ nhận văn hóa truyền thống đã được chấn hưng, đời sống văn hóa nhân dân cao hơn trước... nhưng vẫn phải thấy rằng đạo đức, tức là vấn đề hình thành nhân cách con người thì còn nhiều điều phải suy nghĩ. Con người tạo ra văn hóa. Nhưng không phải là vẻ hào nhoáng bên ngoài của gameshow truyền hình hay một vài lĩnh vực khác. Sự hưởng thụ của người dân về văn hóa phải là điều kiện để giữ đạo đức con người. Có lần, tại một hội nghị tổng kết Nghị quyết Trung ương 5 khóa VIII, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Khánh đã kêu lên rằng bây giờ chúng ta nhiều di sản lắm, di sản thế giới, di sản trong nước nhiều lắm, nhưng đạo đức của con người thế thì di sản để làm gì? Di sản nhiều mà làm cho con người bị coi thường đi thì di sản để làm gì?

Nhắc lại để thấy thách thức mà các cơ quan quản lý và làm chính sách về văn hóa cho thời kỳ này phải nhận diện được. Đời sống văn hóa từ nông thôn đến thành thị đã cao hơn trước rất nhiều, nhưng lại vẫn phải thấy đạo đức và lối sống con người chưa chắc đã được nâng lên tương ứng. Nói đạo đức và lối sống cũng không phải là nói chung chung, một thứ cảm tính, mà đạo đức và lối sống đi xuống biểu hiện rõ ở sự vô cảm, ở thói a dua trên mạng, ở tính thực dụng, ở sự tham lam, ở tham nhũng, tiêu cực... và ở những giá trị chuẩn mực, những giá trị sống bị thay đổi. Chúng ta không bài xích đời sống và lối sống hiện đại. Nhưng hiện đại và văn minh không đi ngược lại với những giá trị nhân văn hình thành nên nhân cách con người.

Văn hóa màu hồng như trong báo cáo hay thực sự đáng lo ngại như bấy lâu nay chúng ta đã nhìn thấy, đã nhận ra? Chúng tôi cho rằng nếu có sự chuyển biến thì đáng ghi nhận nhất là sự chuyển biến về nhận thức. Văn hóa đang được đặt ra trong nhận thức đúng với vị trí của nó, là ngang hàng với kinh tế, chính trị, xã hội... Tuy nhiên từ nhận thức tới việc đạt tới mục tiêu vẫn là một quá trình bởi vì đích cuối cùng của văn hóa phải là đạo đức, là lối sống.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Văn hóa màu gì?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO