Đàn bà vẫn đẹp, cần ca ngợi và yêu

Việt Quỳnh (thực hiện) 10/11/2019 07:00

Sau 13 năm viết và đã ra mắt 9 đầu sách văn học được xuất bản: "Giường" (2007), "Phong độ đàn ông" (2008),”Những câu chuyện biển”(2009), "Những câu chuyện Sài Gòn" (2010), “ Nếu còn có tình yêu” (2012), “Tình không như là mơ” (2014), “Tình yêu, tình yêu” (2014), “Ai quyến rũ ai” (2015) và gần đây nhất là cuốn “Đàn ông già, đàn bà đẹp”còn thơm mùi mực in, thế nhưng Phan An (sinh năm 1970 tại Hà Nội, đang sống và làm việc tại TPHCM) không tự nhận mình là nhà văn.

Đàn bà vẫn đẹp, cần ca ngợi và yêu

Nhà văn Phan An.

Cách đây 12 năm, nhiều người trong đó có giới phê bình nhắc tới anh, là nhà văn của giới trung lưu thị thành, với giọng viết cá tính riêng, khi anh ra mắt tập truyện “Giường” năm 2007, anh nghĩ sao về điều này?

Chắc bây giờ, sau 12 năm, tôi nghĩ tôi vẫn là nhà văn của những người sống ở thành phố. Nghĩa là nhân vật của tôi từ đó đến nay vẫn loanh quanh giữa phố thị với những quán café, quán trà… nếu có đi thì cũng không đi xa, nếu có đi xa thì cũng lại trở về nhà - thành phố… Còn chữ giới trung lưu thị thành thì tôi không dám nhận. Cá nhân tôi luôn nghĩ chỉ cần đủ ăn đủ tiêu là được, và thật ra ở Việt Nam chưa chắc đã có giới trung lưu với đúng nghĩa của nó.

Và tôi cũng ngại khi được dán các nhãn mác. Bởi vì chúng ta sẽ bị bó buộc, sẽ phải sống trong khuôn khổ những nhãn mác, thương hiệu đó. Tốt nhất là một người vô danh, làm được cái gì thì làm, làm được đến đâu thì làm.

Trong 13 năm, anh viết đều đều, cho ra 9 đầu sách văn học, không nhiệt thành cũng không quá bỏ bê hờ hững, văn chương thực ra là gì trong cuộc sống của anh?

Câu hỏi rất hay, thật ra tất cả chúng ta đều có thể tự hỏi mình: văn chương (tình yêu, thời trang, bia…) thực ra là gì trong cuộc sống của mình. Văn chương như thể một cái nghiệp, một thú vui, một người tình chung thủy trong cuộc sống của tôi. Nhiều khi cũng bận rộn ngập mặt, nhưng tự nhiên thấy có gì đó để kể lại, thấy cần phải viết, tôi lại bị thôi thúc phải dành ra thời gian và sức lực để viết, viết và viết nên tôi nghĩ văn chương là cái nghiệp. Nhưng viết văn cũng có cái vui, mọi người đi chơi, đi uống bia thì tôi ở nhà ngồi viết... Và có khi thấy mệt mỏi, trống rỗng... tôi lảo đảo tìm đến ngã vào vòng tay văn chương nên tôi coi văn chương như thú vui và là người tình trăm năm… Tôi không hừng hực nhiệt thành nhưng cũng không ngó lơ hờ hững với văn chương và văn chương cũng đối xử lại với tôi đúng như vậy.

Vì sao khi ra mắt một cuốn sách mới, anh vẫn thu mình vào lặng lẽ, không truyền thông, không giới thiệu, không cả một buổi ra mắt sách?

Bởi vì quan niệm của tôi với văn chương như trên, nên khi được in thêm một cuốn sách, tôi chỉ đem đi tặng những người thân, những người bạn như một món quà. Và như một phép thử, nhiều người bạn gặp tôi, uống với tôi - vui là chính, đâu cần có cuốn sách nào mà vẫn vui. Bố tôi thậm chí còn hỏi: “In cuốn sách mới này có tốn nhiều tiền lắm không con?”. Và dù tôi có giải thích là: “Con in sách cũng được một chút tiền nhuận bút” (khoảng ba chỉ vàng 9999 gì đó), bố có vẻ cũng không tin lắm. Cá nhân tôi nghĩ, truyền thông, giới thiệu, ra mắt sách là việc của công ty in sách (nếu người ta muốn quảng bá, muốn bán được nhiều sách) chứ mình thì có sách để tặng là được rồi.

Anh cũng không có giao du với những nhà văn khác?

Bởi tôi không nghĩ mình là nhà văn, tôi chỉ là người gõ bàn phím mua vui cho đời…Một lý do khác, có thể là vì hồi bé tôi nghĩ nhà văn là phải ghê lắm, tuyệt vời lắm nên lớn lên, già đi tôi càng không muốn phá vỡ huyền thoại này… Lý do quan trọng hơn là các nhà văn khác có khi chẳng thèm chơi với tôi (cười).

Những câu chuyện mà anh viết, thường là những thứ quen thuộc quanh anh, mang vị rượu vang nhẹ, đọc hay (uống) có thể sẽ man mác buồn. Con người ngoài đời của anh, cũng phảng phất vẻ như thế?

Thật ra cái này phải để người gặp tôi cảm nhận. Cá nhân tôi nghĩ con người ngoài đời của tôi giống như chú hề buồn. Câu chuyện tôi yêu thích là khi có người đến hỏi làm thế nào để vui lên, chuyên gia khuyên là nên đi xem chú hề đó đi, vui lắm, người này bèn bảo: “Tôi chính là chú hề ấy đây”. Và tôi cũng thích câu trong trong cuốn tiểu thuyết nổi tiếng mà ai cũng biết: “Cuộc đời cơ bản là buồn…”. Và cũng chính vì thế nên trong những truyện tôi viết thường có gì đó hài hài buồn buồn…

“Rồi anh và cô hẹn gặp nhau. Cô mặc váy để uống cocktail nhưng cặp mắt cô là để uống vodka. Cô đến cùng một con chó nhỏ, cô đặt tên chó là Thằng đểu.

- Tại sao em lại đặt tên chó là Thằng đểu?

- Ôi, khi thả chó đi dạo, em gọi “Thằng đểu lại đây” là có bao nhiêu anh đẹp trai ngẩng đầu nhìn em…

- Em biết không, nhiều lúc anh cảm thấy mình giống chú chó con ở cửa hàng thú nuôi, ai cũng thích nhưng không ai chịu rước về…

- Anh bây giờ thì còn chó con gì nữa…” (Đàn ông già đàn bà điêng)

Dù sao anh cũng có thể nói rõ ràng hơn về hình ảnh một Phan An phía sau những trang viết chứ?

Người ta bảo: “Văn là người”. Hình ảnh tôi? Tôi như là tôi thôi, như tôi vẫn tự nhận tôi là một giảng viên đại học nghèo vượt khó, một luật sư nhưng mà là người tốt, và là một người gõ bàn phím… Hoặc như tôi viết như thể là về mình: “Biết giới thiệu về anh như thế nào? Anh cũng giống như Gagarin mơ ước là người đầu tiên bay lên vũ trụ, nhưng con chó nào đó (chó Laica) đã bay lên vũ trụ từ trước đó… Kế hoạch của anh hiện giờ là: (i) Sinh ra trên Trái đất (đã thực hiện xong); (ii) Đi thăm khoảng 1% diện tích Trái đất (đã thực hiện được một phần); (iii) Sau đó có thể thấy nhàm chán và sẽ đi thăm hành tinh khác…”(Đàn ông già đàn bà uống trà)

“Cô vẫn nhớ lần đầu tiên gặp anh, hai người đi ăn ở nhà hàng. Ăn xong anh thu dọn bát đĩa định đem xuống bếp rửa. Và như thể chợt nhớ ra là hai người đang đi ăn ở nhà hàng, anh bảo “Đấy là thói quen của người sống độc thân” và “Già rồi nên lẫn cẫn…” (Đàn ông già rất là lắm chuyện)

Vì sao anh chọn sống âm thầm và lặng lẽ, với những thú vui nho nhỏ, một gia đình cũng nho nhỏ, và với hiểu thấu, bao dung hơn?

Không phải ngẫu nhiên tôi chọn bút danh là Phan An - fan AN, người hâm mộ sự bình an… Sống âm thầm và lặng lẽ, với những thú vui nho nhỏ, một gia đình cũng nho nhỏ cũng vui mà. Đâu phải ai cũng vào showbiz. Và tôi cũng hiểu, cuộc đời ngắn ngủi lắm, nên sống cần chậm… Như tôi viết ở đâu đó: “Mở mắt ra đã là 7 giờ, chạy đến chỗ làm thì đã là thứ Tư, mua ly cafe uống chợt nhận ra đã là cuối năm, thở dài một cái thì đã quá nửa đời người...” (Những ngày cuối năm hay Chuyện của Cường).

Đàn bà vẫn đẹp, cần ca ngợi và yêu - 1

Bìa cuốn sách “đàn ông già, đàn bà đẹp”.

Sau những cuốn sách xuất bản từ năm 2007 đến 2015, vì sao bây giờ có thêm “Đàn ông già, đàn bà đẹp,”?

Vì tôi hay viết về tình yêu, mà viết về tình yêu thì có thể viết mãi.

Vì cá nhân tôi đã chớm già mà đàn bà thì vẫn đẹp, vẫn luôn cần phải ca ngợi và yêu.

Có người bạn bảo: “Sao dám nhận mình là đàn ông già?”. Tôi bảo: “Nhận trước là vừa, để khi già thật khỏi bỡ ngỡ”.

Thời gian để anh viết cuốn sách này là khi nào?

Tôi viết bất cứ khi nào có gì đó để viết (lúc chờ đợi, lúc nghĩ ra cái gì đó…), đầu tiên là từng đoạn ngắn, sau đó để một buổi sáng sớm, ghép các đoạn ngắn ngắn đó lại là thành một truyện ngắn. Ngày xưa, hồi trẻ tôi hay được đặt bài (cho “Thanh niên Tuần san”, cho “Mỹ thuật”, cho “Nam châm”, cho “Người đẹp”…). Tôi viết khá nhanh, một năm có thể gần xong một bản thảo sách văn học. Còn “Đàn ông già, đàn bà đẹp” là cuốn sách được viết - tích cóp trong hơn bốn năm.

Tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của anh sau trang viết?

Vì tôi chẳng đặt nặng chuyện, không đến mức dồn máu lên trang viết nên tâm trạng, cảm xúc, suy nghĩ của tôi sau trang viết như câu nói của cái cân sức khỏe là “Thân thể hoàn toàn bình thường, hơi béo một chút…” (cười).

Qua cuốn sách lần này, anh muốn truyền tải thông điệp gì, ngoài đề tài mà anh luôn thích nhắc tới rất lãng mạn: tình yêu đôi lứa?

Cuốn “Đàn ông già, đàn bà đẹp” dành thời lượng đáng kể để kể về đàn ông, đàn ông già, có thể là để mong mọi người hiểu và thương đàn ông, đàn ông già hơn.

Hiện tại cuộc sống hàng ngày của anh đang diễn ra như thế nào?

Có thể thấy nhiều lời kể về cuộc sống hàng ngày của tôi ngay trong “Đàn ông già, đàn bà đẹp” như đàn ông đi chợ, đàn ông đạp xe, đàn ông chụp ảnh, đàn ông uống trà… Tôi sống như là sống thôi. Ngoài đi dạy, tư vấn, viết lách thì tôi có khá nhiều trò để làm: đọc sách, xem phim, nghe nhạc, đi chơi và uống…

Với văn chương, anh có dự định cụ thể gì cho những tác phẩm sau không?

Tôi đang túc tắc viết tiếp “Đàn ông già, đàn bà đẹp”, dự định sẽ viết “Đàn ông già, cô gái trẻ” (tập truyện ngắn và tản văn) cho con gái bé sắp được một năm tuổi và “Ai rồi cũng già” (tiểu thuyết, tất nhiên) kể về những chuyến đi của một đàn ông già để chiêm nghiệm quá khứ, nhìn nhận hiện tại và định hướng tương lai ./.

Cảm ơn anh, chúc anh đạt được mọi ước nguyện và niềm vui trong cuộc sống và trên từng trang viết!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đàn bà vẫn đẹp, cần ca ngợi và yêu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO