Hắt hiu Tuồng Dương Cốc

Minh Phúc 22/08/2016 00:05

Từ những năm 60 của thế kỉ trước, đội Tuồng làng Dương Cốc, huyện Quốc Oai, Hà Nội từng nổi danh với nhiều vở diễn khắp cả nước. Nhưng đến nay loại hình nghệ thuật dân gian này đang đứng trước nguy cơ mai một…

Một buổi diễn của CLB Tuồng Dương Cốc.

Thời kì hoàng kim

Tìm gặp ông Nguyễn Văn Lý, Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp, Chủ nhiệm Câu lạc bộ (CLB) Tuồng thôn Dương Cốc mới hiểu vì sao những nghệ sĩ ở đây lại hết sức lo lắng cho “số phận” của đội Tuồng đến vậy. Ông Lý bảo, nếu nhắc đến quan họ không thể quên Bắc Ninh, cũng như nói đến Chèo không thể thiếu Thái Bình, thì khi nói tới Tuồng không thể không có Dương Cốc. Tuy nhiên, để tạo nên được “thương hiệu” như hôm nay, đội Tuồng Dương Cốc cũng trải qua không ít thăng trầm.

Ông Lý nhớ lại: “Vào khoảng những năm 1966 - 1967, cuộc chiến tranh chống Mỹ cứu nước bước vào giai đoạn ác liệt, những nghệ sĩ Nhà hát Tuồng Liên khu 5 (hiện nay là Nhà hát Tuồng Trung ương) trong một lần sơ tán về làng Dương Cốc đã truyền cho người dân nơi đây tình yêu nghệ thuật.

Mãi đến năm 2006, nhận thấy đội Tuồng hoạt động hiệu quả, có nhiều đóng góp, xã, huyện mới chính thức quyết định thành lập CLB Tuồng thôn Dương Cốc.

“Hồi đó, gia đình nào cũng ít nhất một người tham gia vào đội Tuồng. Đấy được coi là thời hoàng kim nhất của Tuồng Dương Cốc. Khi nghe tiếng trống thúc lên, trẻ, già, trai, gái trong làng nô nức kéo nhau đến tập trung rất đông. Những chiếc xe kéo, xe cải tiến, xe bò, xe công nông cứ đêm đến là sáng rực ánh đèn chở đoàn diễn viên đi biểu diễn.

Không ngừng đổi mới, CLB Tuồng Dương Cốc cho ra đời trên dưới 40 vở diễn từ truyền thống đến hiện đại, được diễn ở các sân khấu chuyên và không chuyên trên khắp cả nước. Còn nhớ, năm 2006, đội Tuồng Dương Cốc lần đầu tiên “mang chuông đi đánh xứ người” trên đất Bình Định và may mắn giành được 4 Huy chương Vàng toàn đoàn, 2 Huy chương Bạc, một giấy khen cho vở diễn: “Nắng soi dòng suối Pang Pơi”.

“Thú thật, mỗi lần đi biểu diễn là mỗi lần tốn kém, trong khi đó kinh phí hỗ trợ cho đoàn chẳng đáng là bao song ai cũng nỗ lực hết mình vì luôn coi đó là trách nhiệm và nghĩa vụ” - ông Lý tâm sự.

Mòn mỏi chờ danh hiệu

Khi mới thành lập CLB có khoảng 40 thành viên tham gia, nhưng thời gian sau cứ rơi rụng dần, chỉ còn hơn 20 thành viên. Vì sao lại có thực trạng này, những người trong CLB Tuồng nói rằng, phần vì bây giờ những thành viên trong CLB Tuồng năm xưa nay cũng khá nhiều tuổi, không còn đủ sức tham gia hoạt động.

Phần nữa là muốn mở lớp đào tạo truyền nghề cho đội ngũ kế cận nhưng lớp trẻ không mấy mặn mà. Nhưng yếu tố khiến CLB Tuồng hoạt động ngày càng thiếu sức sống là không có nguồn kinh phí. Đơn cử, mỗi buổi làm nghề phụ cũng được khoảng 50 - 60 nghìn đồng, trong khi đó đi tập Tuồng thì các thành viên hầu hết đều phải tự bỏ tiền túi.

Buồn cả hơn là có những lớp nghệ sĩ gắn bó mấy chục năm trong nghề nay tuổi cao sức yếu mà vẫn chưa được ghi nhận xứng đáng với công lao cống hiến cho nghệ thuật. Chẳng nói đâu xa, ngay như cặp vợ chồng ông Nguyễn Huy Thương (67 tuổi) và bà Nguyễn Thị Hảo (62 tuổi), được coi là “cặp đôi vàng” của CLB Tuồng Dương Cốc mà đến giờ phút này vẫn chưa được nhận danh hiệu gì.

Ông Thường, bà Hảo nói rằng, nếu tính từ năm 1970 khi bắt đầu tham gia trong CLB Tuồng thì đến lúc này có gần 50 năm thâm niên hoạt động nghệ thuật quần chúng. Rất nhiều vở diễn của họ được công chúng đón nhận và giành được nhiều huy chương vàng, bạc và giấy khen từ địa phương đến trung ương. Tuy nhiên, đến khi xét hồ sơ gửi lên trên thì vẫn chẳng có kết quả gì.

Ông Thường thở hắt: “Nói thì bảo chúng tôi đòi hỏi này nọ nhưng với chừng ấy thời gian lao động nghệ thuật mà về cuối đời… chẳng được ghi nhận gì, xót xa lắm. Chúng tôi thường động viên nhau là cứ chờ, nhưng chờ hoài, chờ mãi, có lẽ chờ đến chết cũng chưa được công nhận ấy chứ!”

Hiện nay, mặc dù đội vẫn duy trì hoạt động nhưng cũng chỉ bập bõm, mang tính chất mùa vụ. Điều mà đa phần những người trong CLB Tuồng trăn trở, ấy là dù muốn duy trì nhưng không biết lấy nguồn kinh phí đâu ra nuôi sống CLB. Trang phục hoàn toàn phải đi mượn, thi thoảng có nơi nào đến mời lo cho mọi thứ mới dám đi diễn.

Lớp trẻ trong làng thờ ơ với văn hóa cha ông cho nên hầu như không còn ai nối nghiệp. Trước thực trạng đó, mong rằng các cấp lãnh đạo, các nhà quản lí văn hóa cần có cơ chế quan tâm CLB Tuồng Dương Cốc có thể tiếp tục duy trì hoạt động, chứ để một “địa chỉ văn hoá” như Tuồng Dương Cốc ngày càng mai một đi, tiếc lắm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Hắt hiu Tuồng Dương Cốc

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO