Trong thời đại công nghệ ngày một phát triển, hệ thống bảo tàng đang đóng vai trò là công cụ để bảo vệ và phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống của mỗi quốc gia, mỗi dân tộc. Tuy nhiên, tại Việt Nam sự thích ứng với công nghệ của các bảo tàng vẫn đang còn khá dè dặt và thậm chí nguy cơ tụt hậu.
Nhiều bảo tàng đang tìm cách chuyển mình để tránh tụt hậu.
Vẫn ở vạch xuất phát
Theo số liệu thống kê ở Việt Nam hiện gần 200 bảo tàng với hơn 3 triệu tài liệu, hiện vật cùng 164 bảo vật quốc gia. Tuy nhiên, với “kho tàng” hiện vật đồ sộ như vậy nhưng việc các bảo tàng phát huy những giá trị văn hóa, đặc biệt là trở thành điểm đến hấp dẫn đối với du khách, trực tiếp góp phần phát triển du lịch vẫn còn bỏ ngỏ.
Ngoài các bảo tàng: Phụ nữ Việt Nam, Dân tộc học Việt Nam, Lịch sử Quân sự Việt Nam, Chứng tích chiến tranh… hoạt động tốt, phần lớn trong tình trạng hoạt động cầm chừng, rất ít khách, kể cả những nơi không thu phí tham quan. Đơn cử, ngay tại Hà Nội các như Bảo tàng Văn học Việt Nam, Bảo tàng Hàng không… luôn trong tình trạng “đóng cửa, cài then”. Khá hơn một chút là Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam một năm thu hút được gần 60.000 lượt khách tham quan nhưng có đến 90% là khách nước ngoài…
Nguyên do chủ yếu đến từ việc nội dung trưng bày của bảo tàng không phong phú; hiện vật, tư liệu trưng bày chưa đa dạng, chưa toát lên được câu chuyện hấp dẫn, cuốn hút người xem. Đặc biệt, trong thời đại công nghệ phát triển thì nhu cầu của khách tham quan đến bảo tàng không còn chỉ đơn giản là nhìn ngắm nhìn các hiện vật quý được trưng bày trong các tủ kính. Nhu cầu của khách thăm quan giờ đây là muốn có được các cuộc trưng bày mà ở đó họ được tham gia, được thực hành, trải nghiệm cùng các hiện vật, để tìm hiểu kiến thức, thông tin và cũng không thể thiếu đó là nhu cầu giải trí. Tuy nhiên, để đáp ứng được xu thế chung này thì với hệ thống bảo tàng ở Việt Nam vẫn đang ở “vạch xuất phát”. Trong khi đó hiện nay mô hình “bảo tàng thông minh” với sự hỗ trợ của khoa học và công nghệ đang là hướng đi mới của nhiều bảo tàng trên thế giới.
Nhận định về xu hướng này, PGS.TS Nguyễn Văn Huy- nguyên Giám đốc Bảo tàng Dân tộc học cho biết: “Để tạo được thành công mô hình này thì cốt lõi của một bảo tàng chính là có những sản phẩm kết nối ấn tượng, tận dụng hiệu quả 3 “trụ cột” là khoa học, nghệ thuật và công nghệ”.
Cũng theo ông Huy, việc lồng ghép tương tác, trải nghiệm trong trưng bày giúp công chúng thu nhận thông tin hiện vật một cách chủ động và hiệu quả. Với những bảo tàng có các hoạt động tương tác, trải nghiệm độc đáo, mới lạ sẽ thu hút đông đảo công chúng đến tham quan... “Để có được hiệu quả đó, những người làm công tác trưng bày bảo tàng cần nghiên cứu nội dung, lập kế hoạch trưng bày ngắn hạn, dài hạn, tạm thời; đồng thời tiếp cận với các phương pháp, cách thức trưng bày mới từ các bảo tàng hiện đại và thay đổi từ cách thức trưng bày từ tĩnh sang động, kết hợp với công nghệ số, lồng ghép với tương tác, trải nghiệm để thu hút khách tham quan đến và trở lại bảo tàng nhiều lần hơn nữa…”- PGS Nguyễn Văn Huy nói.
Thay đổi để tồn tại
Có thể thấy, câu chuyện “làm mới” bảo tàng ở Việt Nam vẫn đang là một câu chuyện dài kỳ mà chưa đi đến hồi kết. Song cũng khó có thể khẳng định các bảo tàng đã làm tốt vai trò đưa ra những sản phẩm văn hóa có sức hấp dẫn, lôi cuốn phục vụ người xem. Sự lãng phí, thậm chí là thu hẹp những giá trị văn hóa có lịch sử lâu đời trong khuôn khổ bảo tàng sẽ là hệ lụy tất yếu.
Mới đây, Bộ VHTTDL có Công văn gửi bộ, ngành, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương; UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc định hướng hoạt động bảo tàng. Trong đó, 4 định hướng chính là đối với các dự án xây dựng bảo tàng mới cần đầu tư kinh phí hợp lý và triển khai trước việc chuẩn bị nội dung, thiết kế mĩ thuật trưng bày để có cơ sở khoa học, thực tiễn cho việc triển khai xây dựng công trình kiến trúc và thực hiện trưng bày bảo tàng; Đối với các trường hợp chưa có điều kiện đầu tư xây dựng bảo tàng mới, cần ưu tiên đầu tư kinh phí cho công tác sưu tầm tài liệu, hiện vật và chuẩn bị nội dung để sẵn sàng cho việc xây dựng bảo tàng vào thời điểm thích hợp; Xây dựng kế hoạch chi tiết thực hiện Đề án “Đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động bảo tàng gắn với phát triển du lịch”; Tạo điều kiện cho các bảo tàng trực thuộc phối hợp và hỗ trợ các bảo tàng khác trong hệ thống bảo tàng Việt Nam (đặc biệt là các bảo tàng ngoài công lập) tổ chức các hoạt động chuyên môn phù hợp với chức năng, nhiệm vụ.
Tuy nhiên, việc định hướng trên cũng chỉ là bước tạo đà và việc triển khai ra sao là ở chính các bảo tàng. Ở đó, từng đơn vị không chỉ cần “nhìn thẳng và sự thật để thay đổi” mà còn phải tự ở hoàn cảnh thực tế hiện có. Đơn cử, Bảo tàng Thiên nhiên Việt Nam dù rất muốn phát triển, gắn kết với du lịch những nghịch lý là đơn vị này đang sợ quá đông khách tham quan. Bảo tàng chỉ có 300m2, một lượt phục vụ tối đa chỉ 30 người. Nhiều du khách hơn, đồng nghĩa chất lượng không thể đảm bảo. Hay như Bảo tàng Hà Nội với cơ sở khang trang, mới đây đã lên các phương án để nâng cao chất lượng trưng bày… Nhưng dù cố gắng rất nhiều nhưng để cải thiện được tình trạng “đìu hìu” khách tham quan vẫn đang là một thách thức lớn. Nguyên nhân là địa điểm của bảo tàng nằm xa trung tâm thành phố, việc gắn kết với các hoạt động du lịch là vô cùng khó khăn. Rõ ràng, với những thực trạng khác nhau của mỗi bảo tàng, việc đổi mới, nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của thiết chế văn hóa, đặc biệt với phát triển du lịch sẽ đòi hỏi một sự áp dụng linh hoạt.