Khó gìn giữ không gian cồng chiêng?

Vân Khánh 21/03/2016 14:15

Bộ VHTT&DL vừa tổ chức một hội nghị nhìn nhận đánh giá lại 10 năm bảo tồn di sản không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên. 

Khó gìn giữ không gian cồng chiêng?

Theo đó, sau 10 năm được UNESCO ghi danh, di sản văn hóa phi vật thể này đã có những đóng góp tích cực vào đời sống văn hóa, tinh thần của cộng đồng các dân tộc sinh sống trên địa bàn Tây Nguyên, góp phần bảo tồn, gìn giữ bản sắc, tính đa dạng văn hóa vùng miền, quốc gia và quốc tế. Và một trong những minh chứng rõ nhất là cộng đồng các dân tộc bản địa có di sản văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn thường xuyên thực hành di sản của mình trong các lễ hội, nghi lễ, sự kiện văn hóa nghệ thuật của địa phương cũng như của khu vực. Nhiều không gian văn hóa, nghi lễ, tín ngưỡng được phục hồi, nhiều liên hoan, ngày hội văn hóa được tổ chức.

Tuy nhiên hiện nay trong quá trình thực hiện, việc bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đang đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể như: việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế, từ trồng cây lúa rẫy sang cây công nghiệp đã dẫn đến sự suy giảm những sinh hoạt cồng chiêng gắn với hoạt động sản xuất truyền thống. Không gian buôn làng đã bị thu hẹp hoặc bị thay thế. Đời sống và sinh hoạt hiện đại làm thay đổi nhận thức về tính thiêng và tính cộng đồng của văn hóa cồng chiêng. Điều đáng nói là nhiều gia đình đã bán đi những bộ chiêng, ché, kpan quý. Thế hệ trẻ chưa thật sự yêu thích, quan tâm đến công chiêng trong khi nhiều nghệ nhân giỏi tuổi tác đã cao làn lượt qua đời. Một bộ phận đồng bào dân tộc Tây Nguyên từ bỏ tín ngưỡng truyền thống , trong đó có thực hành đánh cồng chiêng và các sinh hoạt gắn với văn hóa cồng chiêng.

Nhiều giải pháp bảo tồn không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên cũng đã được các đại biểu của 5 địa phương Gia Lai, Kon Tum, Đăk Lăk, Đăk Nông, Lâm Đồng được đưa ra. Song trong đó vấn đề kinh phí được đề cập tới nhiều hơn cả. Cụ thể như đề xuất tăng cường nguồn kinh phí hằng năm để thực hiện sưu tầm, gìn giữ và phát huy di sản văn hóa cồng chiêng; hỗ trợ kinh phí, cơ sở vật chất cho công tác bảo tồn…

Nhà nước đã đầu tư rất nhiều tiền phục vụ những công trình nghiên cứu về văn hóa dân gian, trong đó có vùng Tây Nguyên, nơi gắn với không gian văn hóa cồng chiêng. Những nghiên cứu ấy được in thành sách nhằm phục vụ cho hoạt động bảo tồn, song trên thực tế đó chỉ là những dự án tiêu tiền ngân sách. Vậy kinh phí liệu có thực sự là yêu cầu tiên quyết để không gian văn hóa cồng chiêng được phát huy và gìn giữ tốt hơn? Đó mới đang là băn khoăn lớn nhất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Khó gìn giữ không gian cồng chiêng?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO