Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng (Lào) trở thành Di sản thế giới: Vinh danh một kỳ quan bí ẩn

Thiên Hà 11/07/2019 06:00

Ủy ban Di sản thế giới thuộc Tổ chức Giáo dục, Khoa học và văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) đã chính thức công nhận Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng của Lào là Di sản thế giới. Cho đến nay, đan xen với các truyền thuyết, việc giải mã những bí ẩn của Cánh đồng Chum vẫn chưa được các nhà khoa học thống nhất.

Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng (Lào) trở thành Di sản thế giới: Vinh danh một kỳ quan bí ẩn

Những truyền thuyết vẫn được người Lào lưu truyền xoay quanh cánh đồng chum đá là những câu chuyện thú vị. Có truyền thuyết cho rằng những người khổng lồ đã từng định cư ở khu vực này chính là chủ nhân của những cái chum khổng lồ kia…

Còn đối với các nhà khoa học thì các chum này có niên đại 1500-2000 năm, tuy nhiên đến nay họ vẫn chưa biết đích xác những chiếc chum này đến từ đâu và được sử dụng vào mục đích gì. Lần đầu tiên người phương Tây biết đến cánh đồng bạt ngàn chum khổng lồ trên cao nguyên Xiêng Khoảng là vào năm 1909, do phát hiện của Vinet - một viên thuế quan người Pháp.

Đến năm 1923, Henri Parmentier - nhà khảo cổ người Pháp đã có dịp đến Cánh đồng Chum nhưng cả hai ông đều đã không có phát kiến gì về mục đích của các chum này. Mãi đến năm 1930, Cánh đồng Chum mới được bà Madeleine Colani thuộc Trường Viễn Đông Bác Cổ Pháp nghiên cứu tường tận.

Trong hai cuốn “Mégalithes du Haut-Laos” (Cự thạch cổ vùng Thượng Lào - 1935), bà Madeleine Colani đã khẳng định: “Những cái chum khổng lồ này không phải là những chum ủ rượu vì chẳng có dấu vết nào chứng minh điều đó cả”.

Sau khi bà Madeleine Colani mất (năm 1943), việc nghiên cứu về Cánh đồng Chum bị gián đoạn. Mãi đến năm 1994, một nhà khảo cổ học người Nhật tên là Eiji Nitta đã đào bới cẩn thận vùng đất quanh một số chum đá lớn. Khi ông đào sâu xuống khoảng 30cm thì phát hiện một hố nhỏ có chứa xương người. Tuy nhiên, Nitta không tìm thấy bất kỳ dấu vết nào cho thấy người ta đã từng chôn các di cốt bên trong số chum này. Điều này một lần nữa khiến các nhà khảo cổ học đặt ra giả thuyết có lẽ người xưa tạo ra những chum đá để tưởng niệm người chết hoặc dùng chúng để đặt đồ đạc cho người chết.

Trong thời kỳ chiến tranh chống Mỹ, khu vực Cánh đồng Chum phải hứng chịu hàng triệu tấn bom do không quân Mỹ rải xuống. Nhưng tới nay, Cánh đồng Chum đã trở thành một địa chỉ du lịch nổi tiếng khắp thế giới. Có thể nói sự hấp dẫn ở đây không phải chỉ đến từ vẻ đẹp vừa hoang sơ vừa độc đáo trên nền khí hậu cực kỳ mát mẻ của cao nguyên, mà còn bởi những câu chuyện huyền bí về nguồn gốc những cái chum đầy ma lực hấp dẫn...

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Cánh đồng Chum Xiêng Khoảng (Lào) trở thành Di sản thế giới: Vinh danh một kỳ quan bí ẩn

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO