'Chứng từ' của một đời văn, đời người

Thanh Xuân 21/11/2019 08:00

Là một trong những hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam, nhà văn Bùi Hiển cho thấy một đời văn tận tụy, với nhiều trang văn lấp lánh. Mới đây, cuốn “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” lần đầu hé lộ những trang nhật ký, thư từ được gia đình nhà văn tập hợp, công bố cho thấy nhiều tâm sự của ông về văn, về đời.

'Chứng từ' của một đời văn, đời người

Nhà văn Bùi Hiển sinh ngày 22/11/1919 tại Nghệ An. Không chỉ là hội viên sáng lập Hội Nhà văn Việt Nam năm 1957, nhà văn Bùi Hiển còn tham gia nhiều khóa Ban Chấp hành Hội, đồng thời được cử làm Chủ tịch Hội đồng văn xuôi Hội Nhà văn Việt Nam.

Tuy nhiên, ở địa hạt sáng tác văn học, nhắc tới nhà văn Bùi Hiển nhiều người nhớ tới ông là tác giả để lại nhiều dấu ấn của nền văn học hiện đại Việt Nam, với những tác phẩm tiêu biểu như: “Nằm vạ” (truyện, 1941), “Đường vui xứ bạn” (ký, 1962), “Hoa và thép (truyện, 1972), “Bạn bè một thuở” (Hồi ký và tiểu luận, 1999), “Cái bóng cọc” (truyện, 2002)… Sau hơn nửa thế kỷ cầm bút và tham gia quản lý văn hóa văn nghệ, nhà văn Bùi Hiển để lại 32 đầu sách sáng tác và 9 cuốn sách dịch.

Bùi Hiển là nhà văn sống và viết trải qua nhiều thăng trầm của lịch sử, gắn với sự phát triển của văn học Việt Nam thế kỷ 20. Năm 2001, nhà văn Bùi Hiển vinh dự được trao tặng Giải thưởng Nhà nước về văn học và nghệ thuật. Ông mất ngày 11/3/2009 tại Hà Nội, thọ 90 tuổi.

Nhận xét về ông, nhà thơ Hữu Thỉnh từng viết: “Là một người am hiểu Hán học và Tây học, suốt đời gắn bó với nhân dân, nhà văn Bùi Hiển là tinh hoa của vùng đất giàu truyền thống yêu nước và hiếu học… đem hết tài năng và tâm huyết nhằm “đánh thức cái lương tri, thiên lương sẵn có ở mỗi con người”.

Dù viết nhiều thể loại, song truyện ngắn được xem là sở trường của nhà văn Bùi Hiển. Nhiều truyện ngắn của ông tạo ra dấu ấn đậm nét về phong cách sáng tác, có thể kể đến “Nằm vạ”, “Ma đậu”, “Chiều sương”... Tại một cuộc tọa đàm mới đây, TS văn học Trần Ngọc Hiếu nhìn nhận: Bùi Hiển là một trong những nhà văn có thể giúp cho người đọc hình dung được truyện ngắn là một thể loại có quy mô nhỏ nhưng có khả năng gây ấn tượng như thế nào, gây hiệu ứng như thế nào đối với công chúng. Cũng theo TS Hiếu, nhà văn Bùi Hiển là một nhà văn cực kỳ quan tâm đến vấn đề chi tiết - linh hồn của tác phẩm.

Đồng tình với điều này, nhà văn Lê Minh Khuê - người có nhiều kỷ niệm sâu sắc với nhà văn Bùi Hiển tâm sự: “Cho đến giờ, tôi vẫn nhớ nhà văn Bùi Hiển có nói với tôi rằng các chi tiết làm nên văn học. Chi tiết trong đời sống phải thổi cho nó một cái hồn, và viết đừng sơ lược. Ông kể với tôi, có những lúc ông ngồi quan sát cây cối, quan sát chim chóc để ông tìm ra được các chi tiết phục vụ cho văn học”.

Bên cạnh những tác phẩm đã được xuất bản, nhật ký và thư từ của nhà văn Bùi Hiển cũng rất đáng quan tâm. Chính vì vậy, việc gia đình nhà văn quyết định tuyển chọn và công bố trong cuốn sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” (NXB Văn học và Như Books ấn hành) nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của ông, khiến nhiều người quan tâm.

Sách in ấn trang trọng, dày gần 340 trang, với 4 phần chính: Con đường văn chương và Nhật ký, Ân tình bạn bè, Gia đình, Trong ký ức người thân. Với tính chất riêng tư, quyển sách hé lộ góc nhìn vô cùng sống động và hấp dẫn về các diễn biến chính trị - xã hội Việt Nam trải dài từ những năm 1940 của thế kỷ trước tới những năm đầu thế kỷ 21.

Phần đầu sách là những trang nhật ký của Bùi Hiển viết từ năm 1946 đến cuối đời. Là người chỉ viết khi có đủ chất liệu, nhà văn chú trọng việc ghi chép sự kiện hàng ngày làm cảm hứng sáng tác. Hai phần cuối là những bức thư Bùi Hiển viết cho gia đình và những bài viết tưởng nhớ của con cháu. Nhà văn và vợ Hoàng Thị Huệ luôn cẩn thận lưu giữ các lá thư trao đổi giữa các thành viên gia đình. Tâm tình trong thư giúp người đọc hiểu hơn về tính cách dung dị, chan hòa và sâu sắc của Bùi Hiển.

Để có được những tư liệu ra mắt lần này, các con, cháu nhà văn Bùi Hiển đã tiếp cận hơn 60 cuốn sổ ghi chép, nhật ký và hàng ngàn trang bản thảo, tư liệu mà nhà văn để lại.

Dù viết nhật ký, nhà văn Bùi Hiển vẫn thể hiện đậm dấu ấn cá nhân thông qua văn phong súc tích giàu cảm xúc và lối quan sát vô cùng tinh tế.

Đọc nhật ký và những trang thư của nhà văn Bùi Hiển, độc giả có thể gặp rất nhiều chi tiết đa dạng và sâu sắc về một thế kỷ nhiều biến động, đi sâu vào những nỗi niềm của đời sống văn chương cũng như tâm trạng và sinh hoạt của những con người Việt Nam bình dị.

Nhiều ý kiến đánh giá, những nhật ký và thư từ được trích công bố lần này trong sách “Bùi Hiển - Người đánh thức lương tri” có thể được xem như “chứng từ” của một đời văn, đời người và một niên biểu về lịch sử văn chương hiện đại.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    'Chứng từ' của một đời văn, đời người

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO